Khơi dậy khát vọng thoát nghèo ở huyện vùng cao biên giới Đồng Văn: Hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Kỳ III: "đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống"
CTTBTG - Với phương châm “đảng viên đi trước, để làng nước theo sau", vai trò của tổ chức đảng tại cơ sở đã được phát huy mạnh mẽ, trở thành những tấm gương điển hình để “dẫn lối” cho bà con địa phương.
Ảnh: cánh đồng rau của người dân Đồng Văn
Đảng viên đi trước, làng nước theo sau
Trong mỗi cuộc họp hay Hội nghị đồng chí Bí thư Huyện ủy Đồng Văn Hoàng Văn Thịnh vẫn thường nhắc: “mọi việc đều phải phát huy tốt tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, phát huy vài trò của tổ chức cơ sở Đảng, “đảng viên phải đi trước, để làng nước theo sau””.
Theo đó, mọi công việc, dù to hay nhỏ, khó hay dễ, người cán bộ, đảng viên phải đem hết tinh thần trách nhiệm để thực hiện công việc một cách tự giác, làm đến nơi đến chốn để đạt kết quả tốt nhất. “Chúng ta phải lựa chọn những việc có tính đột phá, có trọng tâm, trọng điểm để dồn lực tổ chức triển khai thực hiện, làm đến đâu phải chắc chắn, hiệu quả đến đó, để còn nhân rộng, không nên chỗ nào cũng là trọng tâm, chỗ nào cũng là trọng điểm, chỗ nào cũng là mũi nhọn - nhọn như quả mít là không nên và không đúng với quan điểm, mục tiêu Nghị quyết của Đảng”, đồng chí Hoàng Văn Thịnh chia sẻ.
Thấm nhuần Tám lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người lên thăm tỉnh Hà Giang năm 1961: “đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no”.
Phát huy truyền thống một huyện anh hùng lao động, trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, với tinh thần, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, Nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn phát huy truyền thống đoàn kết, đồng lòng, ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy năng lực nội sinh để phát triển, biến thách thức thành cơ hội, biến cơ hội thành động lực, nguồn lực phát triển, vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Đảng bộ huyện xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ và thể hiện rõ sự quyết tâm thực hiện và sớm đưa chủ trương, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII và nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả nhất, nổi bật nhất là Đảng bộ huyện đã khẩn trương đề ra hành động để quyết tâm thực hiện thắng lợi 05 nhiệm vụ trọng tâm, 03 đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đã xác định.
Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Bí thư Huyện ủy khẳng định: Đảng bộ huyện luôn bám sát các quan điểm đổi mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ huyện đã chủ động triển khai, quyết liệt, quyết tâm và vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn của địa phương thông qua việc xây dựng các đề án, quy hoạch; ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kết luận tập trung vào những vấn đề quan trọng, phù hợp với đặc thù của huyện.
Trong đó nổi bật phải kể đến là huyện đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả một số nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ huyện như: Nghị quyết số 14-NQ/HU, ngày 08/02/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giai đoạn 2021-2025.
Đồng Văn đã tập trung triển khai thực hiện thi công nâng cấp, mở mới một số tuyến đường trọng điểm để phát triển du lịch như tuyến đường từ thị trấn Đồng Văn đi mốc 450, tuyến đường đi xã Tả Lủng, các tuyến đường liên xã, liên thôn xóm.
Triển khai lắp đặt 39 gương cầu lồi trên các trục đường chính; thực hiện tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp, kết quả trong 9 tháng đầu năm 2022, các xã, thị trấn đã lắp đặt được trên 400 đèn năng lượng, tiêu chí xanh đã trồng được gần 3.500 cây xanh và các loại hoa dọc các trục đường, tuyến phố, tiêu chí sạch.
Huyện cũng đã thực hiện xã hội hóa được gần 10 tỷ đồng để đổ bê tông tuyến đường nông thôn trên 33km và thực hiện các hạng mục cải tạo vệ sinh môi trường. Đến nay trên địa huyện có 100% các xã có đường giao thông đi lại thuận lợi, đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa; tỷ lệ nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường giao thông trục xã đạt 100%, đường trục thôn được cứng hóa đạt trên 80%, đường ngõ xóm, đường nội đồng được cứng hóa đạt trên 70%.
Ảnh: khách du lịch trên cánh đồng hoa Tam Giác Mạch
Cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng
Tuy nhiên, để cụ thể hóa triển khai thực hiện một trong ba khâu đột phá, được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh Hà Giang, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là “tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân” gắn với việc cụ thể hóa Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 01/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025. Ngoài việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, thì Huyện ủy cũng ban hành Nghị quyết chuyên đề số 15-NQ/HU, ngày 27/4/2022 về phát triển vùng cây ăn quả tập trung gắn với du lịch nông nghiệp tại thị trấn Phố Bảng và xã Phố Là, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Kết quả sau một thời gian ngắn, cấp ủy chính quyền địa phương đã vận động được nhân dân thị trấn Phố Bảng, Phố Là trồng được 17ha cây ăn quả gắn với phát triển du lịch nông nghiệp đặc trưng. Vận động người dân chuyển đổi diện tích đất hoa màu giá trị kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả tập trung gắn với du lịch, tạo vùng sản xuất tập trung hàng hóa. Trước khi thực hiện, huyện đã tổ chức đoàn đi học tập kinh nghiệm tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, để từ đó thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức cho bà con nhân dân.
Đồng chí Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện cho biết: mặc dù triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy khóa XVII về cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện Đồng Văn gặp không ít khó khăn do điều kiện khí hậu, đá nhiều đất ít, thiếu nước sản xuất, nhận thức người dân còn thấp.
Song với sự quyết tâm, nên bước đầu đã có kết quả nhất định, đến nay huyện đã triển khai thực hiện được 291 vườn, một số vườn trồng rau kết hợp với chăn nuôi đã cho thu nhập ổn định.
Để có được kết quả đó huyện đã triển khai bằng nhiều biện pháp để thay đổi tư duy, nhận thức của bà con nhân dân, trong đó nổi bật nhất phải kể đến là tập trung tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền qua hệ thống loa không dây ở xã, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền qua các buổi họp chợ, tuyên truyền qua hình thức sân khấu hóa, tuyên truyền qua các trang mạng xã hội (zalo, facebook, tờ rơi, khẩu hiệu, pa - nô, áp phích).. Đặc biệt nhất là Đồng Văn đã biên tập lại các chủ trương, cơ chế chính sách ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ cho bà con và được niêm yết công khai tại hộ gia đình, trụ sở nhà văn hóa…
Ngoài ra huyện còn hỗ trợ phân bón, cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí với định mức không quá 3 triệu đồng/vườn/hộ cho 225 hộ nghèo, hộ cận nghèo về thực hiện cải tạo vườn tạp dưới 100 cây ăn quả…
Tổ chức triển khai tập huấn theo hướng cầm tay chỉ việc rất thiết thực tại cánh đồng cho bà con nhân dân; đồng thời huyện cũng thành lập Ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Với sự quyết tâm đó, đến nay tại Đồng Văn đã xuất hiện hàng chục vườn có thu nhập trên 40 triệu/năm; 48 vườn thu nhập 21-39 triệu đồng/năm. Huyện cũng đã hình thành được một số vùng trồng rau chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa như: thôn Lùng Lú, thị trấn Đồng Văn; thôn Séo Lủng A, Séo Lủng B, xã Sảng Tủng; thôn Lán Xì B, xã Phố Cáo; thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú...
Trên địa bàn huyện đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện cải tạo vườn, từ chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng rau chuyên canh và kết hợp chăn nuôi cho thu nhập khá cao như: Hộ ông Vàng Mí Lử thôn Lao Xa, xã Sủng Là chuyển đổi diện tích đất trồng ngô 0,12 ha sang chuyên canh trồng rau bắp cải, chăn nuôi lợn nái, lợn thịt cho thu hoạch năm 2021 trên 100 triệu, 9 tháng đầu năm 2022 cho thu nhập gần 80 triệu đồng, hay hộ gia đình ông Vừ Sính Khề - thôn Đậu Chúa - xã Thài Phìn Tủng, Chăn nuôi lợn kết hợp trồng 0,3 ha rau, thu nhập từ 100-110 triệu đồng/năm và nhiều hộ khác nữa.
Bên cạnh đó, Huyện đã chủ động ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao trên địa bàn huyện, trong đó tập trung chỉ đạo phát triển các cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu của địa phương; trong đó có vùng sản xuất rau chuyên canh, rau trái vụ với diện tích trên 46 ha, tập trung phát triển thành vùng sản xuất quy mô lớn như tại Sảng Tủng 11 ha, thị trấn Đồng Văn 09 ha, bước đầu đã cho thu nhập cao trên 600 triệu/ha, lợi nhuận sau khi trừ chi phí ước đạt gần 400 triệu đồng/ha/năm.
Để có được kết quả trên, đồng chí Bí thư Huyện ủy Hoàng Văn Thịnh cho biết: Lúc ban đầu triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, bởi nhận thức của người dân rất thấp, do vậy huyện phải tổ chức lễ phát động, xã tổ chức lễ phát động, huy động cả cán bộ huyện, cán bộ xã, các lực lượng vũ trang công an, quân sự, biên phòng và giáo viên cứ ngày nghỉ như: thứ 7, chủ nhật, ngày nghỉ lễ là xuống giúp bà con nhân dân thực hiện cải tạo vườn tạp; đồng thời huyện cũng đưa công tác tuyên truyền đi trước một bước.
Xác định đó là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; không phô trương, hình thức, đảm bảo tính bền vững, lâu dài. Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt: “Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”, trước hết cán bộ, đảng viên phải có ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu phải đem hết tinh thần trách nhiệm để thực hiện, làm đến nơi đến chốn để đạt kết quả tốt nhất. Ý thức trách nhiệm sẽ quyết định đến chất lượng, hiệu quả công việc, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi trước, làm trước, để tạo sức lan tỏa trong nhân dân học và làm theo trong cải tạo vườn tạp.
Cùng với đột phá về hạ tầng giao thông nông thôn, chương trình phát triển trồng cây ăn quả tập trung gắn với du lịch nông nghiệp, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định: Đồng Văn có lợi thế, tiềm năng về phát triển du lịch, dịch vụ. Do vậy để cụ thể hóa Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 02/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025.
Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ, thương mại gắn với phát triển sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch, do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy làm trưởng Ban chỉ đạo, các thành viên là một số cơ quan, phòng ban chuyên môn của huyện.
Huyện Đồng Văn xác định sẽ thực hiện quy hoạch có tính dài hạn về phát triển khu du lịch, đồng thời tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư, xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống địa phương, tăng cường tuyên truyền quảng bá thông qua các lễ hội truyền thống được thường xuyên tổ chức như: Lễ hội gầu tào, lễ hội khèn mông của dân tộc Mông, lễ hội xuống đồng, lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo, Cờ Lao, lễ cũng tổ tiên của dân tộc Lô Lô…
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động của các đội văn nghệ dân gian và nâng cao chất lượng của các làng nghề truyền thống chuyên sản xuất ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: làng nghề thêu trang phục Lô Lô, Làng nghề may mặc, làng nghề đan lát, làng nghề chế tác khèn mông… để phục vụ khách du lịch.
Trong 9 tháng đầu năm 2022 huyện đã xây dựng được 300 chiếc pano, sửa chữa và thay thế hệ thống biển bảng, ở các điểm dừng chân như điểm: Khía Lía- ngã ba xã Ma Lé, điểm dừng chân Dốc Thẩm Mã xã Lũng Thầu… khắc phục 24 ngôi nhà không đúng với mẫu nhà truyền thống tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, khôi phục và bảo tồn văn hóa phi vật thể của các dân tộc.
Cùng với đó, huyện tiếp tục duy trì và phát triển các chuỗi liên kết mật ong, tam giác mạch, ớt gió, lanh và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; triển khai mô hình liên kết tiêu thụ bí đỏ, kết quả đến nay đã tiêu thụ được trên 10 tấn quả. Riêng củ sâm khoai dự kiến liên kết tiêu thụ trên 300 tấn vào cuối năm 2022; xây dựng kế hoạch xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm lợn đen Đồng Văn.
Tổ chức gắn tem logo OCOP, logo đối tác Công viên địa chất toàn cầu lên các sản phẩm OCOP, kết quả huyện đã có 15/15 sản phẩm được gắn tem logo OCOP lên bao bì sản phẩm. Cụ thể 02 sản phẩm mật ong Bạc hà của Công ty TNHH Trường Anh; 02 sản phẩm mật ong Bạc hà của HTX Pó Mỷ; mật ong Bạc hà của HTX Hà An -Thành Ma Tủng; mật ong Bạc hà của HTX Thành Đô; 03 sản phẩm bánh giòn, bánh dẻo, bánh kem quế của HTX Bắc Nam; Rượu ngô Men lá Thiên Hương của HTX Rượu Thiên Hương; Túi xách và Vỏ gối vuông của HTX Sà Phìn A; Bánh đá của cơ sở Phùng Đức Bắc; Ớt gió ngâm dấm Nho Quế của HTX Thành Công; gắn logo lên biển hiệu sản phẩm Làng du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải - Lũng Cú. Đăng ký thương hiệu Vàng năm 2022 cho 02 sản phẩm mật ong OCOP gồm: mật ong Trường Anh, Mật ong Hà An. Tổ chức giới thiệu sản phẩm đặc trưng tại Siêu thị S1 Mart - Hà Nội với 13 sản phẩm OCOP và 16 sản phẩm đặc trưng của huyện Đồng Văn.
Với những nỗ lực đó, khách du lịch đến với Đồng Văn cao nguyên đá ngày càng tăng, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2022 tổng lượng khách đến tham quan trên địa bàn là 37.168 đoàn với 315.750 lượt khách, tăng 835,171 % so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ du lịch dịch vụ đạt hơn 300 tỷ đồng.
Ảnh: con đường hoa tại Lễ hội hoa Tam Giác Mạch
Sẵn sàng cho những mục tiêu lớn
Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong phát triển du lịch Đồng Văn, đồng chí Bí thư Huyện ủy Hoàng Văn Thịnh cho biết: ngay trong quý IV/2022 huyện chỉ đạo các phòng ban chuyên môn nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và ban hành nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ huyện về triển khai thực hiện “hoa nở bốn mùa trên cao nguyên đá Đồng Văn”, để hu hút khách du lịch, bởi Đồng Văn vốn là vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu, quyết tâm biến vùng đá xám thành “Đá nở hoa”, sớm đưa Đồng Văn trở thành xứ sở các loài hoa, trở thành nơi đáng sống nhất: mùa Xuân có Hoa mận, hoa Lê, hoa Đào; mùa hè có hoa Hướng Dương; mùa thu có hoa Tam giác mạch; mùa đông có hoa Cải.
Như vậy, trong tương lai không xa, cao nguyên đá Đồng Văn sẽ có “hoa nở bốn mùa”, để thu hút khách du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững, thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025: “đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo; đến năm 2045 là huyện phát triển trung bình khá của tỉnh”. Và góp phần thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII: “Phấn đấu Hà Giang là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại và dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước”.
Dù tăng trưởng kinh tế của Đồng Văn chưa mạnh nhưng kinh tế Đồng Văn vẫn tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng hướng; năng suất lao động tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân dần được cải thiện, nhiều hủ tục được bài trừ; giáo dục, y tế và chương trình an sinh xã hội được quan tâm đồng bộ, góp phần rất lớn vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững; hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được xây dựng và củng cố vững mạnh toàn diện.
Với các nhiệm vụ, giải pháp, xác định mục tiêu phát triển của huyện có ý nghĩa quan trọng, với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng, đó là sự kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm được rút ra từ quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương và dưới sự định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang, đồng thời được cụ thế hóa những nội dung, quan điểm, định hướng, các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Để Đảng bộ huyện quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, đòi hỏi cần phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đoàn kết các dân tộc và khát vọng vươn lên. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng đến việc đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của các tổ chức đảng, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nhất là đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị; chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Xây dựng bộ máy chính quyền các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là chuyển đổi số. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến xã tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tăng cường đoàn kết, tổ chức cho các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Bài, ảnh: Dương Ngọc Đức