A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số kết quả nổi bật về kinh tế đối ngoại giai đoạn 2015 – 2022 của tỉnh Hà Giang

CTTBTG - Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng; có đường biên giới dài hơn 277km, có 05 cửa khẩu, trong đó có 01 cửa khẩu quốc tế tiếp giáp với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Trong nội địa, phía đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía tây giáp tỉnh Lào Cai và Yên Bái, phía nam giáp tỉnh Tuyên Quang.

Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế, hội nhập quốc tế, Hà Giang xác định phát triển kinh tế đối ngoại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là động lực để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tái cơ cấu một số ngành kinh tế của địa phương, như thương mại dịch vụ, nông nghiệp, kinh tế cửa khẩu và du lịch... Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế đối ngoại trong tiến trình hội nhập quốc tế, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã chủ động quán triệt, cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế, ngoại giao kinh tế và kinh tế đối ngoại. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo như các chương trình hành động thực hiện Chỉ thị sô 41-CT/TW, ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

Chương trình gặp gỡ đầu xuân năm 2023 giữa Bí thư các tỉnh: Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Bí thư Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc (ảnh Duy Tuấn)

Đồng thời, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu về yêu cầu, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế đối ngoại, ngoại giao kinh tế, hội nhập quốc tế... tại địa phương. Thúc đẩy, mở rộng quan hệ đối ngoại, quan hệ hợp tác hữu nghị với Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, địa phương các nước, các hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, tài trợ nước ngoài; tăng cường thực hiện trao đổi đoàn vào - đoàn ra; triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận quốc tế đã ký kết; chủ động khâu nối, tích cực đàm phán, ký kết các thỏa thuận quốc tế mới, trong đó tập trung kết nối, thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng; chủ động gắn kết chặt chẽ giữa công tác đối ngoại với hoạt động xúc tiến, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài... Duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành với các nhà đầu tư; tăng cường công tác hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào Hà Giang.

Kết quả, trong giai đoạn 2015 - 2022, tỉnh Hà Giang đã đón 620 đoàn khách quốc tế đến làm việc, tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội và xúc tiến các dự án hợp tác, đầu tư và tổ chức 690 đoàn lãnh đạo các cấp, các ngành đi công tác nước ngoài, tham gia các diễn đàn khu vực, quốc tế, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, thúc đẩy hợp tác với các địa phương của một số quốc gia, các tổ chức nước ngoài; ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với 03 địa phương các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippin và đẩy mạnh quan hệ hợp tác sẵn có với tỉnh Vân Nam, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Thực hiện ký kết 123 biên bản, thỏa thuận quốc tế với các đối tác nước ngoài, trong đó có 88 thỏa thuận, biên bản ký với các đối tác Trung Quốc (chiếm 71,5%), 35 thỏa thuận ký với các đối tác nước ngoài khác (chiếm 28,5%). Chủ trì tổ chức 64 hội nghị, hộ thảo quốc tế trong và ngoài nước. Đồng thời, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng như Hội nghị “Giới thiệu Hà Giang” với các đối tác nước ngoài; tham gia các hội nghị “Gặp gỡ Đại sứ”; tổ chức diễn đàn xúc tiến đầu tư năm 2015, hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, các hội nghị xúc tiến du lịch, thương mại trong và ngoài nước; tham gia chương trình xúc tiến đầu tư, du lịch tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Australia...

Du khách quốc tế chụp ảnh tại hẻm Tu Sản - địa danh được du khách yêu thích khi đến vùng cao nguyên đá Đồng Văn

Công tác ngoại giao kinh tế đã góp phần tích cực vào kết quả thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, các nguồn viện trợ nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển địa phương. Tỉnh đã vận động thu hút 17 chương trình, dự án ODA với tổng vốn 4.642,762 tỷ đồng; vận động, tiếp nhận 305 chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài, các khoản viện trợ không hoàn lại nước ngoài với tổng kinh phí ký cam kết là 703,8 tỷ đồng, giải ngân thực hiện là 599,3 tỷ đồng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 05 dự án FDI còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,04 triệu USD (tương đương 92,96 tỷ đồng). Giá trị và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa tăng dần qua các năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2015 - 2022 đạt 7.033 triệu USD. Lượng khách đến thăm quan, du lịch giai đoạn 2015 - 2022 đạt 9.855.760 lượt, trong đó có 1.136.420 lượt khách quốc tế (chiếm gần 12%), doanh thu từ du lịch, dịch vụ là 14.212 tỷ đồng. Riêng năm 2022, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, tổng khách du lịch đến Hà Giang đạt 2.268.000 lượt trong đó có 71.308 lượt khách quốc tế, tăng 2,5 lần so với năm 2021, doanh thu là 4.536 tỷ đồng.

Với những kết quả trên, công tác kinh tế đối ngoại giai đoạn 2015 - 2022 đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo nền tảng vững chắc cho tỉnh Hà Giang từng bước hội nhập sâu, rộng và có định hướng, có chiến lược trong thời gian tới.

Phạm Hải - VPTU


Tác giả: Phạm Hải
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.517
Hôm qua : 3.213
Tháng 03 : 80.533
Năm 2024 : 179.199