A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới nổi bật số tháng 11/2020

Thông điệp của Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao khóa 75 Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 75

Từ ngày 21/9-02/10/2020, tại trụ sở Liên Hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ đã diễn ra Tuần lễ cấp cao, Đại hội đồng Liên Hợp quốc (ĐHĐ LHQ), bao gồm Phiên thảo luận chung cấp cao và các sự kiện cấp cao bên lề khác, được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp.

Trong các sự kiện diễn ra tại Tuần lễ cấp cao khóa 75, Phiên thảo luận chung cấp cao là sự kiện quốc tế quan trọng, thu hút sự quan tâm, theo dõi rộng rãi của cộng đồng quốc tế...

Việt Nam tham gia khóa họp thứ 75, ĐHĐ LHQ khi đang đảm nhiệm những trọng trách lớn của khu vực và thế giới. Với tư cách là Ủy viên không Thường trực HĐBA LHQ và Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong Tuần lễ cấp cao, bao gồm Phiên thảo luận chung cấp cao và các phiên họp cấp cao khác. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đều đã gửi thông điệp tới các hội nghị.

Trong thông điệp gửi tới Phiên thảo luận chung, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hiến chương LHQ và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế cần phải được đề cao và thúc đẩy như những chuẩn mực hành xử của cả các nước lớn và nhỏ trong quan hệ quốc tế đương đại; các cơ chế đa phương toàn cầu và khu vực cần được tôn trọng và phát huy. Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng thể hiện rõ sự sẵn sàng và tinh thần chủ động của Việt Nam phối hợp cùng cộng đồng quốc tế vượt qua những thách thức chung.

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên tham gia gửi thông điệp đến ĐHĐ LHQ, thể hiện thông điệp ở cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước ta về chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam, đã cho thấy đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia.

Trước đó, trong thông điệp gửi Phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò không thể thiếu của LHQ với tư cách là “trung tâm điều phối hành động của các quốc gia”, đặc biệt khi thế giới đang đứng trước những thách thức chưa từng có tiền lệ; nêu rõ cộng đồng quốc tế cần đoàn kết, hợp tác hơn nữa để tăng cường chủ nghĩa đa phương với trung tâm là LHQ; tuân thủ Hiến chương, luật pháp quốc tế…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã có thông điệp gửi tới Phiên họp cấp cao kỷ niệm 25 năm Hội nghị thế giới lần thứ 4 về phụ nữ, với chủ đề: “Thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho mọi phụ nữ và trẻ em gái”, khẳng định sự ủng hộ và những nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; đồng thời nhấn mạnh những cam kết của Việt Nam, trên cương vị Ủy viên không Thường trực HBBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41 nhằm hướng tới một xã hội thực sự bình đẳng và một thế giới hòa bình bền vững.

Trong thông điệp gửi đến Phiên họp cấp cao kỷ niệm Ngày Quốc tế về xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tái khẳng định Việt Nam ủng hộ tất cả các nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cam kết duy trì khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và sẽ tiếp tục tham gia cùng tất cả các bên nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong quá trình triển khai Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân…

Những thông điệp mà các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam gửi tới ĐHĐ LHQ khóa 75 một lần nữa cho thấy dấu ấn Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế. Việt Nam không chỉ thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình và độc lập với cộng đồng quốc tế, mà còn tiếp tục khẳng định vai trò xây dựng và trách nhiệm tại LHQ.

Một số nét đáng chú ý về tình hình kinh tế thế giới

Kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn ứng phó với diễn biến và hậu quả của đại dịch Covid-19, trong khi các gói, biện pháp hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả đáng kể. Trong bối cảnh làn sóng thứ hai của đại dịch bùng phát và có thêm chuyển biến về nghiên cứu vắc xin ở nhiều nước, nhiều nền kinh tế đang cân nhắc thận trọng tiến hành mở cửa trở lại và dần khôi phục hoạt động kinh tế.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho biết, tăng trưởng tổng sản phẩm GDP toàn cầu dự báo sẽ suy giảm 4,8% trong năm 2020 trước khi tăng 4,9% vào năm 2021, nhưng “còn tùy vào các biện pháp chính sách và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh”. WTO nhận định: “Thương mại toàn cầu đang có nhiều dấu hiệu phục hồi từ mức suy giảm sâu do đại dịch Covid-19, song các chuyên gia kinh tế của WTO thận trọng cho rằng, mọi sự phục hồi có thể bị đứt quãng bởi tác động của đại dịch hiện nay”. Việc nhanh chóng bào chế loại vắc xin hiệu quả ngừa Covid-19 có thể làm tăng niềm tin và thúc đẩy tăng trưởng 1-2 điểm phần trăm vào năm 2021 và sẽ tăng thêm 3 điểm phần trăm cho tốc độ tăng trưởng thương mại.

Kinh tế Mỹ tiếp tục dấu hiệu phục hồi trở lại trong quý III/2020. Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) sản xuất của Mỹ tháng 8/2020 tăng mạnh lên 53,1 điểm so với 50,9 điểm trong tháng 7 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 01/2020. Tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ có xu hướng giảm mạnh từ 11,1% trong tháng 6/2020 xuống còn 10,2% trong tháng 7/2020 và 8,4% trong tháng 8/2020. Theo dự báo của The Conference Board (9/2020), kinh tế Mỹ có thể phục hồi tăng trưởng mạnh vào quý III/2020 với tốc độ tăng 32,9%. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách của Mỹ đang có chiều hướng tăng cao do các khoản chi khổng lồ để kích thích nền kinh tế.

Khu vực châu Âu cho thấy dấu hiệu phục hồi chậm hơn. Chỉ số PMI tổng hợp của khu vực Eurozone trong tháng 8/2020 tiếp tục ở mức trên 50 điểm (51,9 điểm), thấp hơn đáng kể so với mức 54,9 điểm của tháng trước đó. Chỉ số PMI của tất cả các nền kinh tế lớn thuộc khu vực này cũng cho thấy mức giảm so với cùng kỳ tháng trước...

Tại khu vực châu Á: Kinh tế Nhật Bản phục hồi nhẹ song vẫn gặp nhiều khó khăn. Chỉ số PMI sản xuất của Nhật Bản trong tháng 8/2020 đạt 47,2 điểm, tăng so với mức 45,2 điểm của tháng 7/2020 nhưng cho thấy sản xuất vẫn chịu áp lực trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra. Kinh tế Hàn Quốc có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số PMI sản xuất của Hàn Quốc tăng lên 48,5 điểm trong tháng 8/2020 từ mức 46,9 điểm của tháng 7/2020. Kinh tế Trung Quốc có những tín hiệu tích cực hơn sau tác động nghiêm trọng của trận mưa lũ lịch sử...

Thị trường tài chính tiền tệ thế giới tháng 9 đã ổn định hơn. Phần lớn các quyết định được đưa ra đều hướng tới việc phục hồi kinh tế thay vì đối phó với khủng hoảng từ đại dịch Covid-19. Cục Dự trữ liên bang quốc gia Mỹ tuyên bố sẽ đưa ra điều chỉnh lãi suất nhẹ sau khi chấp nhận lạm phát dao động trên ngưỡng mục tiêu 2%. Điều này buộc các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia (bao gồm cả châu Âu và Anh) có chính sách nới lỏng tương tự, tác động của đồng USD yếu hơn so với đồng nội tệ có thể đe dọa khả năng phục hồi kinh tế.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.688
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.472
Năm 2024 : 512.818