Thành phố Hà Giang: Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
CTTBTG - Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thành phố Hà Giang được triển khai thực hiện sôi nổi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp Nhân dân góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản về việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất từng bước được hạn chế và xóa bỏ. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, biểu diễn, văn nghệ quần chúng ở cơ sở diễn ra sôi nổi, thiết thực, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức và Nhân dân tham gia. Hoạt động của hệ thống thư viện, phòng đọc từ thành phố đến cơ sở đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng, nhất là phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử. Nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử có giá trị đã phát huy tác dụng trong đời sống xã hội. Văn hóa đặc trưng của các đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được khôi phục, bảo tồn và phát triển.
Hiệu ứng tích cực từ các Hội thi xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Phong trào đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo được các cấp, các ngành từ thành phố đến xã, phường được chú trọng, đẩy mạnh và phối hợp thực hiện có hiệu quả, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực như: Vận động nhân dân tự nguyện hiến đất để làm đường, xây dựng công trình công cộng, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ học nghề, đào tạo việc làm cho lao động nông thôn; vận động nhân dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; hỗ trợ liên kết giữa các hợp tác xã và hộ nông dân với doanh nghiệp để phát triển các chuỗi liên kết có sức cạnh tranh và hiệu quả; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để không ngừng nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời thông qua các tổ chức đoàn thể đã có nhiều hình thức giúp nhau xóa đói giảm nghèo có hiệu quả. Các sản phẩm du lịch, làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngày càng phát triển phong phú, đa dạng như: Trang phục dân tộc, túi thơm, túi thêu, túi thổ cẩm, khăn thêu, giỏ tre, nón đan, túi lưới... Cùng với đó, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại tập trung vào giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh, lịch sử, văn hóa con người địa phương; các hoạt động xúc tiến thương mại; những cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác đầu tư, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Bảo tồn Lễ cúng rừng, cúng làng thôn Khuổi My, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang
Chất lượng xây dựng gia đình văn hóa ngày càng tăng lên; đã xây dựng được nhiều mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu; việc xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội được chú trọng triển khai thực hiện. Công tác phát triển các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng được tổ chức thường xuyên từ thành phố đến cơ sở, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng. Công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa được chú trọng, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống, như: Tổ chức các Hội thảo, Hội thi các cấp về tuyên truyền “Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh”; từ đó nhận diện được các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, vận động nhân dân bước đầu giảm bớt những thủ tục rườm rà, không còn phù hợp trong tổ chức việc việc tang, lễ hội, trong đời sống sinh hoạt, trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Vận động nhân dân cải tạo, thay đổi các tập quán lạc hậu trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, tổ chức cưới vui vẻ, tiết kiệm; giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao trong những năm qua được đẩy mạnh. Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 01 nhà văn hóa trung tâm, 71 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đáp ứng 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoạt động, 5 phường, 3 xã đã có hội trường trung tâm hoạt động. Văn hóa đọc trong cộng đồng được chú trọng triển khai thực hiện. Hệ thống thư viện từ thành phố đến cơ sở được đầu tư xây dựng, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần phục vụ tốt nhu cầu người đọc: Có 01 thư viện trung tâm Thành phố và 8/8 xã, phường có phòng đọc, 19 trường học có tủ sách thư viện phục vụ độc giả. Hằng năm, hệ thống thư viện từ Thành phố đến cơ sở tiến hành cấp mới trên 100 thẻ thư viện, bổ sung, luân chuyển hàng nghìn lượt sách, báo phục vụ người đọc.
Người dân thành phố Hà Giang tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ,
nâng cao đời sống tinh thần
Các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Giang đã có những cách làm phù hợp với thực tế địa phương trong triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030, như: Tổ chức giao lưu văn hóa hàng năm giữa các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Thành phố; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, quản lý, định hướng nội dung hoạt động cho Hội viên, văn nghệ sỹ; Câu lạc bộ thơ - ca; đồng thời tuyên truyền, vận động đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động, sáng tạo; bám sát vào chủ trương, nghị quyết của đảng, thực tế cuộc sống để sáng tác các tác phẩm có giá trị; tạo điều kiện đội ngũ văn nghệ sĩ được giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm, tham quan các khu di tích, lịch sử, văn hóa...; thâm nhập thực tế cơ sở, thực tiễn cuộc sống để hoạt động sáng tác, tạo ra các tác phẩm Văn học nghệ thuật có chất lượng phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Chủ động biên tập các nội dung tuyên truyền cổ động bằng xe thông tin lưu động tuyên truyền tại các chợ; viết tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trên trang thông tin điện tử thành phố; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Chỉ đạo 03 xã Phương Độ, Phương Thiện, Ngọc Đường và các trưởng thôn sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ và nhạc cụ dân tộc, lễ hội của đồng bào dân tộc Dao Áo dài; hướng dẫn tổ chức tập luyện cho đội Văn nghệ dân gian, các câu lạc bộ thơ ca, khiêu vũ, dưỡng sinh; tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại Quảng trường 26/3 vào tối thứ 7 hằng tuần mang lại không gian văn hóa lành mạnh; tạo sân chơi cho các lứa tuổi, phục vụ nhu cầu hưởng thụ và tham gia sinh hoạt văn hóa của du khách khi đến với thành phố Hà Giang.
Với những kết quả nổi bật của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thành phố Hà Giang đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong xây dựng nếp sống văn minh, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vun đắp tình làng nghĩa xóm, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống thấm sâu vào mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư; từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.