A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề cao cảnh giác, chủ động đấu tranh với âm mưu phá hoại Cuộc bầu cử

Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và địa phương, nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tuy nhiên, với mưu đồ thâm độc, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đang tập trung triển khai nhiều hoạt động chống phá Cuộc bầu cử với tính chất hết sức quyết liệt và tinh vi.

Một là, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử, thời gian vừa qua, ngoài các website, trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành, một số trang báo nước ngoài có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với Việt Nam cũng liên tục tung ra những bài viết, bài phỏng vấn chứa đựng nội dung, luận điệu tiêu cực, sai lệch, thâm hiểm về công tác bầu cử ĐBQH đại biểu HĐND các cấp tại nước ta, như: Bầu cử chỉ là “Màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn, đây chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng; Đảng Cộng sản đang độc diễn trong bầu cử; không thể có Cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo Cuộc bầu cử; Cuộc bầu cử do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là không chính danh, không đúng quy định của pháp luật, ngăn cản quyền bầu cử của công dân... Từ đó, các đối tượng đưa ra yêu sách đòi Đảng Cộng sản Việt Nam không được tham gia vào công tác bầu cử, không được thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo công tác bầu cử; phải “Tự rút lui” và từ bỏ quyền lãnh đạo Nhà nước, xã hội, chấp nhận đa nguyên, đa đảng, chấp nhận sự cạnh tranh với những đảng phái khác để thúc đẩy dân chủ.

Những luận điệu, nhận định mà các đối tượng đang rêu rao như trên là hoàn toàn sai sự thật. Thực tiễn, Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là cơ sở quan trọng để bảo đảm sự thống nhất trong công tác bầu cử; góp phần lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý đối với đội ngũ đại biểu; tạo nền tảng cho việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu không có sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản, chắc chắn nhiều vấn đề bất ổn sẽ nảy sinh, là mầm mống cho sự suy yếu của đất nước.

Hai là, thực hiện chiêu trò “Tự ứng cử”, hô hào các hội nhóm dân chủ trên mạng xã hội ký tên ảo, tung hô, ủng hộ cho các “Nhà dân chủ” để gây rối, phá hoại Cuộc bầu cử. Điển hình, trước vụ việc lực lượng Công an của Việt Nam lần lượt bắt Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngay lập tức các hãng truyền thông phương Tây và nhà đài hải ngoại RFA, BBC,… đã biên tập, đăng các bài viết xuyên tạc như: “Người thứ hai tự ứng đại biểu Quốc hội bị bắt vì cáo buộc phát tán tài liệu chống Nhà nước”; một số trang mạng phản động, nhất là Việt Tân xuyên tạc là: “Ứng viên độc lập bị bắt, bị trù dập”… cho rằng Hùng và Khánh bị bắt vì “Dám đại nghĩa” ra ứng cử ĐBQH. Đồng thời xuyên tạc rằng Nhà nước Việt Nam đang mở một chiến dịch trấn áp để ngăn chặn những “Ứng viên độc lập” vào Quốc hội, chứng tỏ bầu cử Quốc hội không công bằng, không công khai và minh bạch. Sự thật Hùng từng là một trong những kẻ cầm đầu của tổ chức “Phong trào chấn hưng nước Việt”, một tổ chức phản động chống chính quyền từ những năm 2018 và là một trong nhân vật chủ chốt lợi dụng dịch vụ chia sẻ video để lập ra các kênh tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam trên không gian mạng, như “Tiếng dân TV”, “Chấn hưng TV”… Đặc biệt, đối tượng Hùng đã móc nối, câu kết với các đối tượng chống đối khác và đăng tải rất nhiều chương trình có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước. Những hành động chống phá vi phạm pháp luật này diễn ra trong một quá trình và là vi phạm có hệ thống, trước khi Hùng tự ứng cử. Thế nên không thể xuyên tạc rằng Hùng bị bắt vì dám tự ứng cử được. Đối với Khánh, đối tượng này thường xuyên sử dụng facebook cá nhân đăng, phát livestream các video thông tin xuyên tạc, bịa đặt đối với chính quyền; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm chống phá Nhà nước. Do đó, đối tượng Hùng và Khánh bị bắt là không có gì oan sai cả. Bởi kể cả ứng cử ĐBQH thì vẫn là một công dân và đã vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, xuyên tạc công tác tổ chức bầu cử, tung ra các kiến nghị vô căn cứ, trên nhiều trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành đang lan truyền những bài viết “Xếp ghế” cho nhân sự trong Quốc hội. Các đối tượng rêu rao những luận điệu vô cùng độc hại, tiêu cực, cho rằng bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức, quyền lực trong Quốc hội đã được các “Phe nhóm” của Đảng “An bài”, “Thỏa hiệp”, “Phân chia”. Những luận điệu này đã tiếp cận đến không ít người dùng mạng xã hội. Ngoài ra, trước vấn đề về số lượng, cơ cấu ĐBQH, đặc biệt là về cơ cấu số lượng đại biểu là người ngoài Đảng từ 25-50 đại biểu (chiếm tỷ lệ 5-10%), các đối tượng cơ hội chính trị cũng tích cực xuyên tạc, biến tướng bản chất vấn đề, đưa ra những luận điệu hướng lái, cho rằng Đảng quy định số lượng đại biểu ngoài Đảng là quá ít, cần phải “Cân bằng quyền lực” trong Quốc hội bằng cách chia một nửa số ghế cho những người ngoài Đảng… Thậm chí, có đối tượng còn đòi xóa bỏ cơ chế bầu cử hiện tại, đòi hỏi phải tiến hành bầu cử theo phương thức của các nước tư bản.

Hiện nay, công tác chuẩn bị cho Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được các cấp, các ngành, các địa phương tích cực tiến hành. Nhằm góp phần bảo đảm cho Cuộc bầu cử thành công tốt đẹp thì đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Hà Giang nói riêng phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo cũng như chủ động đấu tranh với những chiêu trò phá hoại của các thế lực thù địch cả trước và sau bầu cử, đặc biệt là trên mạng xã hội.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.462
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 8.246
Năm 2024 : 513.592