A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong tình hình mới

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc sử dụng công cụ pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành và đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam. Hiến pháp 1946 đã thấm nhuần, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Xuất phát từ tư tưởng của Người nên các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 Hiến pháp năm 2013 thì những tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.

Trên thế giới hiện có nhiều nước tổ chức Ngày Pháp luật hay Ngày Hiến pháp như một ngày hội để “thượng tôn pháp luật”, tôn vinh Hiến pháp-đạo luật gốc của mỗi quốc gia. Hiện nay có hơn 40 quốc gia lấy ngày ký, ban hành hoặc thông qua Hiến pháp để hằng năm tổ chức kỷ niệm “Ngày Hiến pháp” của đất nước mình. Trước khi Ngày Pháp luật được cụ thể hóa trong luật, các hoạt động của Ngày Pháp luật đã được Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ triển khai từ ngày 04/10/2010, thông qua Công văn số 3535/HĐPH của Hội đồng gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương. Thực hiện Ngày Pháp luật cũng chính là cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Chính vì vậy, theo đề xuất của Chính phủ, ngày 09/11 Ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật) đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012. Tại Điều 8 của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 quy định: “Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

Với đặc thù là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và địa phương lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác tuyên truyền còn được đa dạng hóa qua nhiều hình thức như: Tuyên truyền thông qua việc biên tập và phát hành tài liệu, tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho người dân; tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hộiHội đồng nhân dân các cấp trong cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên”... Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền bằng các thứ tiếng dân tộc trên hệ thống loa truyền thanh không dây và loa di động; tuyên truyền bằng ghi âm thông qua phương tiện xe máy lưu động đến từng đường làng, ngõ xóm tại các thôn, tổ dân phố, vùng sâu, vùng xa. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, để hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đạt được kết quả tốt hơn nữa, thời gian tới các cấp, các ngành cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp trên; thường xuyên có kế hoạch, các văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân... phát huy tối đa vai trò của hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp. Đặc biệt, ngành Tư pháp các cấp, với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, phải chủ động tham mưu cho chính quyền cấp mình trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi và tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. 

Hai là, thường xuyên rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và tổ Hòa giải viên ở cơ sở. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng, bổ sung nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ trong phổ biến, giáo dục pháp luật.  Bên cạnh đó nâng cao sự hiểu biết về phong tục, tập quán của các dân tộc trong từng địa phương cho đội ngũ này. Đặc biệt, tận dụng tối đa nguồn nhân lực tại địa phương và phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và người có uy tín trong cộng đồng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ba là, gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, hoàn thành chỉ tiêu về đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Vì vậy, trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới, cần đặc biệt quan tâm tới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và phải coi đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị.

Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đa dạng hóa nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; kết hợp hài hòa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống với những hình thức mới đang được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phát huy hiệu quả đối với đồng bào các dân tộc thiểu số cần được tiếp tục triển khai sâu rộng, như phổ biến pháp luật thông qua hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý lưu động; tư vấn pháp luật, cung cấp miễn phí thông tin, tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc; lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong các hoạt động văn hóa truyền thống…

Năm là, bảo đảm kinh phí để triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng. Kinh phí được bố trí hằng năm phải đáp ứng được nhu cầu về cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ và việc triển khai các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho người dân.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên và triển khai kịp thời, nhằm đáp ứng việc thông tin, tuyên truyền pháp luật đến cán bộ, người dân, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và các tầng lớp nhân dân, từ đó tích cực tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ly Páo


Thống kê truy cập
Hôm nay : 9
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 9
Năm 2024 : 505.355