A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

     Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường là một trong những nội dung quan trọng trong chuyên đề năm 2021 đồng thời là chuyên đề toàn khoá “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

     Theo cách hiểu chung, “tự lực” có nghĩa là dựa vào sức mình để sống và làm việc, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào người khác; “tự cường” có nghĩa là tự làm cho mình mạnh lên, không chịu thua kém người khác, dân tộc khác. Tự lực, tự cường  là những phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người, mỗi dân tộc vì chứa đựng trong đó lòng tự trọng, ý chí vươn lên và khát vọng khẳng định bản thân. Trong quá trình tìm đường cứu nước cũng như lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần tự lực, tự cường, tự lực cánh sinh và coi đó là phương châm hành động của cách mạng Việt Nam. Nhờ đường lối đúng đắn đó, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi vĩ đại.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, ý chí tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế; phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Ý chí tự lực, tự cường trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp Người thấy rõ sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc chân chính, bao gồm chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn của các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên chống đế quốc, thực dân. Ý chí tự lực, tự cường là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng, là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân. Bởi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân nhưng không phải ở đâu và bất cứ lúc nào quần chúng nhân dân cũng làm được cách mạng. Muốn làm được cách mạng, quần chúng nhân dân phải được vận động, rèn luyện và tổ chức nhằm huy động, tập hợp, phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của mọi lực lượng quần chúng trên cùng một mặt trận, biến thành sức mạnh của quần chúng thành sức mạnh cách mạng. Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý chí tự lực, tự cường là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyết tâm bảo vệ và giữ vững độc lập dân tộc thể hiện rất rõ khi Tổ quốc bị lâm nguy, khi dân tộc phải đương đầu với những kẻ thù có sức mạnh kinh tế - quân sự vào hàng cường quốc thế giới, chống lại âm mưu áp đặt chế độ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc thực dân.

        Bám sát quan điểm chỉ đạo và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, Đảng ta luôn phát huy cao độ tinh thần đó trong công cuộc trường kỳ kháng chiến, cũng như trong trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước kể từ khi hòa bình lập lại đến nay, qua đó tạo nên những thành tựu vô cùng quan trọng trên các phương diện đời sống xã hội, đem lại những giá trị kinh tế - xã hội, những thay đổi lớn lao về diện mạo đất nước trong tiến trình thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

        Có thể khẳng định, cùng với khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường là sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đoi mới đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thực hiện tốt nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường là một giải pháp hữu hiệu, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đề ra. Đây là việc làm thiết thực để mỗi cán bộ, đảng viên phát huy cao độ ý thức, trách nhiệm, tinh thần cống hiến, lao động sáng tạo, phục sự Tổ quốc, phục sự dân tộc, phục vụ nhân dân, tiếp tục phát triển sự nghiệp cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại.

         Đối với tỉnh Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, để khơi dậy ý chí tự lực, tự cường trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, thiết nghĩ trong thời gian tới tỉnh mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt của mỗi người dân cần tự nêu cao ý thức, tinh thần nỗ lực phấn đấu, vượt lên những khó khăn, không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, học tập, nêu cao ý chí tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế - xã hội, tránh tư tưởng trông chở, ỷ nại vào Nhà nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

 Nguyễn Yến
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.396
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 8.180
Năm 2024 : 513.526