A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chăm lo Tết cho người nghèo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sinh thời mỗi lần Tết đến, Xuân về, Bác Hồ kính yêu lại nghĩ đến dân, lo sao cho dân có một mùa Xuân ấm no, hạnh phúc, bởi cả cuộc đời Bác “Chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nhân dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Thường vào dịp Tết Bác có chương trình đi thăm người dân để thấu hiểu, sẻ chia với những khó khăn, vất vả của người dân, nhất là những người nghèo. Việc làm, lời mong muốn của Bác đã để lại cho chúng ta kho tàng triết lý sống nhân văn và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Kể từ mùa Xuân đầu tiên của đất nước Việt Nam độc lập năm 1946, suốt 24 năm làm Chủ tịch nước Bác có rất nhiều chuyến đi riêng đến thăm người dân. Trong những chuyến đi này, có nhiều cuộc gặp gỡ giữa Bác với các gia đình nghèo trong dịp Tết rất xúc động. Đó là vào đêm giao thừa của Tết đầu tiên sau ngày nước nhà giành được độc lập (1946), Bác và đồng chí thư ký cùng đi trong một ngõ nhỏ trên phố Sinh Từ, đó là nơi ở của một người kéo xe thuê ở tỉnh khác về làm ăn. Chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô do không đủ tiền về quê ăn Tết, đang nằm mê mệt vì lên cơn sốt, trong phòng ở không có gì ngoài một nén hương đang cháy dở trên bàn, Bác đã xúc động lấy khăn lau nước mắt. Sau khi thăm hỏi, Bác dặn đồng chí thư ký hôm sau mang thuốc và quà Tết đến chia sẻ, động viên. Trên đường về, Bác nói: “Ba mươi Tết mà không có Tết”. Rồi sáng ngày mồng một Tết, Bác đã mời đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội lên nhắc nhở vì không thực hiện tốt thư của Người về tổ chức Tết, dẫn đến nhiều gia đình nghèo không có Tết và yêu cầu đồng chí Chủ tịch sửa chữa khuyết điểm. Kết quả, Tết năm sau, gia đình nghèo đều được hưởng Tết do có sự phối kết hợp các đội tuyên truyền, nhân dân đã vận động tương trợ, giúp đỡ các gia đình nghèo có Tết. 

Đêm ba mươi tết Nhâm Dần rét buốt năm 1960, Bác đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tín là người gánh nước thuê ở Hà Nội. Chồng mất sớm, một mình chị Tín tần tảo nuôi bốn con nhỏ. Chứng kiến cảnh gần giao thừa, trong thời tiết rét buốt ch Tín vẫn phải đi gánh nước thuê đổi gạo để sáng mai mùng một Tết có cơm ăn cho bốn đa con của mình, trong căn phòng tuềnh toàng, trên chiếc bàn gỗ mục chỉ có một nải chuối xanh và một gói kẹo. Đúng là “Ba mươi Tết mà không có Tết”. Đêm ấy, trên đường về, ngồi trên xe, Bác Hồ trầm ngâm suy nghĩ và tâm sự với các đồng chí phục vụ: “Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên". Về đến nhà, các đồng chí Bộ Chính trị đang chờ Bác để chúc mừng năm mới. Mọi người băn khoăn khi thấy Bác không vui. Bác kể lại hoàn cảnh gia đình chị Tín cho mọi người nghe. Cuối câu chuyện Bác nói: “Ta có chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó chưa thực sự là do dân, vì dân. Một số lãnh đạo các địa phương còn quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng, nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta”.

Là Chủ tịch nước, sứ mệnh của cả dân tộc đặt trên đôi vai Bác. Biết bao công việc bộn bề, vậy mà Bác vẫn dành thời gian để đến thăm những gia đình nghèo khổ khi năm cũ sắp qua - xuân mới đã về. Đó chính là tình thương yêu con người, là sự chăm lo ân cần của Bác đối với nhân dân, đặc biệt là những người nghèo khổ, có hoàn cảnh bất hạnh. Đây thể hiện hành động, việc làm đời thường cụ thể nhưng chứa đựng một triết lý sống, một nhân cách vĩ đại, tâm hồn cao cả với một tình thương yêu bao la vô tận đối với con người của Bác Hồ. Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về chăm lo Tết cho người nghèo, hằng năm Đảng, Nhà nước ta đều chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai nhiều nhiệm vụ để thực hiện tốt việc chăm lo tết cho người dân; lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo…; đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ vật chất chăm lo tết cho người nghèo thông qua các chương trình do Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, như: “Tết Quân - Dân”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Xuân biên cương, Tết hải đảo”, “Tết làm điều hay vì nông dân nghèo”, “Xuân nhân ái - Tết sẻ chia”, “Xuân tình nguyện”, “Tết vì người nghèo”… Kết quả trung bình mỗi năm mỗi khi tết đến, xuân về đã có hàng triệu xuất quà được trao đến tay các hộ gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở vùng bị thiên tai, bão lũ, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; các hộ nghèo là công nhân viên chức, người lao động làm việc ở những lĩnh vực khó khăn. Tháng 12/2021, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị  số 11-CT/TW “Về việc tổ chức tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022” với 8 nhóm nhiệm vụ cần tập trung. Trong đó, nhóm nhiệm vụ thứ 2 nêu rõ: Cần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân theo tinh thần “Tương thân tương ái”. Quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng dịch Covid-19, hộ nghèo, đồng bào ở các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, công nhân - lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất...; đặc biệt là chăm lo, thăm hỏi gia đình có người thân, trẻ em có cha, mẹ mất do dịch Covid-19; bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết. Ngày 29/12/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Chỉ thị số 15 - CT/TU “Về việc tổ chức tết Nhâm Dần năm 2022”, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó “Chỉ đạo rà soát, thống kê đầy đủ và triển khai thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội cho các gia đình, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng dịch Covid - 19; hộ nghèo, đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều được vui xuân, đón Tết trong không khí yên vui, phấn khởi”.

Tết Nhâm Dần 2022 đã đến gần, để đảm bảo mọi người, mọi nhà đều được vui xuân, đón Tết trong không khí yên vui, phấn khởi như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân cần chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp chia sẻ những khó khăn, nhọc nhằn, chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình khó khăn. Đây là việc làm hết sức nhân văn thể hiện truyền thống “Tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam, là hành động thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Quang Hùng


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.388
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 8.172
Năm 2024 : 513.518