A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần thực hiện tốt đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng

Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng. Đây được coi là quy luật phát triển của Đảng, là biện pháp cơ bản, thiết thực để làm cho đảng viên tiến bộ và làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng một Đảng chân chính phải biết phát hiện sai lầm của mình để sửa chữa và tiến lên. Muốn kịp thời phát hiện sai lầm thì phải thường xuyên tự phê bình và phê bình. Theo Người, tự phê bình và phê bình cốt là để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, từ đó làm cho tư tưởng và hành động được đúng hơn, tốt hơn và làm việc có hiệu quả hơn. Vì vậy, tự phê bình và phê bình phải được thực hiện: Trên tinh thần thẳng thắn, khách quan và xây dựng; với tâm trong sáng, tấm lòng bao dung và tình đồng chí thương yêu lẫn nhau; dân chủ và công khai; có phương pháp và nghệ thuật. Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn đảng viên nào có khuyết điểm thì cần cố gắng sửa chữa và các đảng viên khác cố gắng giúp đỡ họ sửa chữa. Chúng ta phải thực hiện thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình để tiến bộ không ngừng.

Từ tư tưởng của Bác, chiếu rọi vào thực trạng tự phê bình và phê bình trong Đảng ta hiện nay có thể thấy, những năm qua, bên cạnh một số cán bộ đảng viên mạnh dạn tự phê bình và phê bình thì thái độ phổ biến vẫn là né tránh, ngại va chạm hoặc qua loa, hình thức và thường có xu hướng đổ lỗi cho sự hạn chế về nhận thức. Nhiều những vi phạm nghiêm trọng làm thất thoát tài sản rất lớn của nhà nước cũng chỉ nhận khuyết điểm là "Hạn chế về nhận thức". Những thái độ như "Trông trước ngó sau" nghe ngóng xem người khác nói gì rồi “Đổ chiều” theo, đón ý cấp trên để phê bình cho "Trúng"… vẫn thường thấy trong không ít buổi sinh hoạt Đảng. Nguyên nhân là vì: Người thì sợ ảnh hưởng đến việc thăng quan tiến chức, đến quyền lợi kinh tế; người thì sợ phê bình người khác rồi họ lại sẽ phanh phui những khuyết điểm của mình; một số người thì chủ trương "Dĩ hòa vi quý", "Mũ ni che tai", "Ngậm miệng ăn tiền"; có người thì sợ bị trù dập nên nhẫn nhục chịu đựng, an phận, thủ tiêu đấu tranh. Bên cạnh đó, một số kẻ cơ hội khác lại lợi dụng phê bình để công kích những người mình không ưa, kéo bè, kéo cánh để "Giải quyết", "Thanh toán", "Hạ bệ" nhau gây ra mất đoàn kết nội bộ… Nhìn chung, những năm gần đây công tác tự phê bình và phê bình vẫn trong tình trạng hình thức nên rất ít hiệu quả. Điều này lý giải vì sao trong rất nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng xảy ra nhưng ít được phát hiện thông qua công tác tự phê bình và phê bình ở các cấp uỷ đảng cơ sở mà chủ yếu do tố giác của quần chúng, do các cơ quan nghiệp vụ và báo chí phanh phui. Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "Tự diễn biến", "Tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã xác định rõ một trong những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị là: Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”.

Để tự phê bình và phê bình có kết quả, đúng mục đích, có ý nghĩa đối với từng đảng viên thì tự phê bình và phê bình phải được thực hiện đúng phương pháp, nghiêm túc, không nể nang, không “Dĩ hòa vi quý”, không thêm cũng không bớt và phải căn cứ vào sự việc có thật để nhận xét, đánh giá và phân tích, vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, mềm dẻo, khéo léo để đảng viên có khuyết điểm nhận ra khuyết điểm của mình, có thái độ đúng đắn để tiếp thu các ý kiến phê bình, định hướng đúng đắn cách sửa chữa khuyết điểm. Tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ động cơ đúng đắn, mang tính chất xây dựng, có tình đồng chí giúp đỡ lẫn nhau; phải công khai trực tiếp. Mỗi đảng viên cần tự biết tự phê bình mình trước, rèn luyện tự phê bình mình trước rồi phê bình người khác sau; đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo cần gương mẫu tự phê bình trước, toàn thể đảng viên đều phải thực hiện tự phê bình và phê bình. Mỗi đảng viên tự đặt ra phương pháp để kết hợp chặt chẽ tự phê bình phê bình với sửa chữa khuyết điểm

Làm tốt công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng giúp sớm phát hiện kịp thời những sai phạm, kiên quyết sửa chữa, khắc phục thì chắc chắn không xảy ra những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng và chúng ta cũng không bị mất những cán bộ, đảng viên đã từng là những người có năng lực và phẩm chất tốt, thậm chí một số đồng chí từng giữ chức vụ cao trong Đảng và Chính phủ. Do đó, mỗi đảng viên cần phải nêu cao tinh thần và thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng. Có như vậy mới góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đất nước ngày càng phát triển.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.872
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 8.656
Năm 2024 : 514.002