A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay

Với tinh thần thẳng thắn, trung thực, Đảng ta đã chỉ rõ: Tham nhũng và tệ quan liêu, tham nhũng là một trong 04 nguy cơ, thách thức đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ, của đất nước. Do đó, công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết. Nhất quán quan điểm trên, trong thời gian qua, tỉnh ta đã chỉ đạo, triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong toàn tỉnh đảm bảo đúng định hướng, thống nhất, khách quan về nội dung với nhiều hình thức phong phú, phù hợp, góp phần không nhỏ vào kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

Trước hết, để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, công tác tuyên truyền trong thời gian qua đã được triển khai thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú: Tổ chức quán triệt, học tập tại các hội nghị, cuộc họp chuyên đề, lồng ghép hoặc sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, thôn, tổ dân phố; các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội; lồng ghép tại các chương trình văn hóa, văn nghệ quần chúng hoặc chiếu phim lưu động; các khẩu hiệu, bảng tường, áp phích… với các nội dung trọng tâm như: Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Chỉ thị số 31-CT/TU, ngày 24/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, vụ lợi, thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, gắn với tuyên truyền về công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...; thông tin kịp thời, khách quan về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong cả nước và của tỉnh; lên án các biểu hiện, hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực; biểu dương những cá nhân, tập thể điển hình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân trước các luận điệu vu cáo, xuyên tạc, đưa những thông tin không chính xác về các vụ việc tham nhũng nhằm nói xấu chế độ, làm giảm uy tín của các đồng chí lãnh đạo các cấp…

Cùng với đó, công tác tuyên truyền còn được thực hiện qua các diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo của các ngành, đơn vị, địa phương với nhân dân về những vấn đề còn bất cập liên quan đến ngành, địa phương, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí và những vấn đề “nổi cộm” được dư luận xã hội quan tâm.

Kết quả trong 05 năm (2016-2021) cấp ủy các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức được trên 5.000 lượt tuyên truyền miệng thông qua các hội nghị quán triệt, phổ biến  chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các cuộc họp, giao ban, sinh hoạt chi bộ; báo chí tỉnh đã dành nhiều thời lượng, dung lượng để đăng tải các văn bản chỉ đạo, tin, bài về công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí của Trung ương, của tỉnh, như: Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh phát sóng 720 tin, 72 phóng sự ngắn, 12 phóng sự chuyên đề về lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tham nhũng và một số biểu hiện tiêu cực khác; Báo Hà Giang đăng tải trên 200 tin, bài về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, thực hiện có hiệu quả thông điệp quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: “Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương lần này thì nhận thức của chúng ta phải chín, tư tưởng phải thông, các cấp, các ngành cần tiếp tục đề cao vai trò tham gia của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, ngành, đơn vị, địa phương nâng cao nhận thức, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương, đơn vị; các lực lượng tuyên truyền trong tỉnh cần bám sát định hướng của cơ quan Ban Tuyên giáo các cấp, lựa chọn, xây dựng nội dung tuyên truyền đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo các nội dung phản ánh phải kịp thời, mang tính toàn diện, sâu sắc, đồng thời tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước và của tỉnh để thực hiện âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”…

Hoàng Hiền


Thống kê truy cập
Hôm nay : 9
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 9
Năm 2024 : 505.355