A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đoàn ĐBQH Hà Giang thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

CTTBTG - Chiều 31.5, Kỳ họp thứ III, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang chủ trì tại tổ 8. Dự thảo luận có Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã đóng góp nhiều ý kiến vào 2 dự án luật.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh chủ trì thảo luận tại tổ 8
Theo đó, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Vương Thị Hương tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn. Tại Khoản 1, Điều 3 giải thích từ ngữ về bạo lực gia đình, đại biểu đề nghị cần có thang đo, cách khảo sát đặc thù của các cơ quan về giới để nhận diện đúng các hình thức bạo hành gia đình, bởi nhiều người bị bạo lực gia đình không biết mình bị bạo lực dẫn tới việc không thể hoặc gây khó khăn trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực; xem xét, bổ sung chủ thể, đối tượng gây bạo lực gia đình vào khái niệm bạo lực gia đình như trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Đại biểu đề nghị xem xét bổ sung giải thích từ ngữ về khái niệm “thành viên gia đình” để áp dụng trong phạm vi của luật này; khái niệm cần làm rõ “Các thành viên trong gia đình có bao gồm các thành viên của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng”.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh thảo luận
Để tăng cường việc triển khai thực hiện Điều 10 và các quy định tại Khoản 2, Điều 21 dự thảo luật, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị bổ sung nội dung: “bao gồm cả việc đe dọa việc thực hiện các hành vi bạo lực gia đình” vào khái niệm Bạo lực gia đình và bạo lực gia đình trên cơ sở giới; luật cần chỉnh sửa, bổ sung trong “nguyên tắc hòa giải” theo hướng trao quyền cho người bị bạo lực gia đình để họ thực hiện quyền tự chủ cá nhân, tự quyết định…
Đại biểu Tráng A Dương thảo luận
Đại biểu Tráng A Dương cho rằng, hiện nay nhiều đồng bào vùng dân tộc thiểu số còn tâm lý e ngại khi đến tố giác hoặc phản ánh tình trạng bạo lực gia đình. Do vậy đại biểu đề nghị tại Điều 7 “Chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình” cần bổ sung thêm vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; tại Điều 6  “Những hành vi bị nghiêm cấm” bổ sung hành vi kỳ thị, phân biệt tôn giáo cho đảm bảo tính đầy đủ…
Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận
Theo đại biểu Phạm Thúy Chinh, với quy định về phân chia tài sản cần xem xét lại, tránh việc phân biệt giới tính như trong dự thảo luật; đồng thời xem xét lại bạo lực đối với cả đối tượng là nam giới (cần quy định cả 3 đối tượng nam, nữ, trẻ em)…
Đại biểu Vương Thị Hương thảo luận
Với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, theo đại biểu Tráng A Dương, hiện nay người cư trú là người nước ngoài rất nhiều, dự thảo luật cần mở rộng đối tượng này. Đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định về xử lý đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở vào dự thảo luật tại Điều 8; bổ sung thêm quy định về hình thức công khai thông tin phù hợp với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống với ngôn ngữ khác nhau và quy định rõ thời điểm công khai thông tin để nhân dân biết tại Điều 10; sửa lại các quy định tại Điều 32 về hình thức nhân dân giám sát trong dự thảo luật cho phù hợp; xem xét lại việc quy định khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành chính là hình thức thực hiện dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội… Mặt khác, theo đại biểu, bản chất của Luật Khiếu nại là quy định về thẩm quyền, quy trình, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại; Luật Tố cáo là quy định về thẩm quyền, quy trình, thủ tục tố cáo và giải quyết tố cáo; Luật tố tụng hành chính là quy định về quy trình, thủ tục khởi kiện hành chính và giải quyết các vụ án hành chính. Các luật này không quy định về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 40)…
Đại biểu Phạm Thúy Chinh đề nghị với nội dung thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp quy định những việc người lao động được công khai, giám sát thì cần quy định sát với thực tế hoạt động của doanh nghiệp và đánh giá rõ tác động của các quy ước, hương ước ở cơ sở…
Duy Tuấn (tổng hợp), Ảnh: CTV

Thống kê truy cập
Hôm nay : 253
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.403
Năm 2024 : 570.749