Việt Nam và Trung Quốc, hai nước có nhiều mối tương đồng về địa lý, lịch sử. Hiện nay, Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Tuy quan hệ hai nước Việt - Trung có bước thăng trầm, song nhìn đại cục hữu nghị, hợp tác vẫn là chủ đạo; nhân dân hai nước luôn ghi nhận công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền móng xây dựng tình đoàn kết Việt - Trung. 

1. Năm 1917, từ Anh, Nguyễn Ái Quốc trở lại Pháp. Người hoạt động trong phong trào công nhân Pháp, tham gia Đảng Xã hội Pháp và tháng 12-1920, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp1.

Mùa Hè năm 1922, Nguyễn Ái Quốc làm quen sau đó kết thân với các thanh niên Trung Quốc đang học tập và làm việc tại Pháp. Tháng 6-2023, Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp để đến nước Nga. Tại Nga, tháng 10-1923, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân và được Đại hội bầu là Ủy viên Đoàn Chủ  tịch Hội đồng Quốc tế Nông dân.

Đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc học cùng Trường Đại học Phương Đông với Trương Thái Lôi, một cán bộ trẻ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đang công tác tại Liên Xô. Hai người là bạn thân và sau cùng làm việc ở Phòng Biên tập Tạp chí Quốc tế Nông dân.

Tháng 10-1924, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Không được đụng đến Trung Quốc” đăng báo Le Paria số 30. Viết sách Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc, in tại Mátxcơva năm 1925.

Ngày 12-11-1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, Trung Quốc. Nhiệm vụ công khai của Người là làm phiên dịch trong phái đoàn cố vấn Chính phủ Liên Xô cho Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Tôn Dật Tiên do Bôrôdin dẫn đầu. Nhưng thực tế Người về đây với một nhiệm vụ rất lớn đó là chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức, xúc tiến mọi việc để chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 12-11-1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, Trung Quốc làm phiên dịch trong phái đoàn cố vấn Chính phủ Liên Xô cho Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Tôn Dật Tiên do Bôrôdin dẫn đầu. Tại đây, Người đã tích cực tập hợp những người Việt Nam yêu nước, chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức, xúc tiến mọi việc để chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc với những thanh niên hăng hái nhất trong tổ chức Tâm Tâm xã. Sau đó, Người thành lập một tổ chức có tính chất quần chúng rộng hơn nhằm tập hợp những thanh niên yêu nước trong và ngoài nước, đó là Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (6-1925).

Cùng với việc tổ chức Hội, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện chính trị để chuẩn bị xây dựng một đội ngũ cán bộ làm nòng cốt cho việc tuyên truyền những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về trong nước. Lớp học chính thức khai mạc cuối năm 1925 tại nhà số 13 và 13/1 (nay là nhà số 248-250), đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc. Từ đầu năm 1926 đến tháng 4-1927, Nguyễn Ái Quốc đã mở được ba khóa huấn luyện cho khoảng 75 người2. Người trực tiếp phụ trách và là giảng viên chính. Một số đồng chí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Liêu Trọng Khải, Chu Ân Lai cũng được mời đến giảng bài. Chương trình học tập bao gồm cả lý thuyết lẫn thực hành. Thông qua huấn luyện, các học viên được trang bị những vấn đề sơ giản về chủ nghĩa Mác - Lênin, về những nguyên tắc hoạt động bí mật và kỹ năng thực hành các công tác vận động quần chúng... Tuyệt đại bộ phận học viên học xong đều trở về nước và về Xiêm hoạt động. Họ đã trở thành những người tuyên truyền, tổ chức các tổ chức cách mạng trong nước và trong Việt kiều ở Xiêm.

Cùng với việc đào tạo đội ngũ cán bộ, Nguyễn Ái Quốc chủ trương xuất bản sách và báo chí làm phương tiện tuyên truyền. Báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo, đồng thời là cây bút chủ chốt (số đầu tiên ra ngày 21-6-1925). Tiếp theo tờ Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí của mình còn xuất bản 3 tờ báo định kỳ khác là: báo Công nông (từ tháng 12-1926 đến đầu năm 1928), bán nguyệt san Lính cách mệnh (từ đầu năm 1927 đến đầu năm 1928) và Việt Nam tiền phong cho những đối tượng hẹp hơn.

Cùng với việc xuất bản báo, Nguyễn Ái Quốc còn dành thời gian chuẩn bị nội dung những bài giảng cho các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Quảng Châu, Trung Quốc trong những năm 1925-1927. Những bài giảng này đã được Bộ Tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông tập hợp lại, in thành cuốn Đường Kách mệnh xuất bản đầu năm 1927 để làm tài liệu học tập và tuyên truyền.

Với tư cách cán bộ Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, còn có một nhiệm vụ đặc biệt nữa do Quốc tế Cộng sản giao: ngày 13-8-1925, Nguyễn Ái Quốc được phân công phụ trách phong trào nông dân Trung Quốc, Đài Loan, Miến Điện, Xiêm, Philippin, Đông Dương3

Với tầm nhìn chiến lược và với vai trò cán bộ Ban Phương Đông, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn những thanh niên ưu tú Việt Nam có khả năng, cử đi học Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô), Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Người cùng các đồng chí của mình ở Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Miến Điện thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức vào ngày 9-7-1925. Với cách mạng Trung Quốc, Người không chỉ bày tỏ sự quan tâm ủng hộ mà còn tham gia trực tiếp như một chiến sĩ quốc tế nồng nhiệt: Người tham gia Hội nghị đầu tiên của đại biểu nông dân Quảng Đông, Hội nghị lần thứ hai của đại biểu giai cấp công nhân Trung Quốc… Sau cuộc đảo chính phản cách mạng của Tưởng Giới Thạch tháng 4-1927, không thể tiếp tục ở lại Quảng Châu,  Nguyễn Ái Quốc trở về Liên Xô tháng 5-1927.

Nguyễn Ái Quốc có quan hệ tốt với bà Tống Khánh Linh, phu nhân Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Tôn Trung Sơn. Nguyễn Ái Quốc đã gặp bà Tống Khánh Linh từ khi ở Pháp. Nguyễn Ái Quốc từng ca ngợi Học thuyết Tam Dân của Tôn Trung Sơn: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”4.

2. Đầu năm 1930, tại Cửu Long, Hồng Kông (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản đã triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản. Hội nghị đã nhất trí hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 10-1930, Nguyễn Ái Quốc dự Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Hồng Kông. Nhiêu Vệ Hoa, đại diện Tỉnh ủy Quảng Đông Đảng Cộng sản Trung Quốc, dự và phát biểu chào mừng Hội nghị.

Ngày 6-6-1931, nhà cầm quyền Hồng Kông bắt giam trái phép Nguyễn Ái Quốc (lúc này mang tên Tống Văn SơVụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông kéo dài một năm rưỡi, đến hết năm 1932, họ phải trả tự do cho Người. Tháng 7-1934, Nguyễn Ái Quốc được các đồng chí và bạn bè thân thiết như Paul Vaillant Couturier (Pôn Vâyăng Cutuyarie), Tống Khánh Linh, Hrold  Robert  Isaacs (H.R. Isaacs)… bố trí đưa trở lại Liên Xô.

Năm 1935, Đại hội I Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Ma Cao. Nguyễn Ái Quốc không tham dự, Người lúc này đang ở Mátxcơva.

Tháng 10-1938, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô đến Trung Quốc qua đường Urumsi, Tân Cương. Từ năm 1938 đến năm 1941, Người hoạt động ở Thiểm Tây, Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam, Quảng TâyCuối năm 1938, trong vai Thiếu tá Bát lộ quân, Bí thư chi bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, bí danh Hồ Quang, Người làm việc trong Văn phòng Bát lộ quân ở Quế Lâm, Quảng Tây. Trong cuốn Vừa đi đường, vừa kể chuyện có nêu: “Bác được bầu là Bí thư chi bộ, kiêm việc nghe đài phát thanh lấy tin tức quốc tế làm tài liệu huấn luyện thời sự cho đơn vị. Cả hai công việc đều mới lạ, nhưng cũng đều thú vị. Trong chi bộ thì tướng có, binh có; trai có, gái có; tiếng nói đông, tây, nam, bắc đều có. Trong đơn vị có chiến sĩ cũ, có chiến sĩ mới, có một số không phải đảng viên, chi bộ đều phải săn sóc họ. Việc thì việc lớn, việc nhỏ, từ việc ăn uống, học tập giải trí, k luật cho đến việc riêng của mọi người đều tìm đến bí thư. Bác và hai đồng chí phó bí thư (phụ nữ), làm việc suốt ngày…”5. Tháng 6-1939, Người đến Hoành Sơn, Hồ Nam huấn luyện du kích ở Nam Nhạc, cùng Diệp Kiếm Anh. Tháng 9-1939, Nguyễn Ái Quốc về Long Châu, Quảng Tây bắt liên lạc với Đảng Cộng sản Đông Dương nhưng không được, Người trở về Quế Lâm. Năm 1940, Nguyễn Ái Quốc ở Côn Minh, Vân Nam, làm việc với Ban Hải ngoại Đảng Cộng sản Đông Dương, Người định về nước theo đường Lào Cai nhưng không được. Cũng năm 1940, Nguyễn Ái Quốc đến Trùng Khánh gặp Chu Ân Lai trao đổi thời cuộc. Tháng 1-1941, Người cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng… mở lớp huấn luyện cho 40 cán bộ Việt Nam từ Cao Bằng sang Nậm Quang, Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc.

Ngày 28-1-1941 (mùng 2 Tết Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc qua mốc 108 trên biên giới Việt - Trung trở về Tổ quốc, hoạt động ở Cao Bằng

Những ngày ở PáBó, Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc thường qua lại Tĩnh Tây, Long Châu, Na Pha… thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Người kết nghĩa anh em với những nông dân Trung Quốc, là cơ sở hoạt động của Người ở vùng biên giới: Trương Đình Duy, Lâm Bích Phong, Nông Hữu Phong, Từ Vĩ Tam, Dương Tích Cơ…

Ngày 13-8-1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, Người sang Trung Quốc với tư cách là đại biểu của phong trào Việt Minh và đại diện của phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội quốc tế chống xâm lược, nhằm liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc và lực lượng quân Đồng minh chống Nhật. Người ăn Tết Trung Nguyên (rằm tháng 7) ở nhà Từ Vĩ Tam ở Pà Mông, Tĩnh Tây. Một thanh niên người địa phương tên là Dương Đào xung phong đưa đường. Ngày 27-8-1942, khi đến Phố Túc Vinh, Thiên Bảo, Quảng Tây, Trung Quốc, Hồ Chí Minh bị nhà cầm quyền Trung Quốc (Trung Hoa Dân quốc) bắt với lý do giấy tờ tùy thân đã quá hạn sử dụng. Người bị giam giữ hơn một năm, bị giải qua hơn 30 nhà lao của 13 huyệntỉnh Quảng Tây. Trong những ngày tháng bị giam cầm ở những nhà tù với điều kiện vô cùng khổ cực, bệnh tật, Hồ Chí Minh đã viết 133 bài thơ bằng chữ Hán theo thể thất tuyệt, thất luật, ngũ ngôn và tạp thể, chép trên một loại giấy bản, đóng thành quyển bên ngoài ghi bốn chữ Ngục trung nhật ký. Trong đó có nhắc đến Dương Đào (Bài 117 - Dương Đào ốm nặng):

“Sóng dậy đất bằng hỏi cớ sao,
Đẩy anh vào ngục, anh Dương Đào;

Cháy thành lây vạ, buồn khôn xiết,

                                            Nay lại thương anh mắc chứng lao”6.                                                 

Ngày 10-9-1943, Hồ Chí Minh được trả tự do nhưng vẫn bị quản chế. Cuối tháng 10-1943, theo yêu cầu của Trương Phát Khuê, Tư lệnh Đệ tứ chiến khu của Quốc dân Đảng Trung Quốc, Hồ Chí Minh tham gia một số hoạt động của Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội, tổ chức do Trương Phát Khuê lập ra. Do tranh thủ được sự đồng tình của Trương Phát Khuê, ngày 9-8-1944, Hồ Chí Minh rời Liễu  Châu và cuối tháng 9-1944, Người về đến Cao Bằng.  

3. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lấy cớ giải giáp gần 6 vạn quân Nhật, 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc Việt Nam, với âm mưu thâm độc “Diệt Cộng, cầm Hồ”. Đối với quân Trung Hoa Dân quốc và bè lũ tay sai, bằng những kinh nghiệm của nhà hoạt động chính trị lão luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cách ứng xử mềm mỏng, phân hóa tối đa hàng ngũ kẻ thù. Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 đã buộc toàn bộ 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc rút hết về nước.

Đầu năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương đã tiếp các phái viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc sang Việt Bắc trao đổi tình hình và bàn bạc phối hợp chiến đấu ở vùng biên giới. Từ tháng 6 đến tháng 10-1949, theo đề nghị của Trung Quốc, Việt Nam đã cử một số đơn vị quân đội phối hợp với bạn mở Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn tiến công tàn quân Trung Hoa Dân quốc ở vùng biên giới Trung Quốc, giáp với Việt Nam, mở rộng vùng giải phóng của bạn ở Ung Châu và Thập Vạn Đại Sơn. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ quân đội Việt Nam đã hy sinh trong chiến dịch này và nằm lại đất Trung Quốc.

Sau khi cách mạng Trung Quốc thắng lợi, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời ngày 1-10-1949 đã tạo ra một bước ngoặt trong tình hình châu Á và thế giới, làm thay đổi cán cân lực lượng giữa hai phe TBCN và XHCN, tác động trực tiếp đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam.

Ngày 14-1-1950, Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với các nước tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam. Đích thân Mao Trạch Đông thảo điện và tuyên bố hưởng ứng (lúc đó Mao Trạch Đông đang ở Nga). Ngày 18-1, Trung Quốc công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam; ngày 30-1, Liên Xô công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong tháng 1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc, Liên Xô.

Trước khi mở Chiến dịch Biên giới năm 1950, Trung Quốc đã đồng ý để 2 đại đoàn (2 sư đoàn) quân đội Việt Nam sang Vân Nam và Quảng Tây huấn luyện và trang bị vũ khí.

Mùa Đông năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Tây Giao, Bắc Kinh, nhân chuyến Người bí mật đi Liên Xô dự Đại hội XIX Đảng Cộng sản Liên Xô.

Năm 1954, khi Việt Nam mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc đã viện trợ pháo 105 li, đạn, lương thực, cử cố vấn giúp đỡ. “Trung Quốc đã viện trợ 1.700 tấn gạo, bằng 6,8% tổng số gạo huy động cho chiến dịch, chi viện 3.600 viên đạn pháo 105 mm (đó là cơ số đạn đi theo 24 khẩu pháo viện trợ đưa về Việt Nam từ cuối năm 1953), chiếm 18% tổng số đạn pháo sử dụng, sau chuyển thêm cho Quân đội nhân dân Việt Nam 7.400 viên đạn 105 mm, mặc dù đạn pháo 105 mm của Trung Quốc đã trở nên khan hiếm sau chiến tranh Triều Tiên (tuy nhiên, vì điều kiện vận chuyển khó khăn, đến tháng 5-1954, 7.400 viên đạn này mới tới nơi khi trận đánh đã kết thúc)”7.

Từ ngày 3 đến ngày 5-7-1954, tại Liễu Châu, Quảng Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai về tình hình và phương án đấu tranh tại Hội nghị Genève

4. Sau năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tiếp có các chuyến thăm đến Trung Quốc. Từ ngày 22-6 đến ngày 22-7-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi thăm chính thức Liên Xô, Trung Quốc và Mông Cổ. Người đã có thời gian lưu lại lâu nhất tại Trung Quốc từ ngày 22-6 đến ngày 8-7-1955. Phát biểu tại Bắc Kinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ chính sách ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hòa bình. Chúng tôi tin chắc rằng sự hợp tác đó sẽ có lợi cho cả đôi bên và có lợi chung cho công cuộc hòa bình toàn thế giới”8. Trong chuyến thăm này, Người cũng gặp lại bà Tống Khánh Linh, lúc này là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Trong các năm từ 1957 đến 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc dưới nhiều hình thức (tháng 7-1957, tháng 2-1958, tháng 2-1959, tháng 8-1959, tháng 10-1959, tháng 5-1960, tháng 10-1960, tháng 5-1961, tháng 5-1962, tháng 9-1963).

Năm 1966, ở Trung Quốc diễn ra Cách mạng Văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thực hiện chủ trương “cách mạng văn hóa là vấn đề nội bộ Trung Quốc”. Từ Trung Quốc, Người gửi thư cho Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam:

“Trông người lại ngẫm đến ta,

Đường lối Đảng mình phải do Đảng vạch ra”9.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không tỏ thái độ ủng hộ hay phản đối, nhưng khi được Chủ tịch Mao Trạch Đông gợi ý thực hiện cách mạng văn hóa ở Việt Nam, Người đã nhã nhặn, khéo léo từ chối: “Việt Nam trước mắt không thể làm đại cách mạng văn hoá, chúng tôi còn làm đại cách mạng võ hoá đã”. Mao Chủ tịch tán thành: “Đúng vậy, Việt Nam không thể làm đại cách mạng văn hoá được”10.

Từ tháng 5-1965 đến năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần sang nghỉ và chữa bệnh ở Trung Quốc.

Trong khi Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hai nước Trung Quốc, Liên Xô có lúc xung đột gay gắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn giữ vững độc lập, tự chủ, vừa đồng thời tranh thủ tối đa sự viện trợ của cả hai nước cho công cuộc kháng chiến. Tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các nước XHCN, mà chủ yếu là Liên Xô, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổng khối lượng hàng hóa là 2.362.581 tấn; khối lượng hàng hóa quân sự trên quy đổi thành tiền là 7 tỷ rúp11 (tương đương 6,8 tỷ USD), trong đó khoảng một nửa là viện trợ quân sự, còn một nửa là viện trợ kinh tế.

5. Chủ tịch Hồ Chí Minh có mối quan hệ hết sức thân tình với các nhà lãnh đạo Trung Quốc; có thể kể một số nhân vật tiêu biểu sau:

Với Chủ tịch Mao Trạch ĐôngMao Trạch Đông kém Chủ tịch Hồ Chí Minh 3 tuổi. Dù đứng đầu một nước lớn, nhưng Mao Trạch Đông luôn bày tỏ sự kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm 1950-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã có những lần gặp gỡ, nhiều lần trao đổi điện, thư về những vấn đề đại sự của quốc gia, quốc tế, thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 đảng, 2 quốc gia, dân tộc.

Với Thủ tướng Chu Ân LaiChủ tịch Hồ Chí Minh quen biết Chu Ân Lai từ Pháp. Tháng 11-1956, Thủ tướng Chu Ân Lai sang thăm Việt Nam. Trong lời chào mừng các vị khách quý dự tiệc chiêu đãi cấp nhà nước, với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Với tôi, đồng chí Chu Ân Lai là người anh em của tôi. Chúng tôi đã từng cùng nhau đồng cam cộng khổ, cùng nhau làm công tác cách mạng. Anh ấy là người bạn chiến đấu thân mật của tôi trên ba mươi năm qua!”. Tiếp lời, Thủ tướng Chu Ân Lai cũng nói: “Hồ Chủ tịch vừa nhắc đến cá nhân tôi trên ba mươi năm trước đã quen thân anh, đúng thế! Ba mươi tư năm trước, tại Pa-ri, tôi đã quen thân Hồ Chủ tịch. Anh là người dẫn đường của tôi. Khi ấy, anh đã là một người Mác-xít thành thục, mà tôi khi ấy mới vừa tham gia Đảng Cộng sản. Hồ Chủ tịch là anh cả của tôi!”12. Lúc ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đứng lên nói với mọi người có mặt: “Câu nói vừa rồi của đồng chí Chu Ân Lai, các đồng chí nghe biết là được rồi, không nên nói lại với những người khác. Mọi người đều biết, đồng chí Chu Ân Lai là nhà lãnh đạo của một Đảng lớn và một nước lớn dân số nhiều nhất trên thế giới!”. Vì thế, báo chí Việt Nam không đưa tin viết bài kỹ câu chuyện này. Đến ngày 14-5-1960, Nhân Dân nhật báo Trung Quốc mới tiết lộ tình tiết này.

Cuối tháng 8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh ốm nặng, Thủ tướng Chu Ân Lai tự tay lựa chọn Tổ y tế đặc biệt để đề nghị với Đảng, Chính phủ Việt Nam cho đưa sang Việt Nam chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổ y tế do Trương Đức Duy làm Bí thư chi bộ (Năm 1988, Trương Đức Duy là Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam).

Khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, ngày 4-9-1969, Chu Ân Lai cùng Diệp Kiếm Anh, Vi Quốc Thanh là đoàn nước ngoài đầu tiên đến Hà Nội viếng Người.
Với Chủ tịch Lưu Thiếu KỳNgày 10-5-1963, Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ thăm Việt Nam. Trong diễn văn chào mừng, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ niềm phấn khởi của nhân dân Việt Nam từ lâu đã mong đợi sự kiện này:

Đến bây giờ mới thấy đây,

Mà lòng đã chắc những ngày một hai.

và khẳng định:

Mối tình thắm thiết Việt - Hoa,

Vừa là đồng chí vừa là anh em13.

Trong buổi lễ tiễn Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ về nước ngày 16-5-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói ngắn gọn, bịn rịn chia tay bằng bốn câu thơ:

Tiễn đưa, chẳng muốn chia tay,

Bạn về cố quốc nước mây nghìn trùng.

Cầm tay, lòng lại dặn lòng:

Cùng nhau giương ngọn cờ hồng Mác - 14.

Hiện nayTrung Quốc đang gìn giữ rất tốt Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 248 Đường Văn Minh, Quảng Châu và Di tích nơi ở cũ của Người ở Liễu Châu. Hai di tích này đã được xếp hạng cấp quốc gia. Các huyện biên giới Việt - Trung như Tĩnh Tây, Long Châu, Nà Pha… đều có các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đều được bảo quản, tôn tạo trang trọng. 

Ngày gửi: 1-1-2025; Ngày thẩm định, đánh giá: 12-3-2025; Ngày duyệt đăng:22-4-2025

1. Tài liệu trong bài viết này được lấy từ Hồ Chí Minh Toàn tậpHồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử của Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh Tiểu sử của nhóm tác giả Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tất cả đều do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành

2. Xem: Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 2, tr. 261

3, 8, 12. Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Lưu trữ và Văn thư nhà nước, Bảo tàng Hồ Chí Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb CTQG, H, 2015, tr. 62, 131, 141

4Trần Dân Tiên: Hồ Chí Minh truyện, tiếng Trung Quốc, Nxb Tam Liên, Thượng Hải, 1949 (Nguyễn Huy Hoan dịch, lưu kho tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)

5. T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb ST, H, 1963, tr. 59

6. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 3, tr. 434

7. Hồ Khang: “Trung Quốc, Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ”, https://nhandan.vn/trung-quoc-lien-xo-giup-do-viet-nam-trong-chien-dich-dien-bien-phu-post201897.html, ngày đăng: 3-5-2014

9. Lưu kho tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh

10. Xem: Lường Thị Lan: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam, Liên Xô và Trung Quốc”, https://www.bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/9787-chu-tich-ho-chi-minhvoi-quan-he-ngoai-giao-giua-viet-nam-lien-xo-va-trung-quoc.html, ngày đăng: 23-7-2020  

11. Xem: “Những nguồn chi viện lớn cho cách mạng Việt Nam”, https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-nguon-chi-vien-lon-cho-cach-mang-viet-nam-438219, ngày đăng: 3-5-2008

13, 14. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 14, tr. 82, 95.

TS CHU ĐỨC TÍNH

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh