A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chữa căn bệnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Thói quen sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc đã trở thành “căn bệnh” khá phổ biến và dễ “lây lan” trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đó là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng. Tác hại của căn bệnh này rất lớn, đòi hỏi phải có phương thuốc đặc trị.

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều phải có trách nhiệm công vụ. Đây là nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, đòi hỏi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải thực hiện đến cùng có kết quả, không thể thoái thác hoặc trao lại cho người khác. Vì thế, khi đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cụm từ "hoàn thành nhiệm vụ", "hoàn thành tốt nhiệm vụ" thường được dùng để nói về việc đã thực hiện đúng, đủ, tốt nhiệm vụ theo chức trách được phân công. Tuy nhiên, thực tế không ít cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Nguyên nhân do tâm lý sợ rủi ro, sợ sai , “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”, hay cho rằng việc thực thi những nhiệm vụ đó khá “xương”, không có lợi cho bản thân, tiềm ẩn nhiều rủi ro… Từ đó có cách hành xử là thà không giải quyết, không giao việc, không giao quyền, cứ để công việc trì trệ kéo dài hơn là phải chịu trách nhiệm. Do đó, nhiều nhiệm vụ, bị đình trệ, nhiều việc đùn đẩy lên cấp trên, thậm chí có việc đùn đẩy đến cấp Thủ tướng, cấp Chính phủ. Điều này rõ ràng làm giảm hiệu quả quản trị của cả hệ thống, gây dồn ứ nhiệm vụ. Nhiều cấp có thể ra quyết định quản lý theo đúng thẩm quyền thì lại có xu hướng trở thành cấp trung gian, trung chuyển trách nhiệm và cả hệ thống phải chờ cấp cao nhất ra quyết định quản lý thì mới thực thi được. Đẩy lên cấp trên hoặc đẩy cho bộ phận khác là phương án rất dễ, nhiệm vụ coi như không liên quan gì tới mình, nhưng việc thì vẫn còn nguyên, như: việc tiếp công dân một số nơi chưa thực hiện tốt, thường đùn đẩy, giao cho các cấp dưới; quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí cũng đã có từ lâu, nhưng có lẽ vì sợ “vạ miệng” nên trong rất nhiều trường hợp, người được giao nhiệm vụ phát ngôn cáo bận, đi công tác, bận họp hoặc trong tình trạng điện thoại không liên lạc được.... Chính những điều này làm cho nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân chậm được xử lý, không được xử lý dứt điểm, gây bức xúc. Những việc cần sớm được cung cấp thông tin để định hướng dư luận thì không có ai phát ngôn, gây ra nhiều lo lắng, rồi những tin đồn, những thông tin xuyên tạc có cơ hội xuất hiện.

 

Thực trạng cho thấy, việc một cán bộ không dám nhận trách nhiệm, không dám chịu trách nhiệm, không làm tròn trách nhiệm là sai phạm, không có gì để biện hộ cho việc “không làm để không sai”. Làm không hết trách nhiệm, quản lý kém, thiếu kiểm tra, để cấp dưới sai phạm cũng là “tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và tội này được ghi rõ trong Bộ luật Hình sự. Vừa qua, có rất nhiều vụ án lớn, khiến Nhà nước bị thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, trong đó rất nhiều người giữ các trọng trách đã bị kết án vì tội này (Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng khiến ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng 04 cán bộ dưới quyền bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân cũng vì "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”...).

 

Để chữa căn bệnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ngoài việc thực hiện cải cách thể chế, cải cách hành chính quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, thì trong cách đánh giá cán bộ ở các cấp, các ngành, cần phải đánh giá cao, ghi nhận, biểu dương những cán b có ý thức đúng đắn, tích cực thực hiện trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm. Từ đó, giúp cho cán bộ, đảng viên vững tâm hành  động  đúng, vì lợi ích chung; không còn  tư tưởng “không làm để không sai”; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức xây dựng cho mình tâm thế luôn sẵn sàng có trách nhiệm cao với công việc được giao, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” vì cái chung, không tìm cách "đá" việc sang cho người khác, mà cùng suy nghĩ, tìm hướng giải quyết; việc gì thuộc cấp nào quản lý thì cấp đó phải quyết định, không được đùn đẩy trách nhiệm. Muốn xã hội ổn định, phồn vinh và ngày càng phát triển chỉ khi  mọi người, ai cũng làm việc có trách nhiệm.


Tác giả: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.874
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 8.658
Năm 2024 : 514.004