Khai giảng khoá tập huấn Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp
CTTBTG - Sáng 11/7, tại Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Giang, Trung tâm BVTV phía Bắc (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và PTNT) khai giảng khoá tập huấn Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp nhằm mục đích nâng cao cho giảng viên TOT-IPM (Quản lý dịch hại tổng hợp) lên TOT-IPHM (Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp).
Tham dự lễ Khai giảng có đồng chí Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đồng chí Vũ Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo các đơn vị: Trung tâm BVTV phía Bắc, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Giang và Tuyên Quang, phòng Bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật).
Đồng chí Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phát biểu khai mạc khoá tập huấn
IPHM (Integrated Plant Health Management) là Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, đây là hệ thống quản lý sức khỏe cây trồng trên cơ sở tổng hợp các yếu tố như: Đất khoẻ, cây khoẻ, đầu tư thông minh, bảo vệ môi trường sinh thái, giám sát đồng ruộng, nông dân chuyên nghiệp và có trách nhiệm. Mục đích của IPHM là canh tác cây trồng theo hướng nông nghiệp sinh thái, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Khóa tập huấn được tổ chức từ ngày 11/7/2023 đến ngày 20/7/2022 cho 30 học viên là cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện, thành phố. Đây là các học viên đã được được tập huấn và cấp chứng chỉ giảng viên IPM năm 2022. Thông qua khoá tập huấn, nhằm bổ sung kiến thức về quản lý sức khỏe cây trồng cho các giảng viên TOT-IPM để có đủ điều kiện trở thành các giảng viên TOT – IPHM, tạo nguồn giảng viên IPHM cho tỉnh để đào tạo, tổ chức các lớp huấn luyện nông dân về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM tại địa phương; đảm bảo sức khỏe cây trồng; giảm thiểu rủi ro về thuốc bảo vệ thực vật.
Trong thời gian tập huấn, các học viên sẽ được trao đổi, thảo luận, thực hành về 12 chuyên đề, gồm: Sức khoẻ đất và dinh dưỡng cho cây trồng (đất và phân bón), giống khoẻ (giống chất lượng và cây trồng khoẻ), nông nghiệp sinh thái (sinh thái nông nghiệp và bảo vệ môi trường), quản lý cỏ dại bền vững (lúa nước và cây trồng cạn), thuốc BVTV, phân bón, yêu cầu trong xuất khẩu nông sản Việt Nam (các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, xuất xứ, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói...), chuỗi liên kết sản xuất (sản xuất theo nhu cầu thị trường, liên kết sản xuất, hiệu quả kinh tế và môi trường), nông nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, kỹ năng truyền thông, maketing, biện pháp đấu tranh sinh học và biến đổi khí hậu.