A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh chủ trì thảo luận tổ chiều ngày 03.6

CTTBTG - Các ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần sóng vô tuyến điện cần xem xét lại thẩm quyền quyết định về đấu giá băng tần, kênh tần số. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất đối với hệ thống pháp luật về vi phạm hành chính…
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh điều hành phiên thảo luận tại Tổ 8
Trong phiên thảo luận Tổ, chiều ngày 3.6, dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh, cùng với các ĐBQH tỉnh Hậu Giang, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã tham gia nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm xoay quanh 2 Dự án Luật này.
Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ
Đấu giá, thi tuyển phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định
Liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng, sau gần 13 năm thi hành bên cạnh những kết quả đã đạt được thì một số quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất với các văn bản khác trong hệ thống pháp luật. Vì vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện là cần thiết.
Qua nghiên cứu dự thảo, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) đề nghị, băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định, không nên quy định cho Bộ Thông tin và Truyền thông như trong dự thảo Luật, nhằm bảo đảm tính trách nhiệm, chặt chẽ và tương xứng với thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) tham gia ý kiến tại phiên thảo luận Tổ
Về việc sửa đổi, bổ sung Điều 20 của Luật này, đại biểu cho rằng, cần phải quy định rõ mức độ vi phạm nào có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong giấy phép sử dụng băng tần và mức độ vi phạm nào thì bị thu hồi giấy phép sử dụng băng tần. Hiện, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định các hình thức xử phạt không có hình thức “thu hồi giấy phép”; các biện pháp khắc phục hậu quả, không có “khắc phục hành vi vi phạm”. Do đó, đề nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung cho bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về vi phạm hành chính. 
Đại biểu nhấn mạnh, Nhà nước không có trách nhiệm hoàn trả các khoản tài chính mà tổ chức, doanh nghiệp đã nộp khi cấp phép” là hình thức quản lý nhà nước hay là biện pháp xử lý vi phạm hành chính; và dựa trên cơ sở pháp lý nào. Đồng thời, cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật các khoản tài chính nêu trên.
Cho ý kiến về việc cấp lại giấy phép sử dụng băng tần, một số ý kiến cho rằng, cần làm rõ căn cứ về quy định thời hạn 3 năm (có thể nâng lên 5 năm) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong phương án kinh doanh, giảm thiểu rủi ro về đầu tư hạ tầng.
Sửa đổi Luật Dầu khí cần thống nhất và phù hợp với thực tế
Đối với Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), có ý kiến đại biểu cho rằng: Tại Điều 1 dự thảo đề nghị không cần thiết tách ra 2 khái niệm là “điều tra cơ bản về dầu khí” và “hoạt động dầu khí’’ mà nên quy định rõ ràng, cụ thể và mạch lạc chuỗi các hoạt động dầu khí để thuận tiện cho quá trình áp dụng và tổ chức thực hiện do tại Luật còn điều chỉnh nhiều nội dung khác.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tham dự kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khoá XV

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 15 dự thảo quy định đối với tổ chức có đăng ký thành lập, hoạt động được cấp theo quy định pháp luật của quốc gia bên dự thầu; đối với cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của quốc gia mà cá nhân đó là công dân. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là điều chỉnh trên lãnh thổ Việt Nam nên phải tuân thủ theo pháp luật của nước sở tại.
Quy định lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí tại dự thảo Luật có quy định việc lựa chọn tổ chức, cá nhân ký kết hợp đồng dầu khí tại lô dầu khí mở được thực hiện thông qua một trong các hình thức: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào thầu cạnh tranh hoặc chỉ định thầu theo quy định tại các Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19. Tuy nhiên, tại Điều 20 dự thảo Luật lại quy định lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt khi xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu ký hợp đồng dầu khí quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 18 và Điều 19 của Luật này, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí. Như vậy, không có sự thống nhất giữa quy định tại Điều 14 (hình thức lựa chọn) và Điều 20 dự thảo Luật đồng thời quy định này mang tính không minh bạch trong việc xác định như thế nào là trường hợp đặc biệt khi xuất hiện các điều kiện đặc thù. Do đó, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc nội dung này cho phù hợp để bảo đảm tính minh bạch trong quy định của pháp luật.
Đối với quy định về ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo điều chuyển nội dung quy định sử dụng ngôn ngữ trong giải quyết tranh chấp hợp đồng vào Điều 30 và điều chỉnh nội dung cho thống nhất với quy định tại Điều 27 của Dự thảo…
BBT

Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.382
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 8.166
Năm 2024 : 513.512