A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông tin đối ngoại góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Công tác thông tin đối ngoại là một bộ phận trong công tác tư tưởng của Đảng, bên cạnh nhiệm vụ thông tin về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trên mọi lĩnh vực, về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, công tác thông tin đối ngoại còn góp phần vào cuộc đấu tranh chống các thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về tình hình Việt Nam.

Chủ trương của Đảng về công tác thông tin đối ngoại bảo vệ nền tảng tư tưởng

Đấu tranh, phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước là nhiệm vụ xuyên suốt và thống nhất của Đảng. Ngay từ năm 1962, khi nhân dân cả nước đang tập trung kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, bên cạnh nhiệm vụ nêu cao tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, Đảng chủ trương trong tuyên truyền đối ngoại phải “vạch một cách liên tục và có hệ thống những âm mưu đen tối của đế quốc Mỹ và tay sai đối với Việt Nam”[1].

Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô tan rã, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lâm vào tình trạng khủng hoảng, các lực lượng thù địch tăng cường các hoạt động chống phá chủ nghĩa xã hội. Ngày 13-6-1992, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 11-CT/TW về đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại, trong đó nêu rõ nhiệm vụ của công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới là: “Kịp thời phê phán, bác bỏ những thông tin xuyên tạc, sai lệch về tình hình Việt Nam, nhất là về tình hình dân chủ, nhân quyền, ngăn chặn việc truyền bá vào nước ta những quan điểm, tư tưởng, lối sống văn hóa phản động, đồi trụy, kích động bạo lực”[2]. Ngày 18-2-1995, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 09 NQ/TW về một số định hướng trong công tác tư tưởng hiện nay và nhấn mạnh “Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta và của cách mạng Việt Nam” và phải “Rút kinh nghiệm công tác đấu tranh chống những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của địch, nhất là trên báo, đài, có kế hoạch chủ động, kịp thời chống âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình”[3].

Hội nghị sơ kết công tác thông tin đối ngoại 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 (ngày 13/7/2022). Ảnh: Internet.

Đặc biệt, trước những biến đổi của tình hình thế giới và trong nước, ngày 10-9-2008, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 26-CT/TW về tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới,trong đó xác định một nhiệm vụ quan trọng của thông tin đối ngoại là: “Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch một cách chủ động, có tính thuyết phục và hiệu quả hơn”[4]. Gần đây nhất, Đại hội XIII chủ trương tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội trong thông tin đối ngoại, đấu tranh dư luận và “đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”[5].

Như vậy, công tác thông tin đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn được xác định là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Bên cạnh mục tiêu xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, có vị thế trên trường quốc tế, được nhân dân thế giới yêu mến, công tác thông tin đối ngoại cũng đã tiến hành nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ, góp phần làm thất bại sự chống phá của các thế lực thù địch.

Công tác thông tin đối ngoại trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trước những thành tựu to lớn của đất nước, các thế lực phản động, thù địch tìm nhiều phương cách để chống phá, trong đó có việc lợi dụng internet và mạng xã hội, lập ra hàng ngàn trang web, blog, hàng trămtờbáo, nhà xuất bản và các đài phát thanh truyền hình có chương trình tiếng Việttổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, làm việc, tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước để xuyên tạc, nói xấu chế độ, đất nước và Đảng Cộng sản Việt Nam. Núp dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, chủ quyền lãnh thổ, các thế lực thù địch xúi giục, gây tâm lý nghi ngờ, bất mãn, bức xúc trong dân chúng, hòng làm mất ổn định xã hội, tiến tới bạo loạn, lật đổ chính quyền...

Nhận thức rõ âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, Đảng đã có nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Để phục vụ cho nhiệm vụ này, một số ban chỉ đạo đã được thành lập như: Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ, Ban Chỉ đạo đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 94), Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng hệ thống lý luận đấu tranh chống âm mưu hoạt động “diễn biến hòa bình” (Ban Chỉ đạo 609), Ban Chỉ đạo đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật (Ban Chỉ đạo 213) và triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mớiBan Chỉ đạo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (Ban Chỉ đạo 35) được thành lập ở cấp Trung ương, các bộ, ngành và đến cấp huyện.

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các ban chỉ đạo của Trung ương, hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình đối ngoại đã nỗ lực đưa những thông tin chính xác, kịp thời, sinh động ở mọi lúc, mọi nơi, cung cấp cho bạn bè quốc tế những cái nhìn khách quan, toàn diện, đúng đắn về tình hình Việt Nam, tiêu biểu như: dangcongsan.vn, tuyengiao.vn, qdnd.vn, cand.com.vn, bienphong.com.vn, báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản… đã mở các chuyên mục về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phê phán quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với một số nhà mạng gỡ bỏ hàng ngàn video clip có nội dung xuyên tạc, không đúng sự thật; hàng trăm tài khoản facebook có nội dung bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước[6]. Đồng thời, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giao lưu, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, góp phần cung cấp cho bạn bè quốc tế một hình ảnh Việt Nam chân thực, sống động và phát triển, phản bác các luận điệu của các thế lực thù địch, xuyên tạc đất nước, con người Việt Nam.

Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng trên các lĩnh vực; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện; quan hệ đối ngoại của Đảng không ngừng được mở rộng và tăng cường đi vào chiều sâu, thiết thực. Những thành tựu to lớn ấy có vai trò đóng góp to lớn tích cực của thông tin đối ngoại.


[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, t.23, tr.525.

[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2007, t.52, tr.58.

[3]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2007, t.54, tr.233-234.

[4]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2018, t.67, tr995.

[5]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, H,2021, tr.331.

[6]Nguyễn Bá Dương: Phòng, chống “diễn biến hòa bình” - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Quân đội nhân dân, H, 2018, tr101.

Minh Dương


Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.329
Hôm qua : 2.987
Tháng 04 : 105.250
Năm 2024 : 293.590