A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, đào tạo, định hướng, soi đường cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước. Người đã có những chỉ dẫn hết sức quý báu về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và phương pháp giáo dục… nhằm đổi mới, phát triển một nền giáo dục, đào tạo toàn diện. Đây là di sản lý luận quý báu đến nay vẫn còn nguyên giá trị, định hướng, soi đường cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo của nước ta hiện nay.

Trước hết, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi mới nền giáo dục Việt Nam là phải làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của học sinh, nền giáo dục mới phải thực hiện dạy và học theo hướng phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Vì vậy, giáo dục và đào tạo phải nhằm mục tiêu: Tất cả vì con người, cho con người, do con người và hướng tới việc xây dựng con người mới-con người xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nền giáo dục mới phải thực hiện dạy và học theo hướng toàn diện, vì “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Muốn vậy thì nội dung giáo dục, đào tạo phải tổng hợp tri thức nhiều lĩnh vực như văn hóa, chính trị, thể chất, khoa học-kỹ thuật, quân sự, đạo đức cách mạng, lý tưởng cách mạng, xây dựng nếp sống văn hóa… Đồng thời trang bị, cung cấp kiến thức, phát triển năng lực tư duy, mở mang trí tuệ; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng cho người học. Bác nhấn mạnh nền giáo dục mới phải đảm bảo quyền bình đẳng học tập cho tất cả mọi công dân, mọi người dân Việt Nam đều phải được giáo dục, phải có kiến thức để tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà.

Không chỉ đưa ra những quan điểm lý luận có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới nền giáo dục, mà Bác còn có những kiến giải khoa học và sáng tạo về phương pháp giáo dục. Người yêu cầu phải căn cứ vào đặc điểm, nhu cầu của đối tượng, nội dung giáo dục và các điều kiện cơ bản của nhà trường mà xác định các phương pháp dạy học phù hợp. Theo đó, phải lấy nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn làm nguyên tắc cơ bản cho việc xây dựng các phương pháp về giáo dục. Dạy và học phải gắn tri thức lý luận với thực tiễn cuộc sống. Học và hành phải luôn đi đôi với nhau, gắn bó mật thiết với nhau; cần phát huy dân chủ, thẳng thắn, cần có sự đối thoại trong quá trình học tập, nhận thức, qua đó để mọi người được phát biểu ý kiến dù đúng hoặc không đúng và mục đích cuối cùng là tìm ra chân lý. Tuy nhiên, để làm được việc này đòi hỏi người thầy và trò phải có tinh thần đoàn kết, kỷ luật, phải thực hiện tốt nguyên tắc “trò phải kính thầy, thầy phải quý trò”; lấy phương pháp nêu gương để giáo dục.

Cùng với nội dung, phương pháp giáo dục, Bác đề cập giải pháp phát triển giáo dục, đó là kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, Người nói: “Giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”; “Nếu nhà trường dạy tốt mà gia đình dạy ngược lại, sẽ có những ảnh hưởng không tốt tới trẻ em và kết quả cũng không tốt”. Người yêu cầu nhà trường phải liên hệ chặt chẽ với gia đình và xã hội. Cùng với đó, người nhắc nhở cần phải có sự quan tâm và phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều người có như vậy mới phát triển được nền giáo dục, đào tạo nước nhà.

Tiếp thu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, đào tạo, tại nhiều kỳ đại hội Đảng đều đề cập tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (04/11/2013) Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Do đó, những năm qua nền giáo dục đào tạo nước nhà đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cơ bản được hoàn thiện; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non, duy trì nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục ngày càng thực chất và hiệu quả hơn; chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; tự chủ đại học được đẩy mạnh, hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có nhiều khởi sắc; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, nhất là sử dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong các hoạt động dạy và học.

Đối với tỉnh Hà Giang hiện có 821 cơ sở giáo dục, trong đó có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú, 182 trường phổ thông dân tộc bán trú, với hơn 18.000 cán bộ quản lý, giáo viên và giảng viên. Lực lượng giáo viên có tinh thần tự học, tham gia các lớp đào tạo lại để vươn lên tiêu chuẩn. Đồng thời tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các Dự án phát triển giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo để nâng cao năng lực. Đặc biệt, các trường tích cực đẩy mạnh các hoạt động đổi mới giáo dục, thực hiện tích hợp trong dạy và học gắn với ngoại khóa, trải nghiệm thực tiễn, kiểm tra kết quả theo hướng đánh giá năng lực người học. Nhờ đó, số lượng học sinh khá, giỏi tăng đều qua các năm. Cùng với đó, bằng nhiều nội dung, hình thức truyền dạy phong phú, việc đưa văn hóa truyền thống vào nhà trường đã vun đắp, giữ gìn, tôn vinh các giá trị văn hóa, giúp cho các thế hệ học sinh hiểu biết sâu rộng văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Ngoài ra, các trường học còn thực hiện hiệu quả kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số; dạy và học ngoại ngữ… Nhờ đó, ngành Giáo dục tỉnh đã có những bước tiến quan trọng, cụ thể: Tỷ lệ học sinh đến trường không ngừng tăng lên hàng năm; số lượng tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông và tương đương luôn đạt trên 75% trong giai đoạn 2015-2020; tỷ lệ chuyển lớp, chuyển cấp đạt trên 98%; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo được nâng lên với tỷ lệ 67,51% đạt chuẩn. Cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm đầu tư, tỷ lệ kiên cố hoá đạt trên 61%, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia trên 41%...

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và để phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc học tập và làm theo tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đào tạo là vô cùng cần thiết để từng bước cụ thể hóa và thực hiện tốt chủ trương, quan điểm chỉ đạo tại Đại hội XIII của Đảng về giáo dục đó là: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người” và Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 10/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025.

Nguyễn Nga


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.373
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 8.157
Năm 2024 : 513.503