A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Khơi dậy khát vọng thoát nghèo ở huyện vùng cao biên giới Đồng Văn: Hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Kỳ I: Bước kiến tạo khởi đầu

CTTBTG - Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã và đang quyết tâm vượt qua khó khăn, biến “ bất lợi” của địa hình, địa lý thành “lợi thế” trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Ảnh: một góc thị trấn Đồng Văn ngày nay 

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề cập đến “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, đây là điểm mới và điểm nhấn quan trọng nhằm tạo động lực mạnh mẽ, sức mạnh to lớn để phát triển đất nước. Đối với huyện vùng cao biên giới Đồng Văn, với quyết tâm vượt qua khó khăn thực hiện khát vọng phát triển nhanh và bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện  Đồng Văn nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo; đến năm 2045 là huyện phát triển trung bình khá của tỉnh”.

Để đạt mục tiêu trên, Đồng Văn đã không ngừng nỗ lực, phấu đấu, trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh. Kết quả đã cho thấy sự chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Diện mạo cơ sở hạ tầng giao thông, công trình công cộng và đời sống vùng cao biên giới tại các xã, thôn, bản của Đồng Văn đã đang thay đổi từng ngày, từng giờ.

Nói đến Đồng Văn, trước kia trong ấn tượng của nhiều người là nói đến vùng đất chỉ có đá, từng dãy núi đá hiên ngang với đủ màu sắc, hình thái cứ như những mũi giáo vút lên trời cao. Sự sừng sững hiên ngang đó như thể hiện những tấm lòng sắt son của đồng bào dân tộc nơi mảnh đất “phên dậu” phía Bắc của Tổ quốc.

Đã từng có câu nói về sự khó khăn, nhọc nhằn của mảnh đấy chỉ có đá và đá này, “sống trên đá, chết vùi trong đá” như là một định mệnh của người dân nơi đây. Nhưng giờ đây những “bất lợi” về địa hình đó đã trở thành “lợi thế” trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đồng Văn.

Ngày nay không những chỉ có du khách bất ngờ khi đến với cao nguyên đá Đồng Văn  mà ngay cả người dân bản địa cũng thấy bất ngờ trước sự thay da, đổi thịt nhanh chóng ở vùng cực bắc của Tổ quốc.

Đến nay, huyện vùng cao Đồng Văn không còn xa xôi, không còn heo hút như trước đây. Bởi trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước về mọi mặt, cùng với sự nỗ lực, tìm tòi, vượt khó đi lên của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn, kinh tế - xã hội đã có sự phát triển vượt bậc, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, quốc phòng an ninh được củng cố và giữ vững; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được quan tâm; nói đến cao nguyên đá Đồng Văn đã trở nên quen thuộc hơn với nhiều du khách trong và ngoài nước.

Nhìn lại những trang sử vẻ vang

Tại Lễ kỷ niệm 130 năm tỉnh Hà Giang nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng phát biểu: “Không có trái ngọt nào mà không phải ươm trồng, không có thành quả nào mà không phải nỗ lực, phấn đấu, hy sinh. Lịch sử 130 năm tỉnh Hà Giang đã tô vẽ thêm tinh thần yêu nước nồng nàn, sự đoàn kết gắn bó keo sơn, kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, đó là minh chứng cho ý chí sắt đá của những người con sống nghìn đời trên Cao nguyên đá Hà Giang (Đồng Văn) - một kiến tạo địa chất đặc biệt của đất mẹ”.

Điều đó đã khẳng định quá trình chiến đấu, bảo vệ và xây dựng quê hương tỉnh Hà Giang nói chung và huyện biên giới Đồng Văn nói riêng. Qua những năm tháng lịch sử đầy vẻ vang và tự hào đó, Đảng bộ Đồng Văn đã có bước trưởng thành, được nhân dân các dân tộc tin yêu gắn bó, bản lĩnh chính trị vững vàng, sự đoàn kết và truyền thống yêu nước tiếp tục được kế thừa và phát huy, tiếp tục khơi dậy những khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, xây dựng quê hương trên cao nguyên đá phồn vinh, hạnh phúc …

Ngay từ buổi đầu dựng nước, vùng đất Đồng Văn đã thường xuyên là địa bàn diễn ra chiến sự ác liệt, chống các thế lực phản động và ngoại bang xâm lược. Thái úy Lý Thường Kiệt sau khi đánh bại quân xâm lược nhà Tống vào cuối thể kỷ XI, ông đã hội quân trấn ải biên thủy và đã cho treo một lá cờ tại vị trí Cột cờ Quốc gia Lũng Cú ngày nay để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ.

Đến thế kỷ thứ XVIII, sau khi đại thắng quân Thanh, Vua Quang Trung cho đặt một chiếc trống đồng ở trạm gác tột cùng vùng biên ải Lũng Cú này để nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia, đồng thời làm hiệu lệnh xuất binh.

 Rồi đến cuộc đấu tranh vũ trang của thủ lĩnh người Mông Sùng Mí Chảng, nghĩa quân đã lấy núi Tù Sán (Đồng Văn) làm căn cứ để chống thực dân Pháp. Chỉ trong thời gian ngắn từ đầu năm 1911 đến tháng 3/1911 đã tập hợp được hàng ngàn người, trong đó có gần 200 tay súng. Cuộc khởi nghĩa đã làm cho quan binh thực dân Pháp đã nhiều lần phải điêu đứng bởi liên tục bị các toán quân khởi nghĩa do thủ lĩnh người Mông Sùng Mí Chảng chỉ huy tập kích. Cuộc khởi nghĩa đã tô thắm thêm truyền thống dũng cảm quật cường và tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc Đồng Văn.

Ngày 03/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ở Đồng Văn phong trào Việt Minh được gây dựng và phát triển rộng khắp, từ đội du kích tự vệ cứu quốc đầu tiên ở Đường Thượng (tháng 9/1944) lực lượng vũ trang các mạng ở Đồng Văn hình thành và tham gia tích cực các phong trào cách mạng, vận động, tập hợp quần chúng nhân dân đứng lên đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp, Phát xít Nhật giành chính quyền về tay nhân dân.

Nhưng cuộc nổi dậy của bọn phản động với ý đồ cướp chính quyền ở Đồng Văn và cuộc chiến dịch tiễu phỉ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Đồng Văn đã nhanh chóng phát hiện và dập tắt và giành được thắng lợi.

Với những chiến công trong chiến dịch tiễu Phỉ ở Đồng Văn, tiểu đội trưởng Công an vũ trang Mai Xuân Hùng được kết nạp ngay vào đảng; huyện đội trưởng Mã Chính Lâm được thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất và được gặp Bác Hồ; xã đội phó xã Vần Chải Sùng Dúng Lù được Chủ tịch nước tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” ngày 01/01/1967.

Tiếp đó là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc, theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và của Tỉnh ủy Hà Tuyên (lúc bấy giờ), Đảng bộ huyện Đồng Văn tiếp tục lãnh đạo nhân dân phát triển sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, đập tan các trận tập kích, pháo kích, xâm nhập phá hoại củ kẻ định.

Với những thành tựu đã đạt được trong suất quá trình xây dựng và phát triển của huyện; năm 2004 vinh dự Công an huyện Đồng Văn được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; năm 2005 cán bộ và nhân dân huyện Đồng Văn vinh dự được Chủ tịch nước ra quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

Dương Ngọc Đức 


Tác giả: Dương Ngọc Đức
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.679
Hôm qua : 3.750
Tháng 05 : 64.378
Năm 2024 : 363.792