A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Trong gian khó đồng bào Hà Giang vẫn dành tất cả cho tiền tuyến

70 năm trước, tỉnh vùng cao Hà Giang dù còn nhiều gian khổ nhưng đã tích cực góp sức người, sức của cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Những người con của Hà Giang tham gia chiến dịch Điện Biên năm ấy nay tuổi đã cao, nhưng vẫn hào hứng khi nhắc về một thời tuổi trẻ “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”.

Những năm kháng chiến chống Pháp, Ban Cán sự Đảng Tỉnh đội Hà Giang đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức xây dựng vững chắc thế trận chiến tranh nhân dân do lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt; đồng thời, trực tiếp lãnh đạo bộ đội địa phương, dân quân, du kích kiên cường chiến đấu đánh đuổi giặc Pháp tại huyện Bắc Quang; tiễu phỉ “Đông-Tây tập đoàn”, đập tan âm mưu lập “Xứ Nùng tự trị” ở Hoàng Su Phì, “Xứ Mèo tự trị” ở Đồng Văn.

Trong hoàn cảnh khó khăn đó, quân và dân Hà Giang vẫn đóng góp sức người, sức của cho các chiến dịch lớn. Theo lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Hà Giang, trong kháng chiến chống Pháp, có gần 1.300 thanh niên đồng bào các dân tộc vào bộ đội, trong đó nhiều người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Trên người có mỗi bộ quần áo dài nhưng khi được giao nhiệm vụ phối hợp cùng các đơn vị bạn đào hầm đặt khối bộ phá đồi A1, anh em trong đơn vị phải lấy quần dài đang mặc để vận chuyển đất đá. Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng sức trẻ, tinh thần chiến đấu cao, dũng cảm, ngoan cường, đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Cựu chiến binh Ấu Đức Túc

Năm 1946, chàng trai trẻ người dân tộc Tày, Ấu Đức Túc, quê ở xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang xin đi bộ đội. Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã tham gia nhiều chiến dịch, như chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Thượng Lào. Cuối năm 1953, ông Ấu Đức Túc khi đó là Đại đội trưởng Đại đội 409, Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 nhận lệnh chỉ huy đơn vị hành quân từ tỉnh Phú Thọ lên tỉnh Điện Biên. Hơn một tháng hành quân, vượt qua bao núi cao, khe sâu, rừng già và bom đạn của quân thù, đơn vị ông đến địa điểm tập kết đúng thời gian, sẵn sàng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong 56 ngày đêm chiến dịch, đơn vị ông Túc tham gia nhiều trận đánh lớn như trận đồi Độc Lập, trận Bản Kéo, trận đồi A1.

Dù đã 95 tuổi, nhưng ký ức về chiến dịch Điện Biên vẫn vẹn nguyên trong tâm thức người cựu chiến binh già, ông Ấu Đức Túc cho biết: “Khó khăn, gian khổ vô cùng, suốt 56 ngày đêm tôi hầu như không ngủ, ngày tham gia đánh trận, đi lấy vật liệu phục vụ chiến đấu, đêm thì khoét núi đào hầm, đào hào. Trên người có mỗi một bộ quần áo dài nhưng khi được giao nhiệm vụ phối hợp cùng các đơn vị bạn đào hầm đặt khối bộc phá đồi A1, anh em trong đơn vị phải lấy quần dài đang mặc để vận chuyển đất đá. Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng với sức trẻ, tinh thần chiến đấu cao, dũng cảm, ngoan cường, đơn vị đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao".

Ngày 7/5, khoảnh khắc quân đội Pháp buông vũ khí, giương cờ trắng đầu hàng tôi không bao giờ quên, một quân đội đa phần là người dân chưa biết chữ đã đánh thắng đế quốc hùng mạnh. Nhưng cái giá của chiến thắng là quá lớn, ngày chúng tôi hành quân lên Điện Biên, quân số của đơn vị là 140 người, nhưng đến ngày chiến thắng chỉ còn 30 chiến sĩ trở về. Nhiều đồng đội vẫn nằm mãi ở chiến trường”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Túc được cử đi học lục quân ở Quế Lâm (Trung Quốc), sau khi về nước ông tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, đến khi về hưu năm 1987 ông làm Tham mưu phó Tỉnh đội Hà Tuyên.

 

Hà Giang trong những năm kháng chiến chống Pháp nghèo nàn và lạc hậu, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân trong tỉnh tích cực đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, quân và dân Hà Giang hăng hái lên đường phục vụ chiến đấu. Trên các trục đường từ Hà Giang về Tuyên Quang; từ Hà Giang sang Yên Bái; các tuyến đường ngựa thồ từ Hà Giang sang phía tây ngày đêm nườm nượp dân công sử dụng các hình thức vận chuyển thô sơ như gồng gánh, khuân vác, ngựa thồ, xe đạp, xe trâu vận chuyển gạo, đạn, thực phẩm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bà Nguyễn Thị Hiền, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, năm nay đã 93 tuổi nhớ lại: “Những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi tham gia phục vụ chiến đấu, vận chuyển hàng hóa phục vụ các chiến dịch. Điều kiện địa hình, khí hậu Tây Bắc khắc nghiệt, việc vận chuyển hàng hóa đa phần là sử dụng sức người. Khó khăn, thiếu thốn là thế nhưng với khẩu hiệu tất cả vì tiền tuyến, chúng tôi đã vượt qua tất cả để kịp thời chi viện cho bộ đội chủ lực đánh trận”.

Bà Nguyễn Thị Hiền, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên dù tuổi đã cao những vẫn là gương sáng trong lao động để con cháu noi theo.

Theo báo cáo số 74, ngày 14/1/1955 của Ban Cán sự Tỉnh đội Hà Giang: Trong năm 1953 và sáu tháng đầu năm 1954, tỉnh huy động gần 36 nghìn dân công phục vụ sửa chữa cầu đường, vận chuyển hàng hóa, phục vụ chiến đấu; đã vận chuyển 250 tấn thóc phục vụ kháng chiến. Để thực hiện nhiệm vụ, tỉnh đã huy động 3.350 con ngựa thồ; 36 xe ngựa; 12 xe trâu; 127 xe đạp; 67 thuyền và hàng trăm bè mảng.


Sau kháng chiến chống Pháp, quân và dân Hà Giang tiếp tục thi đua lao động, sản xuất, xây dựng lực lượng vũ trang ngày một lớn mạnh. Đồng thời tích cực huy động sức người, sức của để phục vụ kháng chiến chống Mỹ và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc.


Trong lễ viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên nhân dịp đón Xuân Giáp Thìn vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn khẳng định, tỉnh luôn khắc ghi công ơn và sự hy sinh anh dũng của các thế hệ đi trước; đoàn kết, thống nhất một lòng, chung tay thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2023, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, phát triển; triển khai hiệu quả ba đột phá về kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch, nông nghiệp và an sinh xã hội; y tế, giáo dục từng bước được cải thiện; bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ, phát huy; giảm nghèo đạt tỷ lệ cao, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được cải thiện rõ nét; quốc phòng-an ninh được bảo đảm; chủ quyền lãnh thổ quốc gia được giữ vững; thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa và khẩn trương rà phá bom mìn, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Nội dung: KHÁNH TOÀN
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: TTXVN, Khánh Toàn


Nguồn: Báo Nhân dân điện tử
Thống kê truy cập
Hôm nay : 50
Hôm qua : 4.744
Tháng 04 : 106.715
Năm 2024 : 295.055