A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Quốc hội thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Chiều 2.6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh bên lề kỳ họp.
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về: "Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020" và "Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021".
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận chiều 26, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong các phiên họp trước, Quốc hội đã nghe các Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách. Đồng thời, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận tại tổ về nội dung này. 
Tại phiên thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung phát biểu các vấn đề đã nêu trong báo cáo Chính phủ và các gợi ý thảo luận; đề nghị đại biểu tập trung thảo luận vào việc lập và chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách năm 2020; thảo luận các nội dung về chính sách tài khóa, tính đầy đủ, chính xác, hợp lý, hợp pháp của số liệu kiểm toán, trong đó có cả quyết toán thu ngân sách nhà nước, quyết toán chi ngân sách nhà nước bao gồm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, phân bổ sử dụng dự phòng ngân sách trung ương, bội chi ngân sách và các khoản vay bù đắp bội chi…

Toàn cảnh kỳ họp

Toàn cảnh kỳ họp
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phát biểu đi thẳng vấn đề, làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý thực tiễn, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể và đề xuất rõ các giải pháp tránh trùng lắp và bảo đảm thời gian theo quy định. Quá trình điều hành các thành viên Chính phủ được mời để trao đổi, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý bày tỏ đồng thuận và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách. Báo cáo chuẩn bị rất công phu, chi tiết thể hiện trách nhiệm, sự nghiêm túc của Chính phủ đối với công tác này. 
Đại biểu cũng đánh giá cao hằng năm Thủ tướng Chính phủ đều ban hành các chỉ thị về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực. Các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản triển khai và thực hiện. Nhờ vậy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được một số kết quả quan trọng nhất là trong tiết kiệm chi thường xuyên ở hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, báo cáo còn tập trung nhiều vào tiết kiệm nhưng có nội dung phản ánh chưa hết bản chất của tiết kiệm, chẳng hạn như kết quả tiết kiệm chi thường xuyên chủ yếu là 10 % bắt buộc. Báo cáo cũng chưa đi sâu phân tích lãng phí, chưa làm rõ hiệu quả sử dụng vốn, nguồn lực nhà nước đầu tư trong thời gian qua. Nhận diện vấn đề này cho thấy công tác phòng, chống lãng phí một số ngành, địa phương chưa chuyển biến rõ nét. Việc phát hiện, xử lý lãng phí còn chậm, có nơi chưa kiên quyết, có tình trạng buông lỏng quản lý quan liêu, tham nhũng là những tác nhân của lãng phí chưa được ngăn chặn hiệu quả. Báo cáo cũng chưa chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì buổi làm việc.
Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả cao, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý đề nghị cần quán triệt sâu sắc, hiệu quả hơn nữa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ăn sâu vào ý thức, trở thành suy nghĩ thường trực trong mỗi việc làm hằng ngày của đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, phải tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp tham gia giám sát hiệu quả.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Võ Thị Minh Sinh bày tỏ đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Báo cáo đã được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng và đánh giá khá toàn diện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 
Qua rà soát, đại biểu Võ Thị Minh Sinh chỉ ra rằng, các hành vi tiêu cực được quy định với 05 nhóm hành vi chính như hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp; hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức… Đề nghị Chính phủ thống nhất cao quan điểm về các hành vi này, đảm bảo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện có hiệu quả. Đồng thời cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực nhất là trong cơ chế kiểm soát quyền lực ở các lĩnh vực hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, với nhiều nỗ lực quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đối với vấn đề hoàn thiện thể chế để sát với thực tế, phát huy hiệu quả nguồn lực, đại biểu cho rằng những quy định của Khoản 3, Điều 54 Luật Nhà ở năm 2014 và Khoản 2, Điều 6 Nghị định 100 về quản lý và phát triển nhà ở xã hội đã thể hiện chủ trương đúng đắn và nhân văn trong giải quyết nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, theo chủ trương này, chủ đầu tư phải dành tối thiểu là 20 % diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê, sau thời hạn tối thiểu là 5 năm, nếu không có người thuê thì mới được bán nhà. Thực tế tại đô thị loại II, loại III thì nhu cầu người thuê nhà ở xã hội rất thấp. Đại biểu cho biết, thực tế thí điểm nhà ở xã hội tại Hà Tĩnh, còn khoảng 80 căn hộ cho thuê nhưng không có người thuê, trong khi có đến 350 đơn xin mua nhưng không được mua. Đại biểu cho rằng đây là sự lãng phí lớn. 
Đại biểu cũng cho biết, những năm gần đây, giá đất lên cao, nhiều địa phương đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất để chuyển sang đất ở, đất công nghiệp, tổ chức đấu giá trả giá rất cao, người có nhu cầu đấu giá thì không có nhu cầu ở, người có nhu cầu ờ thì không thể có tiền để đấu giá, dẫn đến đất sản xuất trở thành đất để hoang. Đại biểu kiến nghị Quốc hội sớm xem xét sửa đổi Luật Đất đai để khắc phục tình trạng trên.
Ngoài ra, một số quy quy định của pháp luật về định mức, tiêu chuẩn được ban hành đã lâu, không phù hợp với thực tiễn, nhưng chưa được rà soát và điều chỉnh. Trong báo cáo, có 60 % các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật của chúng ta đã phù hợp với quốc tế và khu vực. Cho rằng, hiện chi phí đầu tư công trình công và một công trình tư chênh lệch rất cao, đại biểu nhấn mạnh đây cũng là một sự lãng phí, một điểm dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.
Đóng góp ý kiến vào Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề cập về vấn đề chống lãng phí và câu chuyện về sách giáo khoa. Theo đó, những lý giải liên quan đến câu chuyện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa hay vấn đề giấy mực đã đẩy giá sách giáo khoa tăng lên. Ngoài ra, còn có một nguyên nhân nữa là số đầu sách trong từng bộ sách tăng hơn rất nhiều so với sách cũ.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, đối với các gia đình có nguồn thu nhập thấp thì việc mỗi năm học đến cần chi phí cho con em đi học là một gánh nặng. Điều đó đã được phản ánh rất nhiều. Vì vậy, theo đại biểu, việc tuyên truyền cũng như có những giải pháp để tăng cường ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong việc mua sắm sách giáo khoa là một trong những giải pháp cần làm. Cụ thể của nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa của các lớp tăng từ 2 đến 4 lần không phải chỉ vì chi phí tăng trên từng đầu sách mà là do số lượng đầu sách. Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định những sách nào là sách giáo khoa bắt buộc phải mua, những sách nào là sách tham khảo và cần cho phụ huynh quyền được lựa chọn mua những sách bắt buộc mà không phải mua những sách khác. 
Ngoài ra, đối với các trường ở miền núi cũng cần phải có ngân sách để đầu tư cho sách giáo khoa ở các thư viện, giúp cho những học sinh - con của các gia đình nghèo dân tộc thiểu số có thể mượn sách mà không phải đi mua sách. Mặt khác, việc giáo dục ý thức tiết kiệm cho học sinh từ trên ghế nhà trường là điều cần phải thực hiện.
Quan tâm đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng, công tác quản lý tài sản công còn một số tồn tại, hạn chế, đó là nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu cơ quan, đơn vị về quản lý, sử dụng tài sản công chưa cao. Việc cập nhật, phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công chưa kịp thời quá trình thanh lý tài sản là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp để đầu tư xây dựng mới còn nhiều bất cập. 
Liên quan đến việc mua sắm phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước, đại biểu cho rằng, hiện nay đây là nội dung đáng quan tâm, nhất là những sai phạm trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua. Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan từ cơ chế, chính sách, pháp luật để có giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới.
Đề cập về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai, đại biểu nhận thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này chưa được đồng bộ, còn nhiều vấn đề bất cập, phát sinh tiêu cực, lãng phí… Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, tháo gỡ những nội dung vướng mắc về cơ chế, chính sách cho vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh bày tỏ quan tâm đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đại biểu, thời gian là thứ quý giá nhất, lãng phí thời gian là sự mất không của xã hội, nó khác biệt với lãng phí vật chất. Nhà nước đặt ra pháp luật để quản lý xã hội, nếu việc thực thi pháp luật chưa được tối ưu thời gian cho các tổ chức, cá nhân thì đó mới chính là sự lãng phí lớn nhất.
Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị xem xét ngay trong Kỳ họp này để ban hành Nghị quyết quyết định một số nội dung phân cấp cho chính quyền địa phương, đảm bảo đồng bộ và gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp tỉnh. Nếu được vậy, đại biểu tin rằng sẽ không chỉ đem lại hiệu quả cao cho công tác hành tiết kiệm, chống lãng phí mà còn đảm bảo kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, phát huy tính chủ động, chịu trách nhiệm của các địa phương, khắc phục tình trạng chậm trễ trong đầu tư công.
Tham gia phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết, theo báo cáo, kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2021 có kết quả đáng ghi nhận, biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%. Số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015, hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% đề ra tại Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Đại biểu cho rằng cần có sự phân tích kỹ lưỡng chất lượng tinh giản biên chế có tương ứng với số lượng tinh giản biên chế không. Ở một số cơ quan, địa phương có tình trạng cào bằng giữa các đơn vị, dẫn đến một số đơn vị quá tải công việc, cần giữ nguyên số biên chế hiện có, nhưng lại phải cắt giảm biên chế theo yêu cầu chung.
Theo đại biểu, cần hiểu đúng việc tinh giản biên chế không phải là tiết kiệm về số lượng, mà là dùng đúng người, đúng việc theo yêu cầu vị trí việc làm, cần trao quyền quyết định cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị về vấn đề này.
Bên cạnh đó, quan tâm và đưa ra những đề xuất giải pháp tránh tình trạng lạm dụng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đại biểu chỉ ra rằng, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính trong năm 2020, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sử dụng nhiều phân bón nhất cả nước, cao hơn 42 % so với mặt bằng chung của cả nước. Hằng năm lượng phân bón vào đất nhưng không được cây trồng sử dụng chiếm khối lượng rất lớn. Đồng thời, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều dẫn đến hệ lụy rất lãng phí, gây ô nhiễm đất và nguồn nước.
Do vậy, để sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, giảm chi phí đầu vào sản xuất, đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cân đối hiệu quả, tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện; đồng thời quản lý, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ hợp lý tránh lãng phí.
Theo quochoi.vn

 


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.372
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 8.156
Năm 2024 : 513.502