Trí thức Việt Nam trong quá trình cách mạng do Đảng lãnh đạo
CTTBTG - Tóm tắt: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, hiền tài mạnh thì nước thịnh, hiền tài yếu thì nước suy. “Quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách”. Đó là tổng kết về vai trò và trách nhiệm của trí thức trong lịch sử. Lãnh đạo cách mạng Việt Nam, qua các thời kỳ, Đảng đều đặc biệt đề cao và phát huy vai trò của trí thức, góp phần vào thắng lợi của cách mạng. Trong công cuộc đổi mới, đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước. Bài học đúc rút là: đoàn kết, đánh giá đúng, phát huy cao nhất vai trò của trí thức trong sự nghiệp cách mạng; chủ động đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức; những người trí thức nêu cao trách nhiệm trước đất nước, dân tộc.
Từ khóa: Trí thức; đội ngũ trí thức Việt Nam; Đảng lãnh đạo
1 . Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, các bậc tiền nhân đã nhận thức rất sớm “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí mạnh thì nước thịnh, nguyên khí kém thì nước suy; “Quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách”. Điều đó cho thấy vai trò, cống hiến rất to lớn và trách nhiệm vẻ vang của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc.
Nửa cuối thế kỷ XIX, Việt Nam gặp họa ngoại xâm từ phương Tây, thực dân Pháp đánh chiếm và biến Việt Nam thành thuộc địa với chế độ cai trị tàn ác. Cùng với phong trào đấu tranh của nhân dân, của triều đình, đã có các phong trào đấu tranh chống Pháp do các bậc sĩ phu lãnh đạo, tiêu biểu như Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can,... Dù là phong trào đấu tranh vũ trang, bạo lực hay cải cách, cuối cùng đều thất bại, nhưng các phong trào đó đã biểu thị tinh thần yêu nước rất cao và trách nhiệm lớn trước vận mệnh của đất nước.
Đã từng học ở Quốc học Huế, với năng lực tư duy và trí tuệ vốn có, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã phân tích, nhận rõ thời cuộc trong nước, thế giới và đã quyết định ra nước ngoài tìm con đường đấu tranh giải phóng giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Đó cũng là trách nhiệm, sứ mệnh lớn lao.
Những năm 20 của thế kỷ XX là thời kỳ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau khi tiếp thụ chủ nghĩa Mác - Lênin, đã truyền bá lý luận cách mạng và khoa học ấy vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ để thành lập đảng chân chính cách mạng gánh trọng trách lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người thấy rõ sự cần thiết phải tập hợp, huấn luyện những thanh niên yêu nước tiêu biểu, có học vấn và có tinh thần cách mạng để hình thành nhóm trung kiên, xây dựng tổ chức yêu nước và đảng cách mạng. Nguyễn Ái Quốc ra sức học tập nâng cao trình độ. Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô ngày 30-6-1923. Trong thời gian Quốc tế Cộng sản chuẩn bị Đại hội V, Nguyễn Ái Quốc đã theo học lớp ngắn hạn của Đại học Phương Đông, trường Đại học của Quốc tế Cộng sản đào tạo cán bộ lãnh đạo cho các nước phương Đông.
Theo phân công của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc rời Mátxcơva, thủ đô Liên Xô (Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết), đến Quảng Châu (Trung Quốc) ngày 11-11-1924. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã vận động, tổ chức những thanh niên Việt Nam yêu nước trong Tâm tâm xã tham gia Thanh niên Cộng sản đoàn. Có 9 thành viên là: Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Quảng Đạt, Vương Thúc Oánh, Lưu Quốc Long, Trương Văn Linh, Trần Phú, Lâm Đức Thụ1. Đó là những hạt giống quý, những thanh niên có trình độ học vấn, năng lực trí tuệ, có khả năng nhận thức, tiếp thụ chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng vào thực tiễn Việt Nam. Từ những thành phần trung kiên đó, tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này, ra báo Thanh niên (21-6-1925) để tuyên truyền, giáo dục và tổ chức lực lượng cách mạng. Nguyễn Ái Quốc mở lớp đào tạo, huấn luyện chính trị cho cán bộ. Từ tháng 2-1925 đến năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức đào tạo, huấn luyện được 75 đồng chí, sau này nhiều người trở thành các nhà lãnh đạo của Đảng. Tháng 4-1927, Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu trở lại Mátxcơva. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc nêu rõ 23 điểm về tư cách một người cách mạng, trong đó tự mình “Hay nghiên cứu, xem xét”, “Giữ chủ nghĩa cho vững”2.
Nguyễn Ái Quốc lựa chọn một số đồng chí xuất sắc ở các lớp huấn luyện Quảng Châu gửi đi học tại Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản (Mátxcơva, Liên Xô). Trong số đó có đồng chí Trần Phú. Nguyễn Ái Quốc nhận xét Trần Phú là đồng chí rất thông minh và giỏi tiếng Pháp. Các đồng chí Việt Nam đến học ở Đại học Phương Đông từ 2 nguồn: các lớp huấn luyện ở Quảng Châu và từ Đảng Cộng sản Pháp. Tháng 6-1925, Nguyễn Thế Rục, Nguyễn Thế Vinh, Iarô - những sinh viên Việt Nam đầu tiên đến học tại Đại học Phương Đông. Năm 1926: Bùi Lâm, Ngô Đức Trì, Bùi Công Trừng, Trần Phú. Năm 1927: Trần Văn Tâm, Đặng Đình Thọ, Nguyễn Huy Bốn, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Trân. Năm 1928: Bùi Ái, Nguyễn Văn Định, Trần Đình Long, Nguyễn Thế Thạch, Nguyễn Khánh Toàn, Lê Hồng Phong, Bùi Văn Bốn. Năm 1929: Nguyễn Văn Diện, Nguyễn Văn Đán, Nguyễn Văn Phải, Dương Bạch Mai, Hà Huy Tập, Trần Ngọc Danh, Nguyễn Chí Dân, Bùi Văn Thư, Trần Văn Kiết3...
Ngày 25-6-1927, nhóm cộng sản của sinh viên Việt Nam tại Đại học Phương Đông được thành lập, do đồng chí Trần Phú làm Bí thư. Sau năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, có hàng chục đồng chí sang học tại Đại học Phương Đông, trong đó có Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Dựt, Hoàng Tú Hưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Phùng Chí Kiên. Thực tế cho thấy, Nguyễn Ái Quốc và Đảng rất chú trọng đào tạo cán bộ để trong Đảng có nhiều đồng chí có trình độ trí tuệ, lý luận cao.
2 . Trong thời kỳ 1930-1945, Đảng lãnh đạo cách mạng tư sản dân quyền đánh đổ đế quốc chủ nghĩa và chế độ phong kiến, hoàn thành giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc. Để hoàn thành mục tiêu đó, Đảng chủ trương đoàn kết mọi giai cấp, tầng lớp trong dân tộc, xây dựng lực lượng cách mạng mạnh mẽ. Cùng với lực lượng căn bản là công nhân, nông dân, Sách lược vắn tắt của Đảng (2-1930) nêu rõ: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức...”4. Nhiều trí thức đã hăng hái tham gia các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo, nhất là trong phong trào dân chủ 1936-1939 và cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945. Các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ đều đã từng học ở Quốc học Huế hoặc Trường Bưởi, Hà Nội hoặc Đại học Phương Đông. Trình độ trí tuệ của Đảng, của các nhà lãnh đạo ngày càng cao.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là tấm gương học tập, không ngừng nâng cao trình độ trí tuệ, lý luận. Năm 1936, Nguyễn Ái Quốc nhận công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Quốc tế Cộng sản. Cuối năm 1936, Nguyễn Ái Quốc trúng tuyển vào lớp nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử do Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa tổ chức. Người đã hoàn thành chương trình tối thiểu của nghiên cứu sinh và thi đạt kết quả tất cả các môn học, có môn đạt điểm xuất sắc5.
Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, nhiều nhà báo, nhà giáo hướng theo lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa cộng sản trở thành những chiến sĩ cách mạng “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ”. Đó là các đồng chí: Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều), Nguyễn Chí Diểu, Đặng Xuân Khu, Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy cùng nhiều đồng chí khác.
Các nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa hăng hái tham gia sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo. Tiêu biểu là: Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Đinh Nhu,... Phong trào đặc biệt sôi nổi khi Hội Văn hóa cứu quốc ra đời và Đảng công bố: Đề cương Về văn hóa Việt Nam (1943), nhấn mạnh vai trò của cách mạng văn hóa với ba nguyên tắc: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa. Cách mạng văn hóa gắn liền với độc lập của dân tộc và con đường cách mạng XHCN.
3 . Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, nước Việt Nam độc lập, xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đảng và Nhà nước cách mạng chú trọng vai trò của trí thức trong đời sống chính trị, xây dựng chính quyền và kiến thiết đất nước, tham gia sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân trong ngày Lễ độc lập 2-9-1945 gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong Chính phủ có 9 Bộ trưởng là các nhà trí thức nổi tiếng: Trần Huy Liệu, Dương Đức Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Tố, Vũ Trọng Khánh, Đào Trọng Kim, Lê Văn Hiến, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận6. Tiếp đó, Chính phủ lâm thời mở rộng (1-1-1946) với 18 thành viên, có các vị trí thức tham gia: Nguyễn Tường Long, Trương Đình Tri, Hoàng Tích Trí. Chính phủ chính thức do Quốc hội khóa I kỳ họp thứ nhất (2-3-1946) cử ra với 12 thành viên, trong đó các thành viên là trí thức gồm có: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Anh, Trương Đình Tri, Đặng Thai Mai, Vũ Đình Hòe, Trần Đăng Khoa, Bồ Xuân Luật. Chính phủ kháng chiến (3-11-1946) do Quốc hội kỳ họp thứ 2 cử ra gồm 14 thành viên trong đó có các vị trí thức: Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đăng Khoa, Hoàng Tích Trí, Vũ Đình Hòe, Ngô Tấn Nhơn, Nguyễn Văn Tố, Bồ Xuân Luật. Nhiều trí thức được bầu vào Quốc hội khóa I (6-1-1946). Cụ Nguyễn Văn Tố và sau đó là cụ Bùi Bằng Đoàn, những nhân sĩ, trí thức có uy tín, được Quốc hội bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội). Các ủy viên Ban Thường trực Quốc hội là Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Văn Luyện, Cung Đình Quỳ, Trần Văn Cung, Dương Văn Dư, Lê Tư Lành, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Thị Thục Viên. Các bậc nhân sĩ, trí thức tham gia tích cực, có trách nhiệm trong Quốc hội, Chính phủ đoàn kết dân tộc.
Ngày 31-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 78/SL thành lập Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết trực thuộc Chính phủ có 40 thành viên, gồm các trí thức, nhân sĩ, bộ trưởng tư vấn giúp Chính phủ xây dựng kế hoạch kiến thiết đất nước. Tháng 1-1946 bổ sung thêm 10 thành viên của Ủy ban7. Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đoàn kết và phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức trong kháng chiến và kiến quốc. Hồ Chí Minh vận động các trí thức người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài về nước phục vụ nhân dân, Tổ quốc, tiêu biểu như Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước,...
Hồ Chí Minh coi trọng việc học hành, phát triển nền giáo dục mới để đào tạo học sinh thành trí thức. Người nêu rõ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”8. Người coi trọng tìm kiếm người tài để giúp nước. Trên báo Cứu quốc, số 91, ngày 14-11-1945, Hồ Chí Minh có bài “Nhân tài và kiến quốc”. Người cho rằng: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”9. Ngày 20-11-1946, trên báo Cứu quốc, số 411, Hồ Chí Minh có bài “Tìm người tài đức”. Người nêu rõ: “trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”10. Hồ Chí Minh coi trọng tìm người tài đức trong nhân dân, dân tộc, đồng thời lựa chọn, bồi dưỡng những nhân tài trong Đảng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các bậc nhân sĩ, trí thức đã từng hoạt động tích cực ở thời kỳ trước, đã tham gia Chính phủ, Quốc hội đều hăng hái tham gia kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các nhà khoa học đã hăng hái phục vụ kháng chiến, có cống hiến lớn cho kháng chiến như Trần Đại Nghĩa, các bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Trần Hữu Tước, Vũ Đình Tụng, Đặng Văn Ngữ. Các văn nghệ sĩ thực sự là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, tiêu biểu là Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Thương, Phan Huỳnh Điểu, Tạ Thanh Sơn, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Vũ Cao, Tô Ngọc Vân, Hoàng Vân và nhiều tấm gương khác.
4 . Thời kỳ miền Bắc xây dựng CNXH, các nhà trí thức nổi tiếng tiếp tục đóng góp lớn trong đời sống chính trị và kinh tế - xã hội của đất nước. Trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ tháng 9-1955 có các vị: Phan Kế Toại, Nguyễn Văn Huyên, Lê Văn Hiến, Trần Đăng Khoa, Phan Anh, Hoàng Tích Trí, Vũ Đình Hòe, Hoàng Minh Giám, Vũ Đình Tụng, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, Phạm Ngọc Thạch. Nhiều trí thức tiếp tục được bầu vào Quốc hội khóa II (1960), khóa III (1964), khóa IV (1971) và khóa V (1975). Điều cần nhấn mạnh là quan điểm của Đảng về liên minh công nhân, nông dân, trí thức được đề cao. Đảng và Nhà nước mở mang, phát triển nền giáo dục mới cả phổ thông và đại học. Hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học có uy tín của miền Bắc và tốt nghiệp đại học từ Liên Xô và các nước XHCN, hình thành đội ngũ trí thức XHCN đông đảo, có chất lượng trong tất cả các lĩnh vực khoa học và các ngành kinh tế - kỹ thuật. Trong số đó có nhiều trí thức được cử chi viện chiến trường miền Nam, tiêu biểu như Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Thùy Trâm và nhiều người khác.
Trên chiến trường miền Nam, năm 1960, thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đoàn kết mọi giai cấp, tầng lớp, cá nhân yêu nước đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lực lượng cơ bản của cách mạng là liên minh công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lãnh đạo Mặt trận là những trí thức, nhân sĩ có uy tín lớn trong dân tộc. Đó là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Kiến Trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Bác sĩ Phùng Văn Cung. Tham gia Ủy ban Trung ương của Mặt trận còn có nhiều nhân sĩ, trí thức uy tín khác. Năm 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình ra đời, do Luật sư Trịnh Đình Thảo lãnh đạo cùng các nhân sĩ, trí thức. Tháng 6-1969, thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Chính phủ. Thực tiễn cách mạng miền Nam cho thấy vai trò và cống hiến to lớn của các bậc nhân sĩ, trí thức trên cương vị lãnh đạo các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao. Phong trào học sinh, sinh viên diễn ra sôi nổi, phong phú, sáng tạo tại Sài Gòn và các đô thị miền Nam, kể cả phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” tỏ rõ tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình, thống nhất quốc gia, đồng thời biểu thị sức mạnh của văn minh, trí tuệ chống lại cái đen tối, bạo tàn.
Sau ngày đất nước thống nhất 30-4-1975, cả nước xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ trí thức của cả nước tích cực hoạt động vì đất nước. Cùng với đội ngũ trí thức XHCN miền Bắc vào Nam công tác, có một bộ phận trí thức của chế độ cũ không ra nước ngoài, ở lại tham gia xây dựng đất nước. Quy mô đào tạo trí thức của các trường đại học phát triển trên cả nước. Những năm đầu thập niên 80 thế kỷ XX, theo chỉ đạo của Chính phủ, các trường đại học chú trọng đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ), việc phong học hàm Phó Giáo sư, Giáo sư được thực hiện có kế hoạch.
5 . Từ Đại hội VI (12-1986) đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Suốt 38 năm qua, Đảng lãnh đạo chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển kinh tế tri thức, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, coi chiến lược giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hoàn thiện hệ thống chính trị XHCN; mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong sự đổi mới sâu sắc đó đặt ra yêu cầu phải xây dựng đội ngũ trí thức có tài năng và trách nhiệm bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Ngày 6-8-2008, HNTƯ 7 khóa X ban hành Nghị quyết “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trung ương Đảng nêu rõ: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”11. Trung ương nhấn mạnh: Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân, nông dân và phần lớn trưởng thành trong xã hội mới. Trong sự nghiệp đổi mới, cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng, góp phần trực tiếp cùng toàn dân đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, từng bước xóa đói, giảm nghèo, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đội ngũ trí thức đã đóng góp tích cực vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước, giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới.
Những trí thức tên tuổi cũng đồng thời là những nhà lãnh đạo có uy tín lớn trong quá trình đổi mới. Giáo sư Nguyễn Đức Bình, Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Quý, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ, Giáo sư Lê Xuân Tùng, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Giáo sư, tiến sĩ Trần Đại Quang, Giáo sư, tiến sĩ Vương Đình Huệ, Giáo sư, tiến sĩ Tô Lâm, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng cùng nhiều đồng chí khác.
Hội nghị Trung ương Đảng 8 (10-2023) khóa XIII đã ban hành nghị quyết mới về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới, nhấn mạnh việc xây dựng đội ngũ trí thức có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước theo mục tiêu chiến lược đến năm 2030 và 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra vì một Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc. Hoàn thiện chính sách phát huy vai trò, cống hiến của đội ngũ trí thức ngang tầm nhiệm vụ của thời đại mới với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0. Đội ngũ trí thức với trách nhiệm trước đất nước, dân tộc thật sự là lực lượng to lớn, động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Trí thức Việt Nam đóng góp to lớn cho tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng CNXH, đổi mới đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Bài học rút ra là: Dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào, Đảng cũng cần có chính sách đúng đắn, đoàn kết và phát huy cao nhất cống hiến và trách nhiệm của trí thức đối với sự nghiệp cách mạng, củng cố vững chắc liên minh công nhân, nông dân, trí thức. Khi Đảng cầm quyền, Đảng và Nhà nước chủ động, chăm lo đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức đủ về số lượng và có chất lượng ngày càng cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước. Đội ngũ trí thức và mỗi cá nhân tự hào, tự tôn, đề cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, đất nước và dân tộc, nêu gương về trí tuệ, đạo đức của bậc hiền tài của đất nước.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in), số 3/2024
1, 3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2013, T. I, tr. 125, 132-133.
2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 2, tr. 280
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, T. 2, tr. 4
5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh Tiểu sử, Nxb Lý luận chính trị, H, 2006, tr. 249
6, 7. Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam: Lịch sử Chính phủ Việt Nam tập 1 (1945-1955), Nxb CTQG, H, 2006, tr. 39-40, 69
8. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 8, tr. 2
9, 10. Sđd, T. 4, tr. 114, 504
11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H, 2008, tr. 81-82.
PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, ThS NGUYỄN THỊ THANH HÀ
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh