A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Diễn văn của Bí thư Tỉnh ủy tại Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh, 60 năm Bác Hồ lên thăm Hà Giang năm 1961

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

Kính thưa các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội,

Kính thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương,

Kính thưa các quí vị đại biểu, các vị khách quý,

Thưa đồng chí và đồng bào,

Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Hôm nay, tỉnh Hà Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Giang (20/8/1891 - 20/8/2021), 30 năm tái lập tỉnh (01/10/1991 - 01/10/2021) và 60 năm Bác Hồ về thăm Hà Giang (26-27/3/1961) nhằm ôn lại những truyền thống lịch sử vẻ vang, hào hùng của quê hương Hà Giang cách mạng nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trân trọng cảm ơn các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các vị khách quý đã dành tình cảm và sự quan tâm với tỉnh Hà Giang và cùng tham dự Lễ kỷ niệm.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Trong buổi lễ trọng thể này, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang xin được tỏ lòng thành kính biết ơn vô hạn và tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam; Tỏ lòng biết ơn tới các Anh hùng liệt sỹ, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp xây dựng, phát triển của tỉnh nhà. Nhân dịp này, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi xin gửi đến các gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, các bậc lão thành cách mạng của tỉnh lời tri ân sâu sắc; xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong cả nước đã luôn quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo, chia sẻ, đồng hành và phối hợp, giúp đỡ Hà Giang trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển vừa qua. Xin gửi đến toàn thể đồng chí, đồng bào nhân dân các dân tộc lực lượng vũ trang nhân dân toàn tỉnh những tình cảm sâu sắc, lời cảm ơn chân thành về những cống hiến, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang trong suốt chặng đường qua.

Kính chúc các đồng chí đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Kính thưa quí vị đại biểu,

Hà Giang là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hóa. Đây cũng là vùng đất gắn liền với những chặng đường lịch sử trọng đại của đất nước, có vị trí địa chính trị trọng yếu, là “phên dậu” của Tổ quốc Việt Nam.

Trước đây vùng đất Hà Giang có tên gọi là Hà Dương và được mang tên Hà Giang vào thời nhà Lê, năm 1705. Theo dòng lịch sử với tên gọi khác nhau: Bộ, châu, phủ, sứ, hạt..., ngày 20/8/1891, Hà Giang chính thức có tên trên bản đồ theo đơn vị hành chính là một tỉnh của nước Việt Nam. Kể từ khi tỉnh Hà Giang được thành lập đến nay đã hơn một thế kỷ, đó là cả một quá trình phấn đấu đầy gian khổ và hy sinh, đồng bào các dân tộc Hà Giang vừa phải kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm và bọn phản động tay sai của thực dân phong kiến, vừa phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và nghèo nàn, lạc hậu, để vươn lên giành chiến thắng. Những thành tích, chiến công rực rỡ đó đã góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc Việt Nam.

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang thường xuyên phải chống lại các đội quân xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc và đấu tranh chống lại quan quân triều đình suy thoái ra sức bóc lột, đàn áp, đẩy nhân dân vào con đường cùng khổ. Các thế hệ nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã không quản ngại hy sinh để góp phần bảo vệ độc lập của dân tộc, sự bình yên của quê hương.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ tỉnh được thành lập ngày 25/12/1945 do đồng chí Hồng Quân, Bí thư Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng tại Hà Giang. Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thi đua phát triển kinh tế, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều gia đình đã tự nguyện quyên góp tiền, ruộng đất, trâu, bò cho cách mạng; ủng hộ kháng chiến kiến quốc, động viên chồng và con em lên đường kháng chiến. Trong thời kỳ này, tỉnh ta có trên 1.300 người vào bộ đội, nhiều người tham gia du kích. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp hơn 27.000 tấn lương thực và hơn 1,8 triệu ngày công phục vụ kháng chiến và được Bác Hồ gửi thư khen.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hòa chung với khí thế sục sôi của cả nước, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến”, với tình cảm kết nghĩa keo sơn giữa Hà Giang với Lâm Đồng, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động, đã không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, tích cực đóng góp sức người, sức của chi viện cho miền Nam. Hàng vạn người con ưu tú của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đã xung phong lên đường ra mặt trận, hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến với hàng triệu ngày công đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hàng ngàn cá nhân và hàng trăm tập thể của tỉnh đã được Bác Hồ, Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công các loại; 829 người con ưu tú của tỉnh đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, 709 thương binh đã để lại một phần xương máu ngoài mặt trận. Công sức đó đã góp phần cùng với nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.

Đất nước thống nhất, cả nước tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tháng 12/1975 thực hiện quyết định của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hà Giang và Tuyên Quang được sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Từ đây, nhân dân các dân tộc Hà Tuyên đã đoàn kết một lòng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và phát triển mọi mặt đời sống xã hội. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, mặt trận Vị Xuyên là một trong những chiến trường trọng điểm đánh phá của đối phương, tại chiến trường này đã có các lữ đoàn, sư đoàn quân chủ lực và nhiều đơn vị bộ đội địa phương, dân quân tự vệ tỉnh Hà Tuyên tham gia phục vụ, chiến đấu, giành giật với địch từng chiến hào, từng điểm cao và giành thắng lợi

Bước sang đầu những năm 90 của thế kỷ XX, trước xu thế hội nhập ngày càng phát triển, đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã tạo luồng sinh khí mới trong đời sống xã hội. Ngày 01/10/1991, tỉnh Hà Tuyên được chia tách thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, với truyền thống đoàn kết, dũng cảm trong đấu tranh; cần cù trong lao động, sản xuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, nhân dân Hà Giang đã và đang từng ngày lập nên những kỳ tích mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cũ, Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, đỉnh Mã Pì Lèng - một trong “tứ đại đỉnh đèo” đẹp nhất của Việt Nam, Căng Bắc Mê - địa chỉ đỏ bên dòng sông Gâm, Tiểu khu Trọng Con, Mặt trận Vị Xuyên gắn với bản sắc văn hóa đặc sắc của 19 dân tộc anh em.

Chặng đường 130 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; sự động viên của các địa phương trong cả nước, cùng với nỗ lực vượt khó với quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang, đến nay tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực. Hình ảnh mảnh đất, con người Hà Giang luôn ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Giai đoạn 2015 đến nay, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt 6,8%. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% các thôn bản có đường đi được xe cơ giới đến trung tâm. 100% dân số đô thị, 94,4% hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 42%. Tỷ lệ xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế 100%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98,5%. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, cách làm sáng tạo. Văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn và phát huy; công tác giảm nghèo thu được nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh năm 2021 còn 18,54%. An sinh xã hội được bảo đảm, đã huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ xây dựng được hơn 5.131 nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới có khó khăn về nhà ở. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, phát triển có chiều sâu. Hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được xây dựng, củng cố vững mạnh. Lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền được nâng lên.

Với những thành tích đạt được, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2006; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2011, Huân chương Độc lập hạng nhất năm 2016 và nhiều tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ khen, tặng danh hiệu, phần thưởng cao quý.

Kính thưa quí vị đại biểu,

Ngày 26/3/1961 - một ngày lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Trung ương Đảng và Chính phủ đến thăm tỉnh Hà Giang. Gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, đồng bào các dân tộc trong tỉnh, Người không chỉ dành tình cảm thắm thiết và ân cần hỏi thăm đồng bào và cán bộ các dân tộc, hỏi thăm bộ đội, công an và dân quân, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng, mà Người còn khen ngợi những thành tích vẻ vang trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu thời kỳ kháng chiến, những cố gắng và tiến bộ về nhiều mặt của tỉnh Hà Giang từ ngày hòa bình lập lại (1954 - 1961) và dặn dò các tầng lớp nhân dân nỗ lực phấn đấu để hoàn thành những nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới của tỉnh nhà và đóng góp vào sự nghiệp cách mạng chung cả nước. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang luôn khắc sâu và thực hiện tốt Tám lời căn dặn của Bác, đó là:

“Trước hết, tất cả các dân tộc, bất kỳ to hay là nhỏ, đều phải đoàn kết chặt chẽ thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà”.

Hai là, đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm cơm no.

Ba là, muốn sản xuất tốt phải có đủ nước, nhiều phân bón và cải tiến nông cụ. Đủ nước, nhiều phân, nông cụ cải tiến là ba điều chính. Còn những điều khác cần phải làm, cán bộ phải ra sức tuyên truyền và phổ biến cho đồng bào hiểu và làm để sản xuất cho tốt.

Bốn là, cần phải phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn… là nguồn lợi lớn lại là một nguồn phân cho ruộng nương.

Năm là,  phải chú ý hơn nữa bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng. Trồng cây ăn quả và cây làm thuốc.

Sáu là, đồng bào phải chú ý vệ sinh. Để giữ gìn sức khỏe phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch, có sức khỏe thì lao động sản xuất mới tốt.

Bảy là, đồng bào phải cố gắng xóa nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ.

Tám là, đời sống của đồng bào rẻo cao còn nhiều khó khăn. Đồng bào các nơi khác, nhất là cán bộ từ khu đến huyện cần phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao nhiều hơn nữa. Đối với cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải củng cố tốt các chi bộ, chi đoàn, phát triển Đảng và đoàn. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải đoàn kết chặt chẽ, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của minh, phải gương mẫu trong đoàn kết dân tộc, trong học tập và trong lao động sản xuất, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, mệnh lệnh”.

Bài nói chuyện và những lời căn dặn cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang của Chủ tịch Hồ Chí Minh toát lên những quan điểm lớn, toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản mang tầm vóc cách mạng trên mọi phương diện của đời sống xã hội trong tỉnh, thể hiện sâu sắc tầm nhìn vượt thời gian và những định hướng lớn cho sự ổn định và phát triển bền vững của tỉnh trên tất cả các phương diện: Kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, con người và đạo đức; mang bản chất cách mạng và khoa học. Giá trị của những lời căn dặn đó ở chỗ đã bao gồm một hệ thống những quan điểm lý luận toàn diện và sâu sắc về chiến lược, kế sách phát triển của tỉnh, trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ quê hương, cũng như soi sáng cho toàn bộ quá trình Đảng bộ lãnh đạo đồng bào các dân tộc trong tỉnh tiến hành thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Chính bởi vậy, mỗi lời nói, từng luận điểm trong bài nói của Bác đã trở thành nguồn động lực tinh thần vô cùng to lớn, truyền cảm hứng cách mạng xung thiên, thôi thúc cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang trên hành trình thực hiện khát vọng ấm no, hạnh phúc.

Kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục con đường cách mạng vĩ đại mà Người đã gian khổ, cống hiến và hy sinh trọn đời, thực tiễn lịch sử cách mạng của tỉnh Hà Giang kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và trực tiếp là sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, đã minh chứng, khẳng định: Những thắng lợi ngày càng to lớn của Đảng bộ và nhân dân, từ thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân, thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975); thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là những thành tựu to lớn của hơn 35 năm đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà tỉnh Hà Giang đạt được đều gắn liền với ánh sáng soi đường của tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, Hà Giang vinh dự và rất đỗi tự hào đã chung tay góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là bằng chứng thực tiễn có tính thuyết phục khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn vững bền, trường tồn của những chỉ dẫn vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, cho phong trào cách mạng của tỉnh Hà Giang - cực Bắc của Tổ quốc.

Hơn 60 năm qua, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào dịp Xuân Tân Sửu 1961 khi Người thăm nhân dân và cán bộ tỉnh Hà Giang. Cây Đại Bác trồng khi đến thăm Hà Giang 60 năm trước, tại khuôn viên trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh như một minh chứng lịch sử của sự phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đổi thay, phát triển của tỉnh nhà. Nơi Bác đứng nói chuyện với Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh nay đã trở thành Quảng trường 26/3, có tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Hà Giang là nơi thường xuyên diễn ra những sự kiện lớn của tỉnh; những lời căn dặn của Bác vẫn còn vang vọng và đã trở thành chân lý, có giá trị vĩnh cửu cho các thế hệ đồng bào các dân tộc toàn tỉnh. Toàn bộ di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã lan tỏa, thấm sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đó là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá, đã, đang và sẽ luôn soi rọi, dẫn dắt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang trên con đường đi tới thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, góp sức xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, thỏa lòng mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời và ước vọng của toàn thể đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang.

Kính thưa quí vị đại biểu,

Những thành tựu của Hà Giang ngày hôm nay luôn gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; sự động viên, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương và của các tỉnh bạn. Đó cũng là kết quả của truyền thống cách mạng và tinh thần lao động hăng say, đoàn kết, sáng tạo không ngừng của nhân dân các dân tộc, cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Giang trong suốt những năm qua.

Một lần nữa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến Anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cảm ơn Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương cũng như các tỉnh bạn đã luôn quan tâm động viên, giúp đỡ tỉnh Hà Giang trong suốt chặng đường đã qua. Nhân dân các dân tộc Hà Giang  một lòng trung thành với Tổ quốc Việt Nam, dũng cảm, kiên cường, đoàn kết, sáng tạo để bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương.

Khắc sâu 8 lời Bác Hồ căn dặn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, với tinh thần thống nhất ý chí và quyết tâm chính trị cao, để xứng đáng với các thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra: “Xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; đến năm 2030 là tỉnh khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh trung bình khá của cả nước”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của Nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trường tồn mãi mãi!

Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Một lần nữa, xin kính chúc các quý vị đại biểu, quý vị khách quý, đồng chí, đồng bào và nhân dân các dân tộc trong tỉnh mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.299
Hôm qua : 2.119
Tháng 05 : 68.774
Năm 2024 : 368.188