A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyến đi của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự phấn đấu, hy sinh cho độc lập và thống nhất của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân ta. Với tinh thần yêu nước sâu sắc, ý chí và nghị lực phi thường, Người quyết tâm ra đi tìm con đường đúng đắn cho dân tộc, giải quyết khủng hoảng về đường lối cứu nước cho dân tộc vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Điều đó được bắt đầu bằng bước ngoặt lịch sử cách đây tròn 110 năm vào ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, khi đó 21 tuổi, lên con tàu có tên Amiral Latouche Tresville, từ Bến cảng Nhà Rồng, rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình đi tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Cuộc tìm tòi lịch sử của Nguyễn Tất Thành, trước hết không phải khám phá những gì cao siêu mà là sự bổ sung những hiểu biết về nhu cầu chung của nhân loại: Sự khổ đau của các dân tộc bị áp bức, nỗi thống khổ của đa số đồng loại bị bóc lột không kể màu da, chủng tộc, tôn giáo và khát vọng được giải phóng của họ. Người thấy rõ nhu cầu của dân tộc Việt Nam, của các dân tộc trên toàn thế giới, đó là nhu cầu giải phóng khỏi áp bức dân tộc và con người.

Với hành trang ban đầu là lòng yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, khát vọng độc lập tự do và khác với sự lựa chọn của các bậc yêu nước tiền bối, hướng đi của người trước hết là sang Pháp, Mỹ, Anh và nhiều nước thuộc địa của đế quốc thực dân. Sau khi đến nhiều nước trên thế giới và trải qua nhiều nghề lao động khác nhau, Người rút ra một kết luận quan trọng: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”.

Từ việc khảo sát trực tiếp thực tế kết quả những cuộc cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp, Người đi đến khẳng định đó là những cuộc cách mạng “không đến nơi”, nghĩa là “Cách mạng Pháp cũng như cách mạng Mỹ là cách mạng tư bản, cách mạng không đến nơi, tiếng là cộng hòa dân chủ, kỳ thực trong đó thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Chính vì vậy, Người đi đến kết luận: Không thể đi theo con đường cách mạng tư sản vì con đường đó không giải phóng dân tộc thuộc địa, không giải phóng nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột; những cuộc cách mạng kiểu đó, sớm muộn thì nhân dân phải làm cách mạng một lần nữa mới xong.

Không dừng lại ở đó, ngày 18/6/1919, lấy tên Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, Người gửi tới Hội nghị Vécxây bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 08 điểm, đòi Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Bản Yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc càng nhận rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc. Người đi đến kết luận: “Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là trò bịp bợm lớn” và “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”.

Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Sơ thảo Luận cương lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân đạo, đây là bước ngoặt cơ bản trong tư tưởng và ảnh hưởng lớn đến sự hình thành thế giới quan cộng sản của Người. Bản sơ thảo Luận cương của V.I.Lênin đã giải đáp tất cả những vấn đề trăn trở trong bao nhiêu năm tìm đường cứu nước. Luận cương đã giúp cho Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên toàn thế giới khỏi ách nô lệ” và “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản”.

Tại Đại Hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12/1920, với tư cách là đảng viên Đảng Xã hội Pháp, với danh nghĩa là đại biểu Đông Dương và các dân tộc thuộc địa, Người bỏ phiếu gia nhập Quốc tế cộng sản, tán thành chủ trương thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đã đánh dấu bước chuyển biến quyết định trong tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc. Người từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, từ một nhà yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Bằng quyết định lịch sử đó, Nguyễn Ái Quốc không chỉ gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, mà còn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đồng thời mở đường cho chủ nghĩa Mác-Lênin thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam để đến ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đề ra đường lối đúng đắn, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền bằng cuộc Cách mạng tháng Tám, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á vào ngày 02/9/1945; 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp với thắng lợi Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu trấn động địa cầu, đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục làm cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta giành thắng lợi vang dội, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất trọn vẹn, Bắc-Nam sum họp một nhà, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; tiến hành thành công đường lối đổi mới...

Có thể nói cách đây tròn 110 năm (05/6/1911-05/6/2021), vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, những hạn chế của lịch sử, Bác đã đi, đã tìm, đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình và đã tìm thấy con đường đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin, con đường giải phóng chân chính cho dân tộc, con đường định hướng cho nhân loại tiến bộ. Con đường Người tìm ra cho dân tộc ta là con đường cách mạng vô sản, là con đường để “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Ngày nay, đất nước ta đã chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ có những vận hội lớn như trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”; đồng thời phải đương đầu với những khó khăn, thách thức mới rất quyết liệt, nhưng từ ý chí và nghị lực, từ quyết tâm và lòng dũng cảm, từ hoài bão và di sản tư tưởng của Người, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự đoàn kết một lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phấn đấu xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đường hoàng “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Người mong ước.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.452
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 8.236
Năm 2024 : 513.582