A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề xuất 6 nhóm vấn đề về phát triển kinh tế, xã hội tại Quốc hội

Chiều 1.11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT – XH năm 2024. Đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã đề xuất 6 nhóm nội dung trong phần thảo luận tại phiên họp này.

Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tại phiên thảo luận. Ảnh: CTV

Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tại phiên thảo luận. Ảnh: CTV

Theo đó, Phó trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan nhất trí cao với các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong báo cáo của Chính phủ. Đồng thời đề xuất:

Thứ nhất, về điều hành KT-XH, cử tri hết sức tin tưởng và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều hành quyết liệt hơn để đạt được mục tiêu đặt ra và triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội. Trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như đã nêu trong quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Thứ hai, Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3.6.2020 và thực hiện đã tạo sự phát triển đột phá của công nghệ số. Nhiệm vụ này đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đúng trọng tâm trọng điểm. Đặc biệt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, với quan điểm dữ liệu là quan trọng và cấp bách. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chuyển đổi số ở nhiều địa phương vẫn còn khó khăn như: Thiếu hụt nhân sự về công nghệ thông tin; ở những địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều người chưa có điện thoại di động, chưa có điều kiện để tiếp cận thông tin; hạ tầng công nghệ số còn thiếu và lạc hậu như 1 số vùng chưa có sóng di động, chưa có điện lưới quốc gia; việc triển khai hệ thống thông tin giữa T.Ư và địa phương chưa đồng bộ, còn hiện tượng trùng lặp dẫn đến địa phương phải dừng triển khai, hoặc phải thay thế, sửa đổi, nâng cấp để kết nối với T.Ư; có những hệ thống thông tin dùng chung trong hệ thống chính trị nhưng mỗi nơi sử dụng một phần mềm khác nhau (đây là vấn đề lãng phí trong chuyển đổi số). Điều này, dẫn đến việc triển khai chuyển đổi số chậm, kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số lớn.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang, Lý Thị Lan thảo luận tại phiên họp. Ảnh: CTV

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang, Lý Thị Lan thảo luận tại phiên họp. Ảnh: CTV

Để khắc phục những hạn chế này, đồng thời hoàn thành mục tiêu cơ bản chuyển đổi số đến 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Phó trưởng đoàn Lý Thị Lan đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ thể chế, nhân lực số, kết nối các CSDL; quyết liệt triển khai hệ thống thông tin, CSDL quốc gia thống nhất từ trung ương xuống địa phương, đồng thời tích hợp tất cả các CSDL chuyên ngành khác, đảm bảo dữ liệu luôn “đúng - đủ - sạch - sống” theo thời gian thực.

Thứ ba, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đối khí hậu, thiên tai hạn hán ngày càng diễn ra khốc liệt, Hà Giang là vùng núi đá có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, phải đối mặt với khô hạn, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân; ở nhiều xã vùng cao người dân phải đi hàng chục km để lấy nước sinh hoạt, hàng ngàn ha ngô, lúa không cho thu hoạch, mất trắng.

Cử tri Hà Giang đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên nguồn lực từ các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình dự án đầu tư công để đầu tư xây dựng hồ chứa nước đa mục tiêu cho vùng Cao nguyên đá Hà Giang, giải quyết căn cơ việc thiếu nước ăn, nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao.

Thứ tư, Phó trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta luôn coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Chính phủ đã dành nhiều nguồn lực cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do địa hình chia cắt, chưa thể đưa học sinh ở các điểm trường về trường chính học tập (Hà Giang hiện nay vẫn còn hơn 1.843 điểm trường); các chế độ, chính sách của học sinh ở xã được công nhận đạt chuẩn NTM bị ảnh hưởng; tỉnh Hà Giang đã xây dựng mô hình học sinh bán trú và tu sửa, xây dựng các điểm trường nhằm ổn định việc học tập của học sinh từ nguồn xã hội hoá và ngân sách của tỉnh. Đại biểu kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ quan tâm dành nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, kiên cố hoá trường lớp học; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với học sinh ở những xã đã được công nhận NTM để đảm bảo duy trì sĩ số học sinh ở điểm trường.

Thứ năm, theo Phó trưởng đoàn Lý Thị Lan, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của Nhân dân ngày một tăng cao, nhưng chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc, phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế ở các địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thời gian qua, các bệnh viện tuyến T.Ư đã phối hợp với các địa phương, cử bác sỹ, nhóm bác sỹ về bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện hỗ trợ khám chữa bệnh cũng như nghiệp vụ chuyên môn hoặc thực hiện khám chữa bệnh từ xa đã và đang triển khai rất hiệu quả. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế cần đẩy nhanh Đề án Khám, chữa bệnh từ xa hoặc thực hiện liên kết khám chữa bệnh giữa các bệnh viện tuyến T.Ư với các bệnh viện tuyến địa phương để hỗ trợ và giải quyết tình trạng khó khăn của ngành y tế các địa phương.

Thứ sáu, Phó trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan cho rằng để đạt được mục tiêu đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, Chính phủ đã có Quyết định số 1166/QĐ-TTg ngày 10.10.2023 về bổ sung danh mục dự án công trình dự án trọng điểm quốc gia. Tuyến Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đã được khởi công với quy mô 2 làn đường, hiện nay đã giải phóng mặt bằng 4 làn đường. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm ưu tiên đầu tư nguồn lực cho những dự án đã khởi công, giải phóng mặt bằng; đầu tư hoàn thiện giai đoạn 1; tiếp tục đầu tư đồng bộ giai đoạn 2 mở rộng từ 2 lên 4 làn đường để đảm bảo giao thương hàng hoá và nhu cầu phát triển kinh tế bền vững của các tỉnh trong vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Duy Tuấn (tổng hợp)


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.412
Hôm qua : 3.657
Tháng 05 : 66.768
Năm 2024 : 366.182