A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Khơi dậy khát vọng thoát nghèo ở huyện vùng cao biên giới Đồng Văn: Hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Kỳ II: Bứt phá- nâng tầm khát vọng"

CTTCTG - Nhằm viết tiếp những trang sử vẻ vang mà những thế hệ cha anh đi trước đã gây dựng lên, hiện Đồng Văn đã và đang bứt phá trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

* Kỳ thứ nhất: Bước kiến tạo khởi đầu

Ảnh: Ban Thường vụ Huyện uỷ kiểm tra một điểm trồng hoa phục vụ du khách

“Trâu đực biết đẻ”

Là huyện biên giới ở phía Bắc của tỉnh Hà Giang, Đồng Văn có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Đồng Văn còn chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được coi là “phên dậu của Tổ quốc”.

Người dân vùng cao núi đá Đồng Văn chính vì sinh ra và lớn lên trong gian khó nên đồng bào dân tộc nới đây có tinh thần cần cù lao động, kiên cường chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và tinh thần đấu tranh bất khuất với các thế lực thù định phản động, ngoại xâm để sinh tồn và phát triển.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần đó tiếp tục được phát huy cao độ làm nên truyền thống vẻ vang của quê hương, truyền thống đó là nguồn lực nội sinh để các thế hệ người dân Đồng Văn tiếp tục phát huy trong công cuộc đổi mới, thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững, làm cho Đồng Văn trở thành “điểm tựa” tin cậy của cả nước, xứng đáng là vị trí tiền tiêu của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ông Nguyễn Thế Đường, nguyên Bí thư Huyện Đồng Văn trước đây đã viết: “Người Đồng Văn quanh năm vất vả, sống trên trên đá chết nằm trong đá…” và câu nói đó đã trở thành bài hát quen thuộc của nhiều người dân nơi đây.

Nói về lợi thế, Đồng Văn vốn là một huyện không có lợi thế về giao thông đi lại, đất đai khô cằn không thuận lợi cho nông nghiệp phát triển, đá nhiều hơn đất. Với gần ¾ diện tích là núi đá tai mèo, nước sinh hoạt và sản xuất không đủ, người dân nghèo đói, lương thực chính chỉ có ngô.

Với điều kiện khó khăn như vậy, bao lớp lãnh đạo đã có những bước đi đột phá, có tính táo bạo, trong đó nổi bật nhất là mở mang giao thông, bởi theo ông Nguyễn Thế Đường giao thông là “mạch máu” và “điện là động lực” trong phát triển kinh tế.

Còn ông Hoàng Quồng Tôn, nguyên Chủ tịch UBMTTQ huyện Đồng Văn cho hay: trước đây Đồng Văn rất khó khăn về kinh tế - xã hội, nhất là giao thông đi lại, duy nhất chỉ có con đường mòn đi bộ và đi bằng ngựa thồ, đi cả mấy ngày liền từ thị xã Hà Giang mới đến được Đồng Văn.

Khi Trung ương cho chủ trương mở đường từ thị xã Hà Giang lên, thì người dân nơi đây còn chẳng thể tin rằng sẽ mở được con đường đến Đồng Văn, một số người dân nói: “nếu mở được con đường lên đây thì có trâu đực biết đẻ con”.

Song Đảng ta đã dựa vào dân, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, con đường của “ý Đảng, lòng dân”, với sự nỗ lực hoàn toàn bằng sức người, lao động thủ công, công cụ thô sơ và cuối cùng chỉ trong một thời gian ngắn từ cuối năm 1959 đến đầu năm 1965 con đường từ thị xã Hà Giang đã được mở thông đến trung tâm huyện Mèo Vạc, với 2.246.321 ngày công và 2.899.638m3 khối đất đá.

 Riêng đèo Mã Pì Lèng lực lượng thi công phải treo mình bằng dây ròng từ trên xuống, bám vào vách đá dựng đứng đục từng lỗ choòng, phá từng tấc đá, thi công 11 tháng mới hoàn thành, có được thành công ấy là có sự hỗ trợ giúp đỡ rất lớn của cán bộ, công nhân, dân công các dân tộc tỉnh Hà Giang và hơn 1.500 thanh niên xung phong của các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nam Định, Hải Dương.

Đây là con đường huyền thoại nhất của thế kỷ XX là “Con đường Hạnh phúc” bởi nó đã hiện thực khát vọng từ bao đời nay của đồng bào dân tộc 4 huyện vùng cao núi đã trong đó có Đồng Văn.

Tiếp tục bứt phá

Nói về điện, ông Hoàng Quốc Tôn kể lại: khi chưa tách tỉnh Hà Tuyên thì Đồng Văn chưa có điện Quốc gia, hầu hết người dân không điện, không đài, không ti vi, trong sinh hoạt đều phải dùng sức người để giã gạo, xay ngô... Sau khi tách tỉnh thì Đồng Văn có một trạm thủy điện nhỏ ở Sông Nho Quế và một máy phát điện diezel, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu điện của các cơ quan, ban ngành và người dân. Sau những năm 1999, được sự quan tâm của Tỉnh, thì 19/19 xã, thị trấn của huyện Đồng Văn được sử dụng điện và cuộc sống người dân nơi đây đã có sự thay đổi rõ rệt.

Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau hơn 35 năm, Đảng bộ huyện đã vượt qua bao khó khăn, thách thức và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện tạo đà cho huyện Đồng Văn tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững.

Để có được những bứt phá đi lên, biến khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội phát triển, trước hết là có sự đổi mới về tư duy, dám nghĩ, dám làm, đồng thời người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải tiên phong. Tiêu biểu nhất cho sự bứt phá ấy là trong việc triển khai, nhân rộng trồng cây Hoa Tam giác mạch ở Đồng Văn. Giờ đây cây Hoa Tam giác mạch không chỉ chở thành một nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng cao Đồng Văn mà  thông qua đó đã góp phần thay đổi diện mạo, đời sống kinh tế cho người dân khi mà Tỉnh Hà Giang đã quyết định xây dựng Hoa Tam giác mạch thành biểu tượng của vẻ đẹp, sản phẩm du lịch của Hà Giang cùng với cao nguyên đá Đồng Văn. Với chủ trương đó, từ năm 2015 đến nay lễ hội Hoa Tam Giác Mạnh tỉnh Hà Giang đã trở thành sự kiện thường niên hàng năm đón hàng triệu lượt du khách đến với vùng cao Đồng Văn vào dịp cuối năm.

Ngày nay, để có được những cánh đồng hoa Tam giác mạch đẹp lung linh, trải rộng, bát ngát giữa các thung lũng, triền đồi, khe đá và hàng năm đã thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến với Đồng Văn đến với vùng cao nguyên đá. Điều đó không phải ngẫu nhiên có được, mà phải có bàn tay khối óc của con người định hướng phát triển, có tầm nhìn, khát vọng vươn lên.

Chẳng thế tục ngữ ta có câu “một người biết lo bằng kho người làm”, cái khó nhất là lúc ban đầu, từ sự khởi nguồn, “khi đầu xuôi, đuôi lọt”, bởi người dân lúc đó chưa hề có nhận thức trồng để thu hút khách du lịch được, nên trồng không bài bản, nhỏ lẻ, có trồng nhưng không có chăm sóc, trồng để cứu đói lúc giáp hạt, trồng để làm thức ăn cho lợn, thế nhưng suy nghĩ của người dân đến nay đã khác, nhận thức đã nâng lên, tư duy đã đổi mới, người dân đã được hưởng lợi lớn từ cây hoa Tam giác mạch, đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển hơn.

Chúng tôi đi tìm hiểu cuộc “cách mạng” ấy và sự “khởi nguồn của Hoa Tam giác mạch Đồng Văn”, chúng tôi được nghe đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Bí thư Huyện ủy kể lại: “vào khoảng cuối năm 2012, lúc đó đồng chí với cương vị là Chủ tịch UBND huyện đi công tác tại xã Lũng Cú, khi đi trên đường đồng chí thấy bên kia nương đồi bên cánh đồng Thèn Pả (xã Lũng Cú) có một cụ bà đang thu hái một loài cây có thân nhỏ, hoa nhỏ li ti rất đẹp, màu sắc của hoa tinh khiết lạ thường, trắng hồng pha lẫn màu tim tím. Bên cạnh đó có khoảng 3-5 du khách đang rất thích thú ngắn nghía và chụp ảnh, đồng chí dừng xe lại rồi hỏi cụ bà đang cắt hái, đây là cây hoa gì? bởi khi đó loài cây hoa này chưa phát triển rộng, ít ai để ý, nhất là người ở miền xuôi lên.

Khi đó đồng chí Thịnh mới nhận công tác tại huyện Đồng Văn nên cũng chưa biết đó là cây hoa gì mà nó có màu hoa đẹp linh linh, nhưng rất tiếc cụ bà đó lại không biết nói tiếng phổ thông (tiếng Việt), sau đó đồng chí cho gọi 01 cán bộ xã ra phiên dịch thì được biết là cây hoa Tam giác mạch,cụ bà cắt đem về cho lợn ăn.

Cụ bà nói: “trước đây dân vùng này trồng cây này để làm lương thực cứu đói lúc giáp hạt là chính, nhưng giờ hầu hết các hộ dân đã có ngô đủ ăn rồi, nên không trồng cây này nhiều nữa, mà chỉ trồng một ít làm nguồn thực phẩm cho lợn ăn thôi”.

Mặc dù khi đó thời tiết mới cuối thu, nhưng hoa tam giác mạch đang độ nở đẹp rực rỡ giữa không gian âm u của màu đá xám xịt, không khí se se lạnh trên miền đá xám cùng với thiên nhiên hùng vĩ. Sau những suy nghĩ anh nhận thấy cây hoa này có thể trồng phát triển lên để phục vụ du lịch cho Đồng Văn, sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho bà con địa phương.

Cuộc cách mạng mang tên “Hoa Tam giác mạch”

Đồng chí Trần Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND xã Lũng Cú nhớ lại: khi đó trên địa bàn xã có cây Tam giác mạnh, nhưng lúc đó người dân chủ yếu trồng tự phát, trồng nhỏ lẻ, manh mún để làm thức ăn cho gia súc là chủ yếu, một số nhà trồng thu lấy hạt làm bánh ăn cứu đói.

 Ngay sau đó đồng chí Thịnh đã có buổi làm việc với cấp ủy chính quyền xã, đồng chí đã chỉ đạo xã giao cho cán bộ và giáo viên của xã triển khai trồng thí điểm và giao phòng Nông nghiệp huyện phối hợp với xã nghiên cứu, khảo sát và có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật, huyện bố trí hỗ trợ kinh phí và giống.

Kết quả sau một thời gian trồng thí điểm, do được chăm sóc đúng kỹ thuật, hoa ra rất đẹp, màu của loài hoa này cũng biến đổi theo từng giai đoạn, khi mới nở hoa có màu trắng tinh khiết, sau chuyển sang phớt hồng, rồi chuyển sang tím đỏ.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tuân, nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp huyện nhớ lại: năm 2014, thực hiện ý kiến đề xuất của đồng chí Hoàng Văn Thịnh tại phiên họp của UBND huyện, đồng chí đã đề xuất về phát triển cây hoa Tam giác mạch trên địa bàn huyện để phát triển du lịch, vừa làm nguyên liệu sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch.

Được sự đồng ý của UBND huyện và sự đồng ý của Ban Thường vụ Huyện ủy, ngay sau đó huyện Đồng Văn đã triển khai trồng và nhân rộng, lúc đó chủ yếu trồng dọc theo trục đường quốc lộ 4C và trồng tại một xã trọng điểm như: Sủng Là, Sà Phìn, Phố Cáo, Phố Bảng, Lũng Cú, thị trấn Đồng Văn…

 Để tạo thành phong trào huyện đã tổ chức phát động trồng hoa tam giác mạch, thông qua đó đã tạo được sức lan tỏa từ huyện đến xã, đến thôn, ngày thứ 7, chủ nhật đồng loạt cán bộ huyện, cán bộ xã, giáo viên, các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng đều hăng hái xuống cơ sở giúp trồng và tạo hình, ngành chuyên môn thì tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, ngành văn hóa thì hướng dẫn cách trồng tạo hình cho đẹp với từng khu vực, phù phợp với những triền đồi, khe đá, thung lũng… để tạo thành phong trào.

Đồng thời, huyện tổ chức Hội thi hoa Tam giác giữa các xã, các đơn vị với nhau, từ đó đã tạo ra sức lan tỏa, một cuộc “cách mạng” lớn về trồng hoa Tam giác mạch ở Đồng Văn đã thành công.

Để tăng thêm sự tích cực, khích lệ trồng hoa Tam giác mạch, dù là một huyện còn nghèo, thu ngân sách còn thấp, song huyện đã có cơ chế đặc thù là: hàng năm đều bố trí hỗ trợ kinh phí từ 3-5 triệu đồng/ha để bà con nhân dân trồng, qua đó vừa thu hút khách du dịch, vừa phục vụ cho Lễ hội Hoa tam giác mạnh tỉnh Hà Giang, vừa tạo vùng nguyên liệu chế biến các sản phẩm từ cây Tam giác mạnh như: mỳ, rượu, bánh Tam giác mạch... góp phần tăng thêm thu nhập xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân.

Đổi thay từ dám nghĩ, dám làm

Tính đến nay huyện đã trồng được 2.582 ha, sản lượng 1.199,2 tấn, góp phần thực hiện thành công 7 mùa Lễ hội hoa Tam giác mạch của tỉnh. “Theo kế hoạch của UBND huyện dự kiến cuối năm 2022 huyện sẽ trồng 250,0ha ở 19 xã, thị trấn, trong đó chia làm 3 trà, trà 1 trồng 98,18ha, trà 2 trồng 135,96ha, đây là trà chính để phục vụ lễ hội hoa Tam giác mạnh, trà 3 trồng 15,8ha”, đồng chí Nguyễn Thanh Viễn, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho hay.

Cùng với sự bứt phá được coi như một cuộc “cách mạng” về trồng cây hoa tam giác mạch, thì bên cạnh đó Đồng Văn cũng có thêm một cuộc “cách mạng có tính lịch sử” nữa đó là về việc di chuyển mổ mả của đồng bào dân tộc Mông để thực hiện giải phóng mặt bằng tại xã Lũng Cú. Từ đó đã làm thay đổi hẳn tư duy, nhận thức của đồng bào dân tộc Mông ở Đồng Văn, bởi ngàn đời nay đối với đồng bào dân tộc Mông không bao giờ di chuyển mồ mả.

Nói đến công tác giải phóng mặt bằng tại xã Lũng Cú thì rất nhiều người là lãnh đạo, cán bộ ở tỉnh, ở huyện đến nay còn nhớ rõ, bởi đó là một cuộc vận động khó khăn nhất từ trước tới nay ở huyện Đồng Văn. Sự kiện được coi như “ tính lịch sử” về việc vận động người dân di chuyển mổ mả tổ tiên.

Bởi đối với đồng bào dân tộc Mông là “Đào sâu chôn chặt”, từ bao đời nay có một điều cấm kỵ, không bao giờ di chuyển mồ mả tổ tiên vì liên quan đến tâm linh. Nhưng nhờ làm tốt công tác dân vận, kết quả cuối cùng đã “biến điều không thể, thành có thể”, di chuyển thành công 161 ngôi mộ của dân tộc Mông tại xã Lũng Cú để ban giao mặt bằng cho đơn vị thi công kịp thời, đúng tiến độ.

Đồng chí Ly Mí Vàng, Phó Bí thư trực Huyện ủy nhớ lại, vào năm 2018-2019, thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện về giải phóng mặt bằng tại xã Lũng Cú, trong đó được xác định nhiệm vụ khó khăn nhất là vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện di chuyển mồ mả, do vậy huyện đã thành lập tổ công tác, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định phân công cá nhân đồng chí Vàng trực tiếp phụ trách với nhiệm vụ vận động bà con nhân dân di chuyển mồ mả.

Điều này khiến đồng chí Vàng phải mất nhiều đêm suy nghĩ, đồng chí cũng đã nhờ đến Thầy giỏi nhất ở vùng này để hỗ trợ, giúp đỡ việc di chuyền mồ mả, việc này cũng không phải dễ với các thầy nhận lời ngay, bởi dân tộc Mông chưa bao giờ di chuyển mổ mả, đó là điều tâm linh, kiêng kỵ.

Là người con của dân tộc Mông điều này được xem là thuận lợi của đồng chí Ly Mí Vàng, đồng thời là người uy tín, là lãnh đạo huyện, nên ngoài việc nắm chắc được chủ trương của Đảng và nhà nước về giải phòng mặt bằng, đồng chí Vàng phải đến từng hộ gia đình đề nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để làm công tác vận động, tuyên truyền.

Đồng chí Vàng kể lại: những lần thuyết phục được chồng rồi, nhưng người vợ lại không nghe, dòng họ không thuận, hôm nay gia đình nhất trí thì ngày mai lại không nhất trí... lúc đó làm công tác dân vận gặp muôn vàn khó khăn, do nhận thức của người dân ở đây còn thấp.

Bên cạch đó có một số phần tử xấu lợi dụng tuyên truyền sai chủ trương của Đảng, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng của nhà nước, kích động, gây rối, lôi kéo nhân dân.

Đồng chí nhớ lại khó khăn nhất là vận động dòng họ Hờ ở thôn Séo Lủng và thôn Sủa Pả, hầu như chẳng có ai đồng ý, bởi họ cho rằng việc di chuyển mồ mả tổ tiên sẽ mang lại những điều không may, sui sẻo, đen đủi cho gia đình, dòng họ, con cháu sau này. Hay như hộ gia đình ông H. T. S ở thôn Sủa Pả, ông ra điều kiện chỉ nhất trí khi tỉnh, huyện bố trí cho con trai của ông phải được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được vào công chức nhà nước, đồng chí Ly Mí Vàng cho hay.

Với sự kiên trì, ròng rã cả mấy tháng trời thực hiện 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, cùng nói tiếng đồng bào” để thuyết phục, vận động với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, đồng chí Vàng phải giải thích cho người dân hiểu việc di chuyển mồ mả ra nơi ở mới cũng giống như người trần ta di chuyển nhà cửa ra ở chỗ mới tốt hơn, đẹp hơn, có quy hoạch bài bản hơn.

Cứ thế đồng chí Vàng phải kiên trì vận động, giải thích, mỗi ngày giải thích một chút, rồi người dân cũng hiểu ra. Theo kinh nghiệm mà đồng chí Vàng chia sẻ: “Để hoàn thành được nhiệm vụ, trước hết phải lựa chọn và vận động những gia đình có nhận thức thức tốt để làm công tác vận động”, đồng chí Vàng cho hay “ban đầu cả tháng trời cũng chỉ vận động được 1-2 hộ đồng tình nhất trí, và những gia đình khó vận động nhất thì để sau cùng”.

Trong công tác di chuyển mộ không phải lúc nào cũng thuận lợi, bởi phụ thuộc vào thầy xem ngày giờ, nên có lúc phải di chuyển mộ vào cả ban đêm, có những ngôi mộ vào tơ mơ sáng, có lúc đang đào huyệt hay đang di chuyển mộ thì gặp những cơm mưa bất chợt như trút nước, cộng với thời tiết rét buốt, sương mù… làm cho những người làm nhiệm vụ di chuyển mộ không kịp chở tay, bị mưa ướt giá lạnh, có thành viên trong tổ công tác bị ốm sốt do những cơm mưa ấy.

Sau khi vận động, di chuyển thành công được vài ngôi mộ, cứ tưởng vậy là đã êm đẹp, song xuôi. Sau một thời gian có phẩn tử xấu kích động, nên các hộ dân lại yêu cầu chính quyền địa phương phải đảo lại mộ lên để kiểm tra, vì nghi ngờ rằng: trong quan tài có đóng đinh, bởi người dân cho rằng quan tài có đóng đinh là điều kiêng kỵ, thế là lại một lần tiếp nối sự vất vả với cá nhân đồng chí Ly Mí Vàng và các thành viên trong tổ công tác.

Sau những cuộc vận động, giải thích không thành công, nếu như phải đảo lại những ngô mộ vừa di chuyển ấy thì sẽ rất vất vả, cuối cùng đồng chí Vàng đề xuất mời lính công binh chuyên rà phá bon mìn, vật cản giúp tổ công tác thực hiện nhiệm vụ và lấy máy chuyên dụng để rà từng ngôi mộ, người dân trực tiếp xem và giám sát, cuối cùng người dân cũng đã tin trong quan tài không có đinh và không yêu cầu chính quyền địa phương đào lại những ngô mộ vừa di chuyển nữa.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của huyện Đồng Văn vận động thành công người dân thực hiện di chuyển mồ mả với số lượng mộ nhiều nhất tại huyện Đồng Văn từ trước cho tới nay, vì thế được ví như một “cách mạng vận động người dân di chuyển mộ” tại Đồng Văn.

Bên cạnh việc trồng hoa tam giác mạch và di chuyển mồ mả ở Lũng Cú thì không thể không nhắc đến chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở huyện Đồng Văn. Nhờ có sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương và của người dân nên xã Lũng Cú đã đạt chuẩn NTM vào năm 2020.

Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Bí thư Huyện ủy chia sẻ: với điều kiện các xã của huyện Đồng Văn đều là xã nghèo, điểm xuất phát kinh tế- xã hội thấp, tỷ lệ nghèo, cận nghèo cao, sau khi huyện chọn xã Lũng Cú để đạt chuẩn NTM vào năm 2020, thời gian đầu còn nhiều cán bộ và nhân dân ở địa phương ít ai nghĩ đến một địa phương nghèo khó nơi địa đầu Tổ quốc lại có thể đặt được mục tiêu xã đạt chuẩn NTM, nhưng khi đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, phát huy nội lực với mong muốn khát vọng vươn lên, thì dù mọi việc có khó khăn đến đâu thì cuối cũng “biến điều không thể thành có thể”.

Ông Vàng Dỉ Chu, cán bộ hưu trí xã Lũng Cú cho biết: “Khi xã thực hiện XDNTM, tôi cũng trăn trở và phân phân xã Lũng Cú làm sao có thể đặt được mục tiêu NTM, vì lúc đó đời sống kinh tế, thu nhập của nhân dân trong xã chủ yếu là sản xuất tự cung, tự cấp, sản xuất thuần nông một vụ, chưa có nhiều mô hình phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, cơ sở hạ tầng chưa phát triển.

Trong khi đó, đồng chí Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: để hoàn thành muc tiêu, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/HU, về việc lãnh đạo xã Lũng Cú đạt chuẩn NTM vào năm 2020, để đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc và lấy người dân làm chủ thể XDNTM; thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã. Huyện ủy thành lập tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ xã Lũng Cú thực hiện các tiêu chí; đồng thời phân công 55 cơ quan, đơn vị giúp đỡ các hộ dân thoát nghèo của xã Lũng Cú; phát động phong trào Ngày thứ 7 hướng về cơ sở, tìm giải pháp giúp dân xây dựng NTM qua những việc làm thiết thực.

Với phương châm “đoàn kết một lòng, phát huy tối đa mọi nguồn lực” cùng với đó là quyết tâm chính trị rất lớn của cấp ủy, chính quyền huyện, xã Lũng Cú và sự nỗ lực của người dân, cuối cùng nhiều tiêu chí khó như hạ tầng giao thông, môi trường, hộ nghèo, thu nhập… đã bị “khuất phục”.

Kết quả chỉ trong một thời gian ngắn, kết cấu hạ tầng được đầu tư, đường từ huyện vào trung tâm xã được mở rộng từ 5,5m lên thành 7m; 100% đường thôn, liên thôn được cứng hóa; các trường học được đầu tư xây mới khang trang, sạch đẹp đáp ứng tốt việc dạy và học;  9/9 thôn có nhà văn hóa khang trang, xã không còn hộ có nhà tạm…. Đây là xã đầu tiên và xã duy nhất đến thời điểm hiện tại của huyện Đồng Văn đặt chuẩn NTM.

Theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tiếp tục thực hiện XDNTM đến năm 2025, huyện sẽ phấn đấu 02 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, huyện phấn đấu XDNTM đạt các tiêu chí tăng 61 tiêu chí, tổng tiêu chí đạt được 271 tiêu chí, bình quân cả huyện đạt 15,94 tiêu chí/xã; hàng năm tăng từ 1-2 tiêu chí/xã; 01 xã hoàn thành 17 tiêu chí; 13 xã hoàn thành 14-16 tiêu chí, không có xã hoàn thành dưới 14 tiêu chí... (còn tiếp)

Dương Ngọc Đức


Tác giả: Dương Ngọc Đức
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.478
Hôm qua : 3.750
Tháng 05 : 64.177
Năm 2024 : 363.591