Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới: Việt Nam đã đạt được cùng lúc những mục tiêu khó
Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới đánh giá cao những giải pháp của Chính phủ giúp Việt Nam thực hiện cùng lúc những mục tiêu rất khó đạt được trong bối cảnh vừa qua và hiện nay, làm tốt hơn nhiều nước khác trong kiểm soát dịch bệnh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi, mở cửa lại nền kinh tế.
Chiều ngày 18/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Axel van Trotsenburg, Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới (WB).
Thủ tướng đánh giá cao việc Tổng Giám đốc WB thăm Việt Nam, cho thấy quan hệ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả giữa hai bên; nhấn mạnh Việt Nam luôn coi WB là người bạn tốt, đối tác phát triển rất quan trọng; cảm ơn WB nhiều năm qua đã hỗ trợ nguồn lực, tư vấn chính sách vĩ mô, đóng góp tích cực để Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và gần đây đã hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Thủ tướng cảm ơn thời gian qua, WB đã ủng hộ Việt Nam được hoãn trả nợ nhanh các khoản vay IDA thêm 1 năm từ tháng 7/2020-7/2021 (trị giá gần 400 triệu USD) giúp Chính phủ có thêm nguồn lực và luôn đồng hành cùng Việt Nam trong những thời khắc khó khăn để phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa qua, Nhóm 6 Ngân hàng phát triển đã cam kết tài trợ khoảng 2,2 tỷ USD, trong đó WB dự kiến tài trợ 450 triệu USD.
Về phần mình, Việt Nam đã cam kết, đóng góp gần 16 triệu USD trong 3 năm (2021-2023) vào đợt tăng vốn lớn nhất của WB trong lịch sử (huy động 13 tỷ USD) để bổ sung vào nguồn vốn hoạt động WB, thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, nỗ lực, cố gắng lớn của Việt Nam trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc WB đã hỗ trợ Việt Nam hoàn thành xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035, đề nghị WB hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045, bảo đảm tầm chiến lược phù hợp với mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đến năm 2045, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển hạ tầng chiến lược, thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách nhằm xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Dành nhiều thời gian trao đổi về việc triển khai những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam đang trách nhiệm, tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu với cách tiếp cận bảo đảm công bằng, công lý, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và cũng là cơ hội để chuyển đổi mô hình phát triển, xây dựng nền công nghiệp chuyển đổi năng lượng, theo hướng xanh, bền vững, tuần hoàn, các-bon thấp.
Thủ tướng hoan nghênh WB đã xây dựng Báo cáo Khí hậu và phát triển quốc gia tại 30 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam là quốc gia đầu tiên WB xây dựng báo cáo và đây là báo cáo thứ hai đã hoàn thành, được công bố trong tuần qua. Thủ tướng đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thích ứng biến đổi khí hậu với cách tiếp cận từ cả 2 hướng là thích ứng an toàn, linh hoạt và cắt giảm phát thải carbon, khí metan trong nông nghiệp, tập trung vào 3 lĩnh vực là hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; và khảo sát, đánh giá về tiềm năng phát triển năng lượng gió, mặt trời.
Ông Axel đánh giá cao, bày tỏ ấn tượng với những giải pháp và kết quả của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện cùng lúc những mục tiêu rất khó đạt được trong bối cảnh vừa qua và hiện nay, trong đó công tác quản lý vĩ mô, kết hợp hài hòa, hợp lý các công cụ khác nhau như chính sách tài khóa, tiền tệ.
Ông cho biết trong buổi sáng cùng ngày đã được hòa mình vào cuộc sống bình yên và sôi động tại Hồ Gươm, Hà Nội, đây là một ví dụ chứng tỏ Việt Nam đã làm tốt hơn nhiều nước khác trong kiểm soát dịch bệnh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi, mở cửa lại nền kinh tế.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam cũng đạt mức tăng trưởng cao và là một hình ảnh cho thấy sự phát triển chung của cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương. WB đã tham khảo nhiều bài học từ thực tiễn của Việt Nam, Việt Nam có thể chia sẻ các kinh nghiệm phát triển, phòng, chống dịch cho nhiều quốc gia khác và tiếp tục đóng góp giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu như an ninh lương thực.
Ông Axel nhấn mạnh WB sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trên chặng đường phát triển sắp tới không chỉ trong lĩnh vực tài chính, góp phần giải quyết những vấn đề chiến lược như nâng cao năng lực hệ thống y tế, ứng phó dịch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu.
Nhất trí cao với các đề xuất hợp tác của Thủ tướng, ông Axel mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ để rà soát, cập nhật Khung đối tác chiến lược quốc gia cho giai đoạn 3 năm 2022-2025 nhằm xác định nguồn lực hỗ trợ, lĩnh vực ưu tiên của hai bên, qua đó xây dựng danh mục và triển khai các hoạt động hợp tác phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp nguồn vốn IDA; WB sẵn sàng cử đội ngũ chuyên gia toàn cầu và Văn phòng Việt Nam hỗ trợ Chính phủ xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045, góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Trao đổi về các vấn đề thế giới và khu vực, ông Axel tán thành, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng về cách tiếp cận toàn cầu, kêu gọi đoàn kết, đề cao hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương, trên tinh thần “chân thành, tin cậy, hiệu quả”, với các giải pháp phù hợp với đặc thù mỗi quốc gia để giải quyết những vấn đề đang nổi lên hiện nay như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực…; trong quá trình này, ông Axel cho rằng tiếng nói của các quốc gia như Việt Nam có vai trò quan trọng.
Thủ tướng cũng mong muốn WB có tiếng nói mạnh hơn tại các diễn đàn quốc tế về vấn đề này, khẳng định trải qua nhiều năm chiến tranh, Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới./.
Hà Văn