A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

"Từ chức 20" nhìn từ "Khoán 10"

Xin gọi năm 2022 vừa kết thúc là năm ‘Từ chức 20’ từ Kết luận số 20-TB/TW ngày 8.9.2022 của Bộ Chính trị.

Tôi phỏng đoán câu chuyện từ chức theo Kết luận số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật sẽ đi vào lịch sử hệ thống chính trị nước ta giống như câu chuyện khoán 10 năm 1988.

Nhớ lại vào ngày 5.4.1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW hay còn gọi là khoán 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Khoán 10 thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất đến phân phối, sử dụng sản phẩm. Nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài.

Khoán 10 đã đưa nông nghiệp nước ta vào một thời kỳ phát triển ấn tượng. Lần đầu tiên trong lịch sử, từ một nước thiếu lương thực triền miên đến năm 1989, tức chỉ sau 1 năm thực hiện khoán 10, sản lượng lúa gạo của cả nước đã đạt 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên nước ta xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo.

Lịch sử của một đảng chính trị, lịch sử của một đất nước chắc không thể có nhiều dấu ấn quan trọng khắc theo năm tháng như vậy.

Từ chức 20 sẽ đi vào lịch sử giống như khoán 10. Điểm mấu chốt làm nên giá trị lịch sử của Kết luận 20 chính là nội dung: Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Trên thực tế, để đi đến Từ chức 20 là cả một quá trình xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị nước ta, đặc biệt là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Vẫn biết cán bộ vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý, vẫn biết phải thực hiện nghiêm nguyên tắc không có vùng cấm trong xử lý cán bộ, nhưng để cán bộ bị kỷ luật tự nguyện từ chức sao mà khó vậy.

Cho đến trước khi có Từ chức 20 hầu như không có trường hợp nào xin tự nguyện từ chức?

Khá nhiều ý kiến nêu phải xây dựng dần văn hóa từ chức ở nước ta để đến một lúc nào đó trong tương lai việc từ chức tự nguyện là chuyện hết sức bình thường. Nhiều ví dụ về từ chức của các chính khách ở một số nước được đưa ra, coi đó là những bằng chứng rõ ràng cho cái gọi là văn hóa từ chức ở những nước đó đã được xây dựng và giờ đây đang phát huy tác dụng.

Tôi là người kiên trì quan điểm không hề có văn hóa từ chức ở các nước. Ông bộ trưởng ở nước này, ông nghị sỹ ở nước kia tuyên bố từ chức không có nghĩa là họ tự nguyện từ chức. Tới 99% số vụ từ chức ở các nước là áp lực của các đảng chính trị mà các vị tự nguyện từ chức là thành viên.

Các nhân vật này vi phạm pháp luật nếu không từ chức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của đảng, nhất là các đảng cầm quyền. Không từ chức và có giải thích thỏa đáng rất có thể các đảng này sẽ mất phiếu nghiêm trọng trong kỳ bầu cử tới.

Chính vì vậy, khi đảng viên giữ các trọng trách trong Chính phủ, trong nghị viện vi phạm pháp luật mà không tự nguyện từ chức thì các đảng có liên quan sẽ gây áp lực đủ mạnh để họ đứng ra tuyên bố tự nguyện từ chức. Đây cũng được coi là chút đóng góp cuối cùng của họ cho đảng của mình. Đâm ra, tuyên bố từ chức xét về hình thức có vẻ là tự nguyện, nhưng thực chất là áp lực nội bộ buộc các nhân vật có liên quan phải từ chức.

Trở lại câu chuyện ở nước ta cũng cho thấy không ai tự nguyện từ chức. Lên được đến chức này, chức kia là một quá trình, trong đó có chuyện chạy chức, chạy quyền, nay chỉ vì khuyết điểm lại bảo tự nguyện từ chức đi thì quả là khó.

Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy có những cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm kỷ luật hy vọng có một lối thoát nhân văn hơn là ra tòa và sẵn sàng hoàn trả các khoản tham ô, hối lộ đã nhận trước đó. Lúc này họ không còn do dự khi mất đi các chức vụ đương có để đổi lấy nghỉ việc, về hưu ít ra trong danh dự.

Từ chức 20 ra đời trong bối cảnh như vậy thực sự mở ra cánh cửa rộng hơn, nhân văn hơn trong xử lý cán bộ bị kỷ luật. Với chính sách này, cơ chế khuyến khích cán bộ vi phạm pháp luật tự nguyện xin từ chức đã được tạo ra và trên thực tế đã phát huy tác dụng. Hơn nữa, cơ chế này vẫn chốt lại nếu những cán bộ này không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Với mấy trường hợp xin từ chức, xin thôi giữ các chức vụ gần đây đã chứng tỏ giá trị và tác dụng của Từ chức 20. Câu chuyện phòng, chống tham nhũng, câu chuyện tiếp tục đốt lò sẽ là ngọn lửa để thử tiếp độ vàng của Từ chức 20 và nhìn rộng ra mặc dù Từ chức 20 áp dụng cho đối tượng cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, nhưng ý nghĩa của chính sách này hết sức to lớn và sẽ có giá trị áp dụng tương tự đối với các đối tượng khác trong cả hệ thống chính trị nước ta.


Nguồn: VietNamNet
Thống kê truy cập
Hôm nay : 276
Hôm qua : 2.171
Tháng 10 : 15.065
Năm 2024 : 818.042