A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả sau 10 năm thực hiện Quy chế cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Trong những năm qua, công tác tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Quy chế cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng (ban hành kèm theo Quyết định số 340-QĐ/TW, ngày 03/12/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa X) (sau đây viết tắt là Quy chế 340) được các cấp ủy xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài; việc chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng được triển khai thực hiện bài bản, khoa học, sâu sát từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Xác định là kênh thông tin chính thống quán triệt, phổ biến, tuyên truyền đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống nhanh và hiệu quả nhất. Qua đó, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, giữ vững mặt trận tư tưởng của Đảng, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của tỉnh, các huyện ủy, thành ủy triển khai thực hiện nghiêm túc việc xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Quy chế 340 tại cấp mình; hầu hết các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đều thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; duy trì tốt việc tổ chức hội nghị báo cáo viên hàng tháng, hàng quý để thực hiện việc cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên các lĩnh vực phù hợp với từng thời điểm cụ thể, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị. Đồng thời, các huyện ủy, thành ủy tập trung chỉ đạo cấp xã tổ chức quán triệt Quy chế 340 thông qua nhiều hình thức, như: Quán triệt tại hội nghị giao ban cấp xã, lồng ghép tại các buổi sinh hoạt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, sinh hoạt chi bộ thôn, tổ khu phố cho đội ngũ tuyên truyền viên, đoàn viên, hội viên…

Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, cụ thể, như: Nội dung các tài liệu, đề cương bài nói được chuẩn bị chu đáo, ngắn gọn, xúc tích, khoa học, xác định rõ trọng tâm nội dung cần tuyên truyền; tích cực tổ chức hội nghị báo cáo viên bằng hình thức trực tuyến đến các điểm cầu từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với cán bộ, đảng viên và nhân dân; tuyên truyền qua các hội thi sân khấu hoá, tuyên truyền bằng mô hình trực quan, thông qua đội chiếu bóng lưu động; tuyên truyền tại các phiên chợ, tuyên truyền thông qua mô hình truyền tin thôn bản... Kết quả: Trong 10 năm, cấp tỉnh đã tổ chức được 105 hội nghị báo cáo viên, với trên 7.870 lượt đại biểu dự, 12 hội nghị thông tin thời sự cho đội ngũ cán bộ nghỉ hưu thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đang cư trú trên địa bàn thành phố Hà Giang; cấp huyện và tương đương tổ chức được 960 hội nghị báo cáo viên, thông tin cho 62.404 lượt đại biểu; cấp xã đã tổ chức được 7.803 hội nghị, thông tin tuyên truyền cho trên 273.000 lượt cán bộ, đảng viên; cung cấp trên 300 tài liệu thông tin chuyên đề cho đội ngũ báo cáo viên các cấp, phân công đồng chí lãnh đạo cơ quan trực tiếp thông tin tại hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh được trên 170 chuyên đề, phát hành 1.200 số Bản tin thông báo nội bộ...

Sau 10 năm thực hiện Quy chế 340, công tác cung cấp thông tin đã có nhiều chuyển biến tích cực, cấp ủy tỉnh, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan đơn vị luôn quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của thường trực cấp ủy, người đứng đầu các ban, sở, ngành được triển khai hiệu quả; các chế độ, chính sách và các trang thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được các cấp ủy quan tâm thường xuyên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế, như: Một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo một số hoạt động của đội ngũ báo cáo viên và công tác tuyên truyền miệng; chưa chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền miệng cho báo cáo viên, tuyên truyền viên; việc chuẩn bị nội dung đề cương tuyên truyền của báo cáo viên ở một số cơ quan, đơn vị chưa được chu đáo, chưa chủ động cập nhật được đầy đủ thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng; chất lượng một số báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 142
Hôm qua : 3.168
Tháng 09 : 60.870
Năm 2024 : 794.278