A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngăn chặn, đẩy lùi nạn tự tử trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc Hà Giang đã được nâng lên. Song bên cạnh đó cũng phát sinh nhiều mâu thuẫn, áp lực công việc, bệnh tật, tệ nạn xã hội… khiến con người tìm đến cái chết. Thực tế cho thấy tình trạng tự tử đang trở thành một vấn nạn đáng báo động, để lại hậu quả hết sức nặng nề. Đó là nỗi đau thương, mất mát cho gia đình, người thân của nạn nhân (vợ mất chồng; con mất cha mẹ; cháu mất ông bà…); ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, gây hoang mang trong dư luận xã hội và kìm hãm đối với sự phát triển kinh tế do phần lớn người tự tử đang là trụ cột gia đình, là lao động chính.

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, các vụ tự tử xảy ra chủ yếu ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí, nhận thức về cuộc sống cũng như hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân những nơi này còn hạn chế, đời sống gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê từ năm 2015 đến năm 2020 đã xảy ra 433 vụ tự tử, làm chết 425 người, 08 người bị thương. Số người chết do tự tử cao gấp 43 lần so với người chết do cháy nổ gây ra; cao gấp 9,7 lần số người chết do tai nạn lao động; cao gấp 2,1 lần số người chết do tai nạn rủi ro và trong đó xảy ra chủ yếu là ở người dân tộc thiểu số.

Nâng cao nhận thức vai trò, trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng góp phần giảm thiểu tình trạng nạn tự tử ở giới trẻ tại huyện Đồng Văn

Để khắc phục, hạn chế mức thấp nhất nạn tự tử cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn; không ngừng nâng cao nhận thức và rèn luyện kỹ năng sống cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động giao lưu, đối thoại để xây dựng động cơ, thái độ, phương pháp rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, biết yêu quý cuộc sống. Tăng cường các hoạt động tập thể, nâng cao vai trò của tổ chức đoàn thể, giải tỏa những vướng mắc, những xung đột cá nhân, phát huy truyền thống của dân tộc “Điềm tĩnh, biết kiềm chế, hiền hòa nhường nhịn, bao dung…”; củng cố, quản lý, hệ thống Hương ước, Quy ước thôn, xóm, làng nhằm phát huy tác dụng giáo dục bằng nề nếp qua hệ thống giá trị mà tập thể thôn, làng xây dựng. Xây dựng tổ hòa giải, những già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có năng lực tham vấn, hướng dẫn kịp thời, giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống, trong học tập, trong ứng xử, quan hệ bạn bè, xóm giềng nhằm kịp thời tháo gỡ những bế tắc trong cuộc sống; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân biết quý trọng cuộc sống, nhận thức đầy đủ hơn về các vấn đề xã hội, trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng, nhận thức sâu sắc hậu quả do nạn tự tử.

 Phát huy vai trò của các ban ngành, tổ chức đoàn thể ở cấp cơ sở kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tâm lý, tác động, định hướng tư tưởng, động viên, giúp đỡ tháo gỡ những khúc mắc, loại bỏ suy nghĩ cực đoan, tiêu cực của người có dấu hiệu muốn tự tử. Hướng dẫn đoàn viên, hội viên các biện pháp, cách thức để kịp thời phát hiện phòng ngừa, giải quyết các nguyên nhân dễ làm phát sinh tự tử. Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, cần phát huy hiệu quả thông tin trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, youtube… nhất là nâng cao phủ sóng viễn thông, hệ thống loa truyền thanh ở cấp cơ sở; chú trọng nâng cao chất lượng và tổ chức tuyên truyền thường xuyên bằng tiếng dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ về nguyên nhân và những hệ lụy của vấn nạn tự tử.

Ly Páo


Thống kê truy cập
Hôm nay : 58
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 58
Năm 2024 : 505.404