A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao biên giới Đồng Văn ngày càng khởi sắc

CTTBTG - Đồng Văn là huyện vùng cao núi đá biên giới của tỉnh Hà Giang, những năm qua, huyện luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thông qua đó thực hiện các chính sách, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và người dân, đời sống của đồng bào ngày càng được nâng cao.

Ảnh: cánh đồng rau chuyên canh cho thu nhập ổn định tại thôn Lùng Lú, thị trấn Đồng Văn

Huyện Đồng Văn có 17 xã và 02 thị trấn với 225 thôn, tổ dân phố, trong đó có 111 thôn, tổ dân phố thuộc 9 xã, thị trấn biên giới. Toàn huyện có trên 17.000 hộ khoảng 86.900 khẩu, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 97,15%, hộ nghèo là 11.371 hộ; hộ cận nghèo là 2.071 hộ. Xác định chăm lo, đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS là một trong những mục tiêu quan trọng, huyện Đồng Văn đã cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo và phát huy hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trọng tâm là tổ chức thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu Quốc gia như: phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng NTM. Để thực hiện hiệu quả các chương trình này, huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân bằng nhiều hình thức như trực quan, tin bài, phóng sự, lắp đặt các trạm phát thanh không dây, mạng Internet… để nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS. Bên cạnh đó huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc theo hướng bám sát cơ sở và “cầm tay chỉ việc”; thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc từ huyện đến cơ sở để thực. Các ngành chức năng và các xã, thị trấn tăng cường triển khai tổ chức các lớp tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi gắn với chương trình khuyến nông vùng đồng bào DTTS.

Ảnh: Lãnh đạo huyện Đồng Văn thăm mô hình bò vỗ béo tại xã Hố Quáng Phìn

Từ năm 2015 đến nay, huyện đã hỗ trợ thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án như sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục cho 3.056 hộ, kinh phí trên 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó tập trung hỗ trợ cây, con giống chuyển giao áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và vận động đồng bào DTTS chuyển đổi diện tích ngô kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Chỉ tính riêng trong năm 2022 huyện đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất xấu từ trồng ngô một vụ sang trồng sâm khoai được 12ha tại xã Tả Lủng, Sảng Tủng, thị trấn Đồng Văn… Duy trì và nhân rộng vùng rau chuyên canh với 70 ha tại các xã Sảng Tủng, Phố Cáo, thị trấn Đồng Văn; trồng cây Tam giác mạch với 250ha, cây lê tập trung 14ha, cây mận 29ha… thực hiện hỗ trợ trên 13.500 giống cây mận, 2.550 giống cây hồng trồng tập trung gắn với phát triển du lịch nông nghiệp ở địa phương, hỗ trợ thụ tinh nhân tạo bò, lợn; tích cực triển khai hiệu quả cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững. Qua đó nâng giá trị thu hoạch đất canh tác cây hàng năm đạt trên 38 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó huyện còn chú trọng việc triển khai thực hiện liên kết sản xuất, gắn với phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh các hoạt động liên kết tiêu thụ hàng hóa nông sản, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS.

Ảnh: xã Sà Phìn hỗ trợ bà con cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích ngô kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao

Từ các chương trình, chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS và phong trào phát triển sản xuất đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến như Hộ gia đình Ông Giàng Sò Lử, thôn Xín Mần Kha, xã Lũng Cú, nuôi 8 con lợn, 12 con dê, 7 con bò thu nhập trên 70 triệu đồng/hộ/năm; Sùng Sính Vư, thôn Thành Ma Tủng, xã Sà Phìn, nuôi ong lấy mật quy mô 350 tổ, bình quân cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm... Duy trì 78 hộ là đồng bào DTTS chăn nuôi quy mô gia trại, trong đó có 11 gia trại chăn nuôi bò có quy mô từ 15 con trở lên, 42 gia trại chăn nuôi lợn có quy mô từ 20 con trở lên, 06 gia trại chăn nuôi dê có quy mô từ 40 con, 16 gia trại chăn nuôi gia cầm quy mô từ 500 con trở lên…

Ảnh: Lãnh đạo huyện Đồng Văn tặng quà cho hộ nghèo tại xã Phố Cáo

Nhờ sự quan tâm và chăm lo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đồng Văn ngày càng khởi sắc. Qua đó góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị khu vực biên giới, thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. 

Bài, ảnh: Dương Ngọc Đức


Tác giả: Dương Ngọc Đức
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.670
Hôm qua : 3.691
Tháng 04 : 83.320
Năm 2024 : 271.660