A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Sức sống trường tồn của Chủ nghĩa Mác - Lênin trước những thăng trầm lịch sử

Trong dịp Kỷ niệm 154 năm Ngày sinh của V.I.Lênin (22/4/1870-22/4/2024) và 205 năm Ngày sinh C.Mác (5/5/1818 - 5/5/2024) vừa qua, các thế lực thù địch đã tăng cường xuyên tạc, bác bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ thực trạng này bài viết sẽ cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn nhằm bác bỏ những luận điệu xuyên tạc và khẳng định sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin trước những thăng trầm lịch sử. Thông qua làm rõ: Bản chất, tính khoa học, tính cách mạng… là cội nguồn sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin trong lịch sử; sức sống chủ nghĩa Mác-Lênin trong tình hình mới; định hướng bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong giai đoạn hiện nay.

Chủ nghĩa Mác-Lênin là thành tựu trí tuệ vĩ đại của loài người, xuất phát từ con người và nhằm giải phóng con người. Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết khoa học và cách mạng, phản ánh đúng quy luật vận động khách quan của lịch sử và đấu tranh xóa bỏ mọi hình thức áp bức, xây dựng một xã hội không còn người bóc lột người. Chủ nghĩa Mác-Lênin là thế giới quan, phương pháp luận khoa học về các quy luật của tự nhiên và xã hội. Đó là học thuyết duy nhất từ trước đến nay bàn về mục tiêu, điều kiện và phương pháp giải phóng triệt để con người khỏi ách áp bức bóc lột, bất công và đói nghèo trên thế giới.

Trong suốt quá trình phát triển, chủ nghĩa Mác-Lênin luôn gặp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch. Do đó, cần tỉnh táo phân tích nhằm thấy rõ bản chất khoa học, cách mạng là cội nguồn sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin; và trong thực tiễn lịch sử, chủ nghĩa Mác-Lênin đã trải qua bao thăng trầm, vượt qua mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch để không ngừng phát triển, tỏ rõ giá trị trong lịch sử và ngày nay tiếp tục lan tỏa, soi rọi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), đưa nhân loại đến cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin. 

Bản chất khoa học, cách mạng là cội nguồn sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin: “Chủ nghĩa Mác-Lênin trường tồn vì nó là một học thuyết khoa học và cách mạng”[1]. Bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin được thể hiện ở chỗ nó được kết tinh và là kết quả đỉnh cao của tư duy khoa học, tinh hoa văn hoá mà nhân loại đã sáng tạo ra. Nó không chỉ là sản phẩm của sự kế thừa, tiếp thu, mà còn là kết quả của sự phát triển sáng tạo tất cả những gì tiến bộ, hợp lý trong các trào lưu tư tưởng xã hội tiên tiến của nhân loại; đồng thời, là kết quả của sự tổng kết lịch sử phát triển xã hội loài người; được kiểm nghiệm trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản. Khi nói về học thuyết của C.Mác, V.I.Lênin khẳng định: “Học thuyết của ông ra đời là sự thừa kế thẳng và trực tiếp những học thuyết của các đại biểu xuất sắc nhất trong triết học, kinh tế chính trị học và trong CNXH… Nó là người thừa kế chính đáng của tất cả những cái tốt đẹp nhất mà loài người đã tạo ra hồi thế kỷ XIX, đó là triết học Đức, kinh tế chính trị học Anh và CNXH Pháp”[2].

Bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin thể hiện ở hệ thống quy luật chung nhất của thế giới mà nó phản ánh và ở chức năng thế giới quan, phương pháp luận khoa học trong hoạt động nhận thức và cải tạo thực tiễn của con người. Các nhà triết học trước C.Mác chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã đưa đến cuộc cách mạng khi không dừng lại ở việc đem đến cơ sở khoa học đúng đắn cho việc nhận thức thế giới mà còn tiến xa hơn là cải tạo thế giới hiện thực.

Chủ nghĩa Mác-Lênin mang tính cách mạng bởi nó là học thuyết duy nhất từ trước tới nay đặt ra mục tiêu, chỉ rõ con đường giải phóng triệt để giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới thoát khỏi tình trạng bị nô dịch và bóc lột, thoát khỏi đói nghèo và tha hoá về nhiều mặt. V.I.Lênin khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa duy vật triết học của Mác là đã chỉ cho giai cấp vô sản con đường phải theo để thoát khỏi chế độ nô lệ về tinh thần, trong đó tất cả các giai cấp bị áp bức đã sống lay lắt từ trước tới nay”[3].

Chủ nghĩa Mác-Lênin còn chỉ ra quy luật của sự giải phóng và phát triển xã hội. Đó là quy luật về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, về sự chuyển biến từ hình thái kinh tế xã hội này sang hình thái kinh tế xã hội khác không phải diễn ra một cách tự phát mà phải thông qua cuộc đấu tranh giai cấp gay go, quyết liệt. Từ đó, C.Mác - Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đã trực tiếp nghiên cứu sự vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tìm ra quy luật về sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản, cũng như sự thắng lợi của CNXH như một tất yếu thông qua cuộc cách mạng xã hội.

Nói về tính khoa học và tính cách mạng của học thuyết Mác, V.I.Lênin khẳng định, toàn bộ giá trị của học thuyết Mác là ở chỗ, lý luận đó “về bản chất là một lý luận có tính chất phê phán và cách mạng”. Sự phê phán đó là “sự phê phán duy vật chủ nghĩa”, sự phê phán duy nhất được C.Mác coi là “có tính chất khoa học”, và do vậy nó mang lại cho học thuyết Mác bản chất khoa học, cách mạng. Tính khoa học và cách mạng là cái vốn có trong bản chất của chủ nghĩa Mác-Lênin. V.I.Lênin khẳng định: “Sức hấp dẫn không gì cưỡng nổi đã lôi cuốn những người xã hội chủ nghĩa (XHCN) của tất cả các nước đi theo lý luận đó, chính là ở chỗ nó kết hợp tính chất khoa học chặt chẽ và cao độ (đó là đỉnh cao nhất của khoa học xã hội) với tinh thần cách mạng, và kết hợp không phải một cách ngẫu nhiên, không phải chỉ vì người sáng lập ra học thuyết ấy đã kết hợp trong bản thân mình những phẩm chất của nhà bác học và của nhà cách mạng, mà là kết hợp trong chính bản thân lý luận ấy, một sự kết hợp nội tại và khăng khít”[4].

Bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin còn thể hiện ở chỗ nó là học thuyết mở và mang tính sáng tạo, không cứng nhắc, bất biến mà đòi hỏi luôn được bổ sung, tự đổi mới, phát triển trong dòng phát triển của nhân loại. V.I.Lênin khẳng định: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người XHCN cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống[5]

Do bản chất của chủ nghĩa Mác-Lênin nên tính khoa học và tính cách mạng luôn thống nhất biện chứng với nhau trong nội tại học thuyết. Trong mối quan hệ biện chứng đó, tính khoa học đóng vai trò cơ sở của tính cách mạng, đảm bảo tính cách mạng gắn liền với sự sáng tạo và khả năng hiện thực hóa. Khi nói bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin là mặc nhiên thừa nhận thuộc tính khoa học là cơ sở cho thuộc tính cách mạng, chứ không phải ngược lại. Tính cách mạng tạo nên sức sống của tính khoa học và làm cho vai trò hướng dẫn, soi đường của tri thức khoa học đi vào thực tiễn. Nếu tính cách mạng tách rời tính khoa học sẽ là tự rời bỏ gốc rễ của chính nó, tất yếu sẽ dẫn đến sai lầm với những hậu quả khó lường. Nếu tính khoa học không gắn liền với tính cách mạng thì bản thân sự tồn tại của học thuyết sẽ mất đi ý nghĩa thực tiễn, lý luận khoa học sẽ đứng trước nguy cơ trở thành lý thuyết suông, giáo điều, kinh viện.

Trong thực tiễn, chúng ta thường quan niệm tính khoa học gắn với hoạt động nhận thức, tính cách mạng gắn với hoạt động thực tiễn. Nên khi vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, thường xuất hiện khuynh hướng tách rời tính khoa học với tính cách mạng, thậm chí đề cao tính cách mạng, coi nhẹ tính khoa học. Theo đó, những người cộng sản thường phạm sai lầm tả khuynh hơn là hữu khuynh mà nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc chưa thực sự coi trọng tính khoa học trong hoạt động cách mạng, tách rời tính khoa học với tính cách mạng trong thực tiễn. Ở đâu và khi nào, những người cộng sản nắm vững bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin và vận dụng sáng tạo nó trong hoạt động thực tiễn thì cách mạng thắng lợi và ngược lại. Điều đó cho thấy, bản chất khoa học, cách mạng là cội nguồn sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin và điều này đã được kiểm nghiệm trong lịch sử.

Tượng V.I.Lenin nằm ở trung tâm, khu vực giao nhau giữa đại lộ Lenin với đường Nguyễn Phong Sắc (thành phố Vinh).

Sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin trong lịch sử: Cho đến nay, thắng lợi đầu tiên và cũng là thắng lợi vĩ đại nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thực tiễn là thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga (1917). Cách mạng tháng Mười Nga đã làm cho CNXH, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ chỉ là ước mơ cao đẹp của loài người trở thành hiện thực; đồng thời, “mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi đều đang tiến tới một cuộc đời mới, tới chỗ chiến thắng giai cấp tư sản, tới chỗ thành lập chuyên chính vô sản, tới chỗ giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”[7] - theo khẳng định của V.I.Lênin, và đó là “thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên toàn thế giới”[8] - theo khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhờ tính ưu việt của chế độ XHCN, nước Nga đã đánh bại thù trong, giặc ngoài, bảo vệ chính quyền non trẻ, thu hút hàng chục nước lân cận để thành lập nên Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết (năm 1922). Với những chủ trương đúng, Liên Xô đã nhanh chóng trở thành một cường quốc trên thế giới, đóng vai trò quyết định cứu nhân loại khỏi thảm họa diệt chủng của chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, chứng minh cho sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin trong hiện thực. Vì vậy, có thể khẳng định: “Cách mạng tháng Mười là sự khẳng định bằng thực tiễn tính chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin”[9].

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, một loạt nước đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin, làm cho CNXH hiện thực trở thành hệ thống thế giới. CNXH hiện thực đã trở thành mẫu hình lý tưởng về việc giải phóng người lao động, là thành trì của hòa bình và cách mạng; là chỗ dựa vững chắc của phong trào giải phóng dân tộc - phong trào đã làm biến đổi lịch sử loài người ở thế kỷ XX. Nhờ hệ thống CNXH hiện thực mà nhân loại đã ngăn ngừa được nhiều cuộc chiến tranh hủy diệt, duy trì được môi trường hòa bình và ổn định trong một thời gian dài. Đó là minh chứng sinh động cho sức sống mãnh liệt và vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin trong tiến trình phát triển của nhân loại.

Tuy nhiên, lịch sử rất nghiệt ngã, không phải lúc nào những người cộng sản cũng nắm vững, vận dụng sáng tạo và phát triển bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Và đó là thời điểm dẫn đến mâu thuẫn, sai lầm, khủng hoảng, sụp đổ và tan rã trong hệ thống XHCN.

Trong những năm 60 của thế kỷ XX, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cùng hệ thống các nước XHCN liên tục xuất hiện những bất đồng nghiêm trọng trên hàng loạt vấn đề về quan điểm lý luận, chiến lược, sách lược và về đánh giá tình hình thế giới. Những bất đồng, mâu thuẫn đó thực chất là cuộc đấu tranh giữa các quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin với các biểu hiện khác nhau của chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa dân tộc; giữa một bên là những người nắm vững bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin với một bên là những người đang dần xa rời nó. Điều đó làm suy yếu sức mạnh của mỗi quốc gia, tạo cơ hội cho chủ nghĩa tư bản lợi dụng, chống phá, làm suy yếu sức mạnh của cả hệ thống XHCN.

Tiếp đó, những người cộng sản, điển hình là những người cộng sản ở Liên Xô đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng mà nguyên nhân sâu xa là hiểu sai, làm sai chủ nghĩa Mác-Lênin. Thông qua cuộc cải tổ, Ban lãnh đạo Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Goócbachốp đã loại dần những người trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin ra khỏi bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước và cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời, sai lầm. Từ đó, “đã xem nhẹ vấn đề đấu tranh giai cấp, nhấn mạnh những giá trị chung toàn nhân loại, xem nhẹ chuyên chính vô sản, nhấn mạnh hòa hoãn, nhân quyền, cho rằng chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, xét lại sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, nhấn mạnh vấn đề dân tộc, xem nhẹ chủ nghĩa đế quốc, nhấn mạnh vấn đề công khai, xem nhẹ vấn đề kỷ luật tập trung trong Đảng dẫn đến sự sụp đổ của CNXH hiện thực và làm tan rã Đảng về mặt tư tưởng”[10]. Có hậu quả nghiêm trọng đó “chính là vì người ta hiểu sai và làm sai chủ nghĩa Mác-Lênin: sai cả về thực hiện các nguyên lý cơ bản, về vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng”[11]. Vì thế, có thể khẳng định “sự sụp đổ của Liên Xô là sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực được xây dựng ở Nga và sau đó là ở Liên bang Xô Viết, chứ không phải là sự sụp đổ của học thuyết Mác-Lênin về CNXH”[12].

Thực tiễn đó một lần nữa chứng tỏ, thành công của các cuộc cách mạng XHCN, sự ra đời và thăng trần của CNXH hiện thực gắn liền với việc các đảng cộng sản và công nhân có nắm vững, vận dụng sáng tạo hay giáo điều bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thực tiễn.

Sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin trong tình hình mới: Sự sụp đổ của chế độ XHCN ở các nước Đông Âu và sự tan rã của Liên Xô đã trở thành sự kiện quan trọng trong lịch sử nhân loại thế kỷ XX, từ đó CNXH hiện thực tạm lâm vào thoái trào. Sau đó, các nước XHCN tiếp tục bị chủ nghĩa đế quốc tập trung bao vây, chống phá quyết liệt thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn, âm mưu cướp “mảnh đất hiện thực” hòng làm cho CNXH khoa học trở thành CNXH “không tưởng”. Điều đó làm cho các nước XHCN gặp vô vàn khó khăn, trở ngại trên nhiều phương diện. Nhưng thông qua quá trình đổi mới, cải cách, bằng việc kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, thể chế XHCN không những trụ vững, vượt qua khủng hoảng, mà còn tiếp tục phát triển ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và Cuba với tổng số hơn 1,5 tỷ người. Sự trụ vững cùng với những thành tựu phát triển mọi mặt ở các nước XHCN trong hơn hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI trước sự tiến công điên cuồng của chủ nghĩa đế quốc đã cho thấy sức sống và triển vọng của chủ nghĩa Mác-Lênin trong tình hình mới.

Sau Chiến tranh Lạnh, các đảng Cộng sản và các đảng cánh tả ở châu Mỹ Latinh đều tìm kiếm nhận thức lý luận mới về CNXH, nhất là về địa vị và vận mệnh của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đến năm 2010, “thay đổi lớn nhất trong điều chỉnh lý luận của đảng Cộng sản và đảng cánh tả Mỹ Latinh là phát triển từ giáo điều hóa sang bản địa hóa và Mỹ Latinh hóa chủ nghĩa Mác-Lênin”[13]. Đa số các đảng Cộng sản, các đảng cánh tả Mỹ Latinh đã kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với tình hình thực tế và đặc điểm riêng có của nước mình để vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin. Theo đó, “bản địa hóa” chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành xu thế phát triển của các đảng Cộng sản và đảng cách tả ở Mỹ Latinh. Tuy cách thức “bản địa hóa” khác nhau, nhưng đều hướng đến xây dựng đất nước theo con đường XHCN, làm cho “trung tâm của CNXH đang chuyển về châu Mỹ Latinh”[14], khu vực vốn được coi là “sân sau” của Mỹ. Điều đó cho thấy, sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác-Lênin trong vòng cương tỏa của chủ nghĩa đế quốc.

Trong những năm 2008 - 2010, cuộc khủng hoảng tài chính khởi phát từ Mỹ lan rộng trên toàn cầu, làm nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái. Trong khủng hoảng, nhiều chính khách, học giả, doanh nhân thành đạt ở phương Tây, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính đã quay “trở lại” nghiên cứu bộ Tư bản của C.Mác và tìm thấy trong đó lời giải thích về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống tài chính đương đại. Bộ Tư bản của C.Mác và tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trở thành đầu sách bán chạy ở nhiều nước tư bản, chủ nghĩa Mác-Lênin lại trở lên “thời thượng”. Điều đó có nghĩa, các nhà tư bản đi tìm sự cứu rỗi cho mình từ những trang sách của một con người cả cuộc đời chiến đấu không khoan nhượng chống chủ nghĩa tư bản. “Đây lại là một sự “xác tín” không chút hoài nghi nào về giá trị, ý nghĩa, ảnh hưởng to lớn và sức sống bất diệt của chủ nghĩa Mác trong thời đại chúng ta, rằng thế kỷ XXI này, không thể hiểu được nếu không tính đến sự hiện diện của C.Mác và chủ nghĩa Mác”[15].

Mặc dù đã có tín hiệu khởi sắc, nhưng trên bình diện thế giới, các dự báo đều cho rằng trong tương lai gần, CNXH khó có được những bước tiến đột phá để mở rộng mảnh đất hiện thực. Về triển vọng của chủ nghĩa Mác-Lênin và CNXH, học giả A.Lilốp nhận định: “Tương lai của CNXH trên phạm vi thế giới phụ thuộc ở mức độ quyết định vào những cuộc cải cách của CNXH ở Trung Quốc và Việt Nam”[16].

Ở Việt Nam, trong hơn 93 năm đi theo con đường XHCN, nhờ nắm vững bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, chúng ta đã giành được những thắng lợi vĩ đại. Đặc biệt, thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước cho thấy: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[17]. Tuy nhiên, trong suốt quá trình đổi mới và đến ngày nay, các thế lực thù địch không ngừng chống phá cách mạng Việt Nam trên nhiều phương diện. Hiện nay, chúng tập trung chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, trọng tâm là chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin, với những luận điệu chủ yếu như: 1) Chủ nghĩa Mác-Lênin là sản phẩm của nền văn minh cơ khí, nó chỉ thích hợp với thế kỷ XIX chứ không phù hợp với thời đại ngày nay; 2) Những sai lầm, sụp đổ và thách thức mà các nước XHCN đã và đang phải đối mặt là hậu quả của việc đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin, một học thuyết “sai lầm”; 3) Chủ nghĩa Mác-Lênin ra đời ở phương Tây, nó chỉ phản ánh lịch sử phương Tây mà không bao quát được lịch sử phương Đông; 4) Việt Nam đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin là sai lầm, Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh, v.v…

Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, nhằm “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn”[18] theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin theo những định hướng cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận kết hợp với tổng kết thực tiễn nhằm không ngừng bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin.

Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng chủ trương: “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng cơ sở khoa học vững chắc cho việc hoạch định, thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”[19]. Theo đó, cần đứng vững trên lập trường chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật để nghiên cứu nhằm nhận thức đúng đắn, sâu sắc về bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Tiếp tục nghiên cứu có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ sự bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin của Hồ Chí Minh; sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Đảng ta phù hợp với bản chất con người, truyền thống văn hóa, xã hội và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Hoạt động nghiên cứu lý luận phải bám sát thực tiễn, mở rộng dân chủ, phát huy tự do tư tưởng, tránh áp đặt tùy tiện, duy ý chí; đồng thời, giữ nghiêm kỷ luật, nhất là trong việc phát ngôn và công bố các kết quả nghiên cứu mới.

Kết hợp nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin với tổng kết thực tiễn, lấy tổng kết thực tiễn làm căn cứ chính để đề xuất cái mới. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn để sớm có những kết luận khoa học về những vấn đề mới và bức xúc do thực tiễn đặt ra nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội. Trong đó, chú trọng tổng kết các kinh nghiệm lịch sử của CNXH hiện thực, những bài học rút ra từ cuộc cải tổ và sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Ðông Âu; những vấn đề về thời đại, về chủ nghĩa tư bản hiện đại, những biến đổi trong quan hệ chính trị, quân sự quốc tế và trật tự thế giới mới. Đồng thời, coi trọng tổng kết thực tiễn xây dựng CNXH, bảo vệ Tổ quốc và công cuộc đổi mới ở Việt Nam, tập trung làm sáng tỏ một số nội dung cơ bản sau: Mô hình CNXH và thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam; lý luận về đường lối đổi mới; cơ sở lý luận và thực tiễn vai trò lãnh đạo của Đảng và tính ưu việt của hệ thống chính trị Việt Nam; thể chế chính trị và thể chế kinh tế trong điều kiện một Đảng cầm quyền và kinh tế thị trường định hướng XHCN; lý luận về nền dân chủ XHCN Việt Nam, về những mối quan hệ lớn cần xử lý trong thời kỳ quá độ lên CNXH, v.v… Trên cơ sở đó, khái quát, bổ sung, phát triển, làm sâu sắc hơn bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin trong tình hình mới.

Hai là, đổi mới công tác giáo dục lý luận, làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin thâm nhập sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cần giáo dục cán bộ, đảng viên nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của lý luận chính trị và việc học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là yêu cầu khách quan, cấp thiết trong tình hình hiện nay. Học lý luận chính trị, học chủ nghĩa Mác-Lênin không những để biết mà còn góp phần hình thành nhân cách, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên với những yêu cầu nâng cao nhận thức về lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng tư tưởng, củng cố tình cảm cách mạng; tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng và nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Đổi mới nội dung, chương trình giáo dục lý luận chính trị nói chung và chủ nghĩa Mác-Lênin nói riêng cần phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phù hợp từng đối tượng người học, từng cấp học, bậc học, tránh trùng lặp, bảo đảm tính liên thông. Tập trung giáo dục những vấn đề cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng không máy móc, giáo điều, khô cứng, đảm bảo sát thực tiễn, gắn với CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, giải đáp thuyết phục những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra.

Đổi mới phương pháp giáo dục, phổ biến lý luận theo hướng hiện đại, phù hợp với các đối tượng; chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và nâng cao trình độ, rèn luyện phong cách, trau dồi bản lĩnh chính trị của người học. Phương pháp giảng dạy và học tập cần sinh động, phù hợp với từng đối tượng, tạo được hứng thú và trách nhiệm của người học. Chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp, nhất là của lực lượng chuyên trách khi tiến hành công tác giáo dục, tuyên truyền, làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin thâm nhập sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ba là, tăng cường đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình” nhằm bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin.

Đa dạng hóa các hình thức đấu tranh trên cơ sở giữ vững quan điểm và nguyên tắc; mềm dẻo, linh hoạt, nhân văn trong phương pháp, công khai, minh bạch, dân chủ, góp phần tạo dư luận xã hội lành mạnh, đồng thuận. Với những đối tượng là chủ mưu, ngoan cố, cần kiên quyết và nghiêm trị bằng pháp luật. Với những đối tượng ngộ nhận, thiếu hiểu biết, không thù địch thì cần mềm dẻo tuyên truyền, giáo dục thuyết phục có tình, có lý, tạo điều kiện cho họ nhận ra lỗi lầm và từ bỏ những luận điệu xuyên tạc.

Có thể đấu tranh trực diện thông qua gặp gỡ, trao đổi trực tiếp hoặc xử lý bằng pháp luật, bằng các biện pháp hành chính, cưỡng chế hoặc con đường ngoại giao. Đấu tranh gián tiếp thông qua tổ chức, cơ quan quản lý đối tượng, qua vận động của các tổ chức đoàn thể, qua đấu tranh từ quần chúng, họ hàng, gia đình,… Đấu tranh bằng biện pháp nghiệp vụ an ninh, hợp tác quốc tế trong truy lùng, bắt giữ, xử lý những đối tượng ngoan cố, chống đối…

Tăng cường lượng tin, bài đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình” trên các phương tiện truyền thông, trong đó đặc biệt chú trọng nội dung đấu tranh tư tưởng, lý luận nhằm bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin.

Chú trọng tổ chức, phát huy vai trò của các học giả, trí thức có uy tín về khoa học lý luận, có lý luận sắc sảo, trình độ uyên thâm, có kinh nghiệm để đấu tranh bảo vệ và nghiên cứu phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin. Đồng thời, có các chính sách đãi ngộ thích đáng về quyền lợi vật chất, điều kiện, cơ chế để họ tiếp cận thông tin và đấu tranh có hiệu quả.

Coi trọng phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, lực lượng chuyên trách nhằm tổ chức đấu tranh đạt hiệu quả cao hơn; khắc phục sự lúng túng, thiếu kịp thời trong đấu tranh với các quan điểm, luận điệu mới của kẻ thù. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các lực lượng chuyên trách; đồng thời, hiện đại hóa các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả đấu tranh.

Tăng cường đối thoại và đối thoại thẳng thắn với những người có quan điểm khác biệt trên tinh thần khoa học, dân chủ, thuyết phục lẫn nhau là chính. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn khoa học vì sự phát triển của chủ nghĩa Mác-Lênin, sự ổn định, bền vững của chế độ, vì Nhân dân và đất nước.

Có thể khẳng định, trong quá khứ, hiện tại và tương lại, không chỉ những người cộng sản, mà nhiều chính trị gia, học giả phương Tây đã, đang và sẽ phải thừa nhận rằng, nhân loại tiến bộ, dù muốn hay không, dù biết hay không, đều là những người thừa kế Mác và chủ nghĩa Mác ở một mức độ nhất định nào đó. Rằng, thời đại ngày nay không thể thiếu C.Mác, triết học Mác-Lênin, chủ nghĩa Mác-Lênin. Bởi thế, “Luôn luôn sẽ là một sai lầm, nếu không đọc đi đọc lại và tranh luận những tác phẩm của Mác… Đó sẽ càng ngày càng là một sai lầm, một sự thiếu trách nhiệm về mặt lý luận, triết học và chính trị… Sẽ không có tương lai khi không có trách nhiệm đó. Không có nếu không có Mác; không có tương lai mà lại không có Mác”[20].

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, không những trụ vững mà còn phát triển vươn lên trong vòng cương tỏa của chủ nghĩa đế quốc, và dù bất cứ lực lượng thù địch nào có khẳng định nó đã lỗi thời, lạc hậu, sai lầm, hay chống phá nó bằng mọi thủ đoạn thâm hiểm, song tất cả những gì đã và đang diễn ra trong thế giới đương đại vẫn đưa chúng ta đến một kết luận khoa học vững chắc rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin mãi trường tồn, tương lai của loài người thuộc về CNXH, chủ nghĩa cộng sản./.

Trần Thảo

--------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1.  

Hoàng Chí Bảo (2018), Sức sống của chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 317, 2018, tr.3-11.

  1.  

Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội.

  1.  

Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội.

  1.  

Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội.

  1.  

Gắccơ Đêriđa (2022), Những bóng ma của Mác, Nxb CTQG Sự thật và Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, Hà Nội.

  1.  

Đặng Đình Giang (2022), Bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin là sự thể hiện bản lĩnh và năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Khoa học Chính trị, số 4, tr.45-50.

  1.  

Bùi Thị Ngọc Lan (2022), Phê phán một số quan điểm phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 07, tr.66-72.

  1.  

Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội.

  1.  

Nguyễn Văn Nam (2008), Cách mạng tháng Mười Nga - sự kiểm chứng CNXH khoa học, Tạp chí Lý luận chính trị & Truyền thông, số 11, tr.7-12.

  1.  

Lò Thị Phương Nhung (2011), Về CNXH ở Mỹ Latinh, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 02, tr.36-46.

  1.  

Trần Văn Phòng (2012), Triển vọng của CNXH trong điều kiện toàn cầu hóa, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 198, tr.2-5.

  1.  

Nguyễn Phú Trọng (1992), Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã, Tạp chí Cộng sản, số 4, tr.19-25.

  1.  

Đào Thế Tuấn (2008), Trung tâm của CNXH đang chuyển về châu Mỹ Latin, Tạp chí Xưa và Nay, số 319, tr.38-40.

  1.  

V.I.Lênin (2005), Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội.

  1.  

V.I.Lênin (2005), Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội.

  1.  

V.I.Lênin (2005), Toàn tập, tập 20, Nxb CTQG, Hà Nội.

  1.  

V.I.Lênin (2005), Toàn tập, tập 23, Nxb CTQG, Hà Nội.

  1.  

V.I.Lênin (2006), Toàn tập, tập 44, Nxb CTQG, Hà Nội.

  1.  

Trần Nguyên Việt (2010), Quan điểm và cách nhìn nhận của các học giả Việt Nam về sự sụp đổ của Liên Xô và tiền đồ CNXH, Tạp chí Triết học, số 3, tr.62-67.

 

 

[1] Đặng Đình Giang (2022), Bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin là sự thể hiện bản lĩnh và năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Khoa học Chính trị, số 4, tr.46.

[2] V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 23, tr.50.

[3] V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 23, tr.57-58.

[4] V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 1, tr.421.

[5] V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 4, tr.232.

[7] V.I.Lênin (2006), Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 44, tr.184-185.

[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 15, tr.388.

[9] Nguyễn Văn Nam (2008), Cách mạng tháng Mười Nga - sự kiểm chứng CNXH khoa học, Tạp chí Lý luận chính trị & Truyền thông, số 11, tr.9.

[10] Nguyễn Phú Trọng (1992), Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã, Tạp chí Cộng sản, số 4, tr.20.

[11] Nguyễn Phú Trọng (1992), Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã, Tạp chí Cộng sản, số 4, tr.22.

[12] Trần Nguyên Việt (2010), Quan điểm và cách nhìn nhận của các học giả Việt Nam về sự sụp đổ của Liên Xô và tiền đồ CNXH, Tạp chí Triết học, số 3, tr.62.

[13] Lò Thị Phương Nhung (2011), Về CNXH ở Mỹ Latinh, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 2, tr.39.

[14] Đào Thế Tuấn (2008), Trung tâm của CNXH đang chuyển về châu Mỹ Latinh, Tạp chí Xưa và Nay, số 319, tr.38.

[15] Hoàng Chí Bảo (2018), Sức sống của chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 317, tr.10.

[16] Dẫn theo: Trần Văn Phòng (2012), Triển vọng của CNXH trong điều kiện toàn cầu hóa, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 198, tr.5.

[17] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, tập 2, tr 322.

[18] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, tr.180.

[19] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, tr.94.

[20] Gắccơ Đêriđa (2022), Những bóng ma của Mác, Nxb CTQG Sự thật và Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, Hà Nội, tr.42-43.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.177
Hôm qua : 1.689
Tháng 06 : 92.429
Năm 2024 : 504.815