A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động theo Thông báo Kết luận số 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị, nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam thông qua tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân người Việt Nam dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng; đồng thời, tạo điều kiện phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trong nước, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Cuộc vận động phù hợp với tình hình thực tiễn. Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động các cấp được thành lập và thường xuyên kiện toàn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền Cuộc vận động được triển khai với nhiều nội dung thiết thực, hình thức đa dạng, sinh động, phù hợp. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, từng bước hình thành ý thức, thói quen của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa của việc ưu tiên lựa chọn, sử dụng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm. Hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn được đẩy mạnh với nhiều đợt, nhiều hình thức phong phú. Công tác vận động, thu hút đầu tư để sản xuất ra các sản phẩm đặc trưng, thương hiệu của tỉnh được đẩy mạnh. Hoạt động quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng được tăng cường. Trong hơn 10 năm qua, tỉnh ta đã tổ chức được 75 phiên chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn, miền núi; thực hiện trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh tại gần 60 hội chợ thương mại, gian hàng triển lãm của các hội nghị, sự kiện lớn trong tỉnh, trong nước và ngoài nước; hỗ trợ thành lập 13 điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn; lựa chọn xây dựng điểm bán hàng nông sản của tỉnh dọc tuyến Quốc lộ 2; thực hiện xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của các địa phương; hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc trưng của tỉnh và ứng dụng Tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nỗ lực nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu và đảm bảo sự bảo hộ của các cơ quan chức năng đối với một số sản phẩm nông nghiệp thông qua Giấy Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn những hạn chế trong quá trình thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh, như: Việc thực hiện người Việt Nam dùng hàng Việt Nam còn chưa thật sự đi vào chiều sâu, biểu hiện ở việc lựa chọn kinh doanh các sản phẩm hàng Việt Nam của nhiều cơ sở kinh doanh còn chưa phổ biến; người tiêu dùng trên địa bàn còn có tư tưởng băn khoăn và còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, lựa chọn sử dụng hàng Việt Nam; một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm và chưa xác định rõ trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện cam kết bảo vệ người tiêu dùng; các điểm bán hàng Việt Nam, hàng nông sản của tỉnh chưa được phân bố đều tại các huyện, đặc biệt là hoạt động của một số điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm của địa phương tại một số huyện chưa hoạt động hiệu quả…

Trong tình hình hiện nay, được xác định là có nhiều yếu tố khó khăn, thuận lợi cũng như thời cơ, thách thức mới, đan xen: Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, vừa tác động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa; sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa của các địa phương khác trong cả nước với sản phẩm được sản xuất trong tỉnh; tỉnh Hà Giang có nhiều mặt hàng nông sản, tiểu thủ công nghiệp, mỹ nghệ tinh tế, đặc sắc, có chất lượng, được du khách trong nước và nước ngoài ưa chuộng, như: Chè Shan tuyết, mật ong Bạc Hà, dược liệu, nghề dệt lanh, thêu, trạm bạc… nhưng còn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có nhiều kênh tiếp cận khách hàng; quá trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực đòi hỏi người sản xuất, kinh doanh phải đổi mới tư duy, cách làm để tiếp cận khách hàng, tạo dựng thương hiệu, uy tín sản phẩm…

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố cần xác định rõ phương châm, quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những giải pháp cần thiết, quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, cần tiếp tục củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo cuộc vận động các cấp. Việc triển khai thực hiện Cuộc vận động phải đảm bảo những giải pháp thiết thực, trọng tâm, gắn với việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa của Trung ương, của tỉnh nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, như: Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 01/12/2020 về phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 01/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững; Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 11/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030… Quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp về ý nghĩa, nội dung Cuộc vận động, đặc biệt là khuyến khích, vận động người dân, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh ưu tiên sử dụng các sản phẩm hàng hóa Việt Nam, động viên các đơn vị sản xuất ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào là hàng Việt Nam. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa của tỉnh, nhất là các sản phẩm đặc trưng, được người tiêu dùng ưa thích; chú trọng phát triển thương mại điện tử kết hợp với minh bạch thông tin về nguồn gốc xuất x các sản phẩm hàng hóa của Hà Giang. Tăng cường công tác quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...

Hoàng Hiền


Thống kê truy cập
Hôm nay : 58
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 58
Năm 2024 : 505.404