A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tri ân Liệt sĩ hy sinh ở biên giới phía Bắc

Những ngày tháng 2/2023, chúng tôi lên thăm Hà Giang đứng lặng người trước các hàng bia mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên.

Hà Giang những ngày đầu năm mới, hàng đoàn người trên đường du xuân đã dừng chân tại Nghĩa trang Quốc gia Liệt sĩ Vị Xuyên. Mọi người qua đây đều làm lễ thắp hương, tưởng niệm, tri ân các Anh hùng Liệt sĩ - những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 44 năm về trước. 

Rạng sáng 17/2/1979 đạn pháo quân địch bắn xối xả vào Vị Xuyên cả ngày lẫn đêm, vô cùng ác liệt. Sau khi chịu thiệt hại nặng nề bởi sự kháng cự quyết liệt của quân và dân ta trên toàn tuyến biên giới, lúc này các quân đoàn chủ lực của Việt Nam từ các tỉnh Tây Nam cơ động lên biên giới phía Bắc, vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.

 

Đời đời ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ.

Nhưng Vị Xuyên vẫn là trận địa nóng bỏng, nhiều lúc không ngớt đạn pháo từ bên kia biên giới dội sang.

Mảnh đất Vị Xuyên, Hà Giang trở thành mặt trận trọng điểm, chiến trường khốc liệt bởi các cuộc tiến công dai dẳng cho tới gần 10 năm sau đó của quân xâm lược.

Ông Vương Trung Thực, cựu chiến binh Tiểu đoàn 5 Vị Xuyên nhớ lại: Ngày 17/2/1979, đạn pháo của quân địch dội vào toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam suốt chiều dài 1.200 km từ Pa Nậm Cúm - Lai Châu đến Pò Hèn - Quảng Ninh. Thời điểm đó, mảnh đất Vị Xuyên cũng hứng chịu những đợt pháo kích dữ dội từ bên kia biên giới. Đã có nhiều người dân Vị Xuyên chết bởi đạn pháo quân thù.

Nhắc lại thời điểm khốc liệt đó, Thượng úy Nguyễn Xuân Đệ, cựu chiến binh Sư đoàn 356, người tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại mặt trận nóng bỏng Vị Xuyên, hiện đang sống ở thành phố Hà Giang kể lại: "Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử". Lời thề ấy của liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Ninh, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 khắc ghi trên báng súng đã trở thành phương châm sống, chiến đấu của những người lính Vị Xuyên”.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, quân dân Việt Nam trên tuyến đầu biên giới đã đánh trả, làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của quân địch, buộc đối phương phải tung lực lượng dự bị chiến lược vào tham chiến. Với ưu thế quân đông, nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật, quân địch lần lượt chiếm được một số địa bàn, thị xã quan trọng ở Lào Cai (ngày 19/2), Cao Bằng (ngày 24/2), Cam Đường (ngày 25/2), Lạng Sơn (ngày 5/3)...

Trước tình hình cấp bách đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Việt Nam quyết định điều động lực lượng dự bị chiến lược kết hợp cùng lực lượng tại chỗ mở những đòn phản công quy mô lớn binh chủng hợp thành. Thực hiện chủ trương đó, đầu tháng 3/1979, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ra lệnh cho Quân đoàn 2 (cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia) nhanh chóng chuyển toàn bộ lực lượng về phía Bắc Hà Nội tập kết, đồng thời ra quyết định thành lập Quân đoàn 5 (ngày 2/3/1979) ngay tại mặt trận biên giới (gồm 4 sư đoàn bộ binh: 3, 338, 327, 337 cùng một số đơn vị kỹ thuật và bảo đảm khác).

Ngoài ra, các đơn vị chủ lực của Quân đoàn 1, Quân chủng Phòng không - Không quân và các binh chủng kỹ thuật khác sẵn sàng tham gia chiến đấu.

Để phát huy sức mạnh tổng hợp, ngày 4/3/1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi quân dân cả nước phát huy khí thế cách mạng, hăng hái thi đua lao động sản xuất, chi viện nhiều nhất cho tiền tuyến, quyết tâm giữ vững biên cương Tổ quốc.

Tiếp đó, ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước công bố Lệnh tổng động viên. Cả nước cùng đồng lòng hướng về mặt trận. Hàng triệu thanh niên nam, nữ viết đơn tình nguyện đi chiến đấu. Dự trữ vật chất hậu cần phục vụ chiến đấu do đó tăng lên nhanh chóng. Quyết tâm của Bộ Chỉ huy tối cao Việt Nam, đặc biệt là động thái chuẩn bị mở đòn phản công chiến lược đã tác động mạnh đến tương quan cục diện cuộc chiến, tạo niềm tin sắt đá cho nhân dân cả nước và bạn bè thế giới.

Các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng tiến bộ cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới tiếp tục lên án mạnh mẽ hành động chiến tranh phi nghĩa của kẻ thù và kêu gọi ủng hộ Việt Nam. Chịu tổn thất nặng nề mà chưa đạt được mục tiêu đề ra, lại bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ, ngày 5/3/1979 quân địch đã rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam. 

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 đã khẳng định sức mạnh, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trước những thử thách ngặt nghèo. Với truyền thống nhân nghĩa, lấy đại cục làm trọng, mong muốn củng cố hòa bình, khôi phục quan hệ hữu nghị giữa hai nước, Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam chỉ thị cho các lực lượng vũ trang và nhân dân trên mặt trận biên giới phía Bắc ngừng mọi hoạt động quân sự để quân địch rút về nước. Đến ngày 18/3/1979, quân địch đã rút quân khỏi Việt Nam.

Thắng lợi của quân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 được tạo nên từ nhiều nguyên nhân khác nhau: Đó là tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng vì độc lập, tự do và sự vẹn toàn lãnh thổ; sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bè bạn quốc tế; thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc được xây dựng, củng cố qua thời gian; là Quân đội nhân dân tinh nhuệ với đội ngũ tướng lĩnh tài ba đã được rèn luyện, thử thách qua các cuộc chiến tranh... 

Nhưng bao trùm lên tất cả chính là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh độc lập, tự chủ, đúng đắn của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Nghệ thuật ấy chính là sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật đánh giặc truyền thống của cha ông “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, “tránh thế ban mai, đánh lúc chiều tà”... và nghệ thuật chiến tranh hiện đại, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích, chiến tranh chính quy.

Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên tất cả các mặt chính trị - kinh tế - quốc phòng - an ninh. Phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân địa phương, đặc biệt là sức mạnh của lực lượng vũ trang tại chỗ, sức mạnh hậu phương cả nước.

Đồng thời biết khai thác, phát huy tư tưởng nhân văn “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, kết hợp với chủ anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, mảnh đất Hà Giang là một trong những nơi có nhiều người hy sinh, mất mát một phần thân thể để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. 

Theo thống kê từ các đầu mối tham gia chiến đấu tại Hà Giang, giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1989 có trên 4.100 chiến sĩ hy sinh tại đây. Thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, những năm qua, Hà Giang đã tìm kiếm, quy tập được gần 3.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên hơn 1.800 liệt sĩ.

Theo Đại tá Lại Tiến Giang, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, là tỉnh địa đầu Tổ quốc, Hà Giang ra khỏi chiến tranh sau cùng của đất nước. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới bắt đầu từ năm 1979 và kết thúc vào năm 1989. Ở Hà Giang, hậu quả của nó để lại rất to lớn. Diện tích đất đai bị ô nhiễm bởi bom mìn, vật nổ trên địa bàn tỉnh sau chiến tranh lên tới hơn 90.000 héc-ta. 

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, nơi an nghỉ của hơn 1.800 liệt sĩ.

Đến thời điểm hiện tại, Hà Giang dù đã rà phá được hơn 12.000 héc-ta nhưng diện tích bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn lại vẫn rất lớn. Vì vậy, ngoài những khó khăn do địa hình, địa vật thì bom mìn, vật nổ còn dầy đặc, chưa giải phóng được là vấn đề gây rất nhiều khó khăn cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Nhưng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ và cũng là mong muốn của những người lính nói riêng. 

Những năm qua, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang đã thực hiện nghiêm túc, tích cực công tác này. Từ năm 2013 đến nay, Hà Giang đã tổ chức tìm kiếm, quy tập được 162 hài cốt liệt sĩ. Tới đây, Hà Giang sẽ tiếp tục tìm kiếm, quy tập trên 1.200 hài cốt liệt sĩ và làm tốt công tác hậu phương quân đội.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang Phạm Ngọc Dũng, cho biết: Qua rà soát tổng thể của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có hơn 2.900 mộ liệt sĩ ở 9 nghĩa trang trong tỉnh. Trong đó có hơn 1.600 mộ liệt sĩ có danh tính, còn lại là mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính thông tin. 

Thời gian qua, Hà Giang đã triển khai thực hiện đề án về rà phá bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Liên tục trong hai năm gần đây tỉnh Hà Giang đã quy tập được hơn 100 mộ liệt sĩ. Hiện tỉnh vẫn đang tiếp tục triển khai rà phá bom mìn vật liệu nổ sau chiến tranh và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang trên địa bàn.

Bài: Chí Bình (tổng hợp)
Ảnh, video: Viết Tôn - TTXVN
Trình bày: Thái Bình


Nguồn: Báo tin tức TTXVN
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.466
Hôm qua : 3.609
Tháng 04 : 85.725
Năm 2024 : 274.065