A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Giang vững bước đi lên – 128 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển

Ngày 20/8/1891, tỉnh Hà Giang-vùng đất biên cương nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc được thành lập. Từ xa xưa, Hà Giang có tên gọi là Hà Dương. Đến thời nhà Lê vào năm 1705, lần đầu tiên tên địa danh Hà Giang xuất hiện và được ghi vào bài minh khắc trên chuông chùa Sùng Khánh (huyện Vị Xuyên ngày nay).

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang luôn phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, sáng tạo trong lao động sản xuất; anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và tích cực thực hiện các nhiệm vụ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện tốt đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng Hà Giang trưởng thành và phát triển.

Dưới chế độ phong kiến, trải qua các triều đại từ Đinh, Lý, Trần, Lê đến triều Nguyễn, về tổ chức hành chính ở Hà Giang được chính sử và các sách địa lý lịch sử cho biết là vùng đất thuộc các bộ, châu, trấn, xứ, phủ... Đến ngày 20/8/1891, toàn quyền Đông Dương ra quyết định chia khu quân sự thứ hai thành 03 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Đây là ngày ban hành quyết định đầu tiên xác định địa giới hành chính của tỉnh Hà Giang (Bao gồm toàn bộ địa giới hành chính như ngày nay); kể từ đó Hà Giang chính thức có tên trên bản đồ theo đơn vị hành chính là một tỉnh của nước Việt Nam.

Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, Nhân dân tỉnh Hà Giang đã lập nên nhiều chiến công vẻ vang và được ghi vào những trang sử vàng của dân tộc như: Đánh đuổi quân Tống (Năm 1075), quân Nguyên (Năm 1285), quân Minh (Năm 1427), cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân đánh đồn Ninh Biên, Vị Xuyên (Năm 1833-1835)... Năm 1884, thực dân Pháp đặt chân xâm lược Hà Giang, nhưng ngay từ những ngày đầu chúng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt, nhiều cuộc đấu tranh của Nhân dân các dân tộc chống Pháp xâm lược nổ ra ở khắp mọi nơi, phải 03 năm sau (Năm 1887) chúng mới căn bản chiếm được Hà Giang.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, tinh thần yêu nước của Nhân dân tỉnh Hà Giang như ngọn lửa được tiếp thêm dầu, bùng lên mạnh mẽ; nhiều cơ sở cách mạng được hình thành từ Hùng An, khu Trọng Con, khu Gia Tự (Huyện Bắc Quang) đến Đường Thượng, Ngam La (Huyện Yên Minh), Đường Âm, Yên Phú (Huyện Bắc Mê); nhiều cuộc đấu tranh chống chế độ áp bức của Pháp đối với Nhân dân đã nổ ra ở Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì… Ngày 25/12/1945 tỉnh Hà Giang hoàn toàn được giải phóng, đánh dấu một mốc son quan trọng trong chặng đường lịch sử của tỉnh.

Tháng 12/1975, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (Khóa V) kỳ họp thứ hai về việc hợp nhất tỉnh, đầu tháng 4/1976 tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Tháng 8/1991, thực hiện Quyết định của Quốc hội khóa VIII Kỳ họp thứ 9 tỉnh Hà Tuyên chia tách thành 02 tỉnh: Hà Giang và Tuyên Quang. Từ khi tái thành lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã phấn đấu đi lên và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đánh giá: Kinh tế toàn tỉnh tiếp tục tăng trưng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân cả giai đoạn 2015-2019 đạt hơn 7%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông-lâm nghiệp, tăng tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp-dịch vụ. Việc thực hiện 02 khâu đột phá, 05 chương trình trọng tâm đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Công tác văn hóa-xã hội được quan tâm. Chương trình xây dựng Nông thôn mới được triển khai đồng bộ, đến nay toàn tỉnh đã có 33 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia luôn được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, đi vào chiều sâu. Hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được xây dựng, củng cố vững mạnh.

Từ những kết quả trên, tỉnh Hà Giang đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba; nhiều tập thể, cá nhân được tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới...


Tác giả: Nguyễn Yến
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.868
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 8.652
Năm 2024 : 513.998