A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển vọng từ mô hình trồng thử nghiệm cây Dâu tây trong nhà lưới ở Mèo Vạc

CTTBTG - Qua nghiên cứu, tìm hiểu và đi tham quan thực tế các mô hình trồng Dâu tây ở các địa phương có điều kiện khí hậu tương đương như vùng Cao Nguyên đá, thấy được hiệu quả từ việc trồng dâu mang lại cũng như xu thế của thị trường trong việc tiêu thụ hoa quả sạch, HTX Tiểu thủ Công nghiệp 3/2 do anh Nguyễn Hoàng Nhân làm chủ đã tiến hành trồng thử nghiệm cây dâu trong nhà lưới tại thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện mèo Vạc, bước đầu mô hình này đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ.

Ảnh: Anh Nguyễn Hoàng Nhân thu hoạch quả dâu tây trong nhà lưới

Đến thăm vườn dâu tây của anh Nhân vào thời điểm chín rộ, các thành viên gia đình đang tất bật thu hoạch dâu tây, cắt cuống, xếp hộp, cung cấp cho thị trường. Mỗi ngày, gia đình anh thu hoạch từ 2-6 kg quả/ ngày, thu hái đến đâu tiêu thụ hết đến đó, phần lớn khách hàng chủ yếu là người dân trên địa bàn tỉnh. Mô hình hiện đang áp dụng các biện pháp canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP với hình thức trồng bán thủy canh, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây nên cây Dâu tây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, quả to, mẫu mã đẹp, tươi ngon. Thời điểm này, dâu tây đang có giá bán giao động từ 250.000- 300.000 đồng/kg. Anh Trịnh Đức Lập, Trạm Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Mèo Vạc cho biết : “Trồng Dâu tây trong nhà lưới không những tiết kiệm được nhân công lao động mà còn quản lý được chất lượng sản phẩm ngay từ việc mình lấy giống, phân bón, nguồn nước tưới.... Đặc biệt sản phẩm tạo ra thì an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Với kết quả đạt được như hiện nay, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với HTX Tiểu thủ Công nghiệp 3/2 định hướng và nhân rộng, trồng thử nghiệm thêm một số giống Dây tây khác nhằm đắp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng”.

Ảnh: Sản phẩm dâu tây trong nhà lưới đóng hộp 

Mô hình trồng thử nghiệm cây Dâu tây trong nhà lưới được triển khai xây dựng từ tháng 8, sau khi lắp đặt xong nhà lưới thì anh Nhân đưa giống Dâu tây Hàn Quốc và Nhật Bản vào trồng ngay từ tháng 11 với trên diện tích hơn 800 m2, vốn đầu tư gần 600 triệu đồng. Trong đó vốn vay từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp là 300 triệu đồng, còn lại là vốn của gia đình. Sau hơn 3 tháng trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật và sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn đến nay cây Dâu đã cho thu hoạch với sản lượng đúng như tính toán ban đầu. Anh Nguyễn Hoàng Nhân, Chủ vườn Dâu tây Dũng Hải (HTX Tiểu thủ Công nghiệp 3/2 )thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc cho hay: “Trong quá trình trồng ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì đây là lần đầu tiên tham gia vào lĩnh vực này, hơn nữa cây Dâu tây là giống cây cũng khá khó chăm sóc. Nhưng được sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn nên là chúng tôi cũng khắc phục được. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vườn Dâu này ra với mục đích là tăng năng suất và kết hợp với mô hình phát triển du lịch trải nghiệm để bà con nhân dân trong huyện cũng như khách du lịch đến với Mèo Vạc sẽ có cơ hội được thăm quan, tự hái và thưởng thức hương vị của dâu tây vùng cao Mèo Vạc”.

Dâu tây trồng trong nhà lưới được chăm sóc bảo vệ tốt hơn

Có thể nói, với hiệu quả bước đầu tương đối khả quan, anh Nhân và các thành viên trong HTX sẽ tiếp tục phát triển mô hình trồng Dâu tây áp dụng khoa học kỹ thuật gắn với phát triển du lịch để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho gia đình, cũng như tạo ra một sản phẩm mang tính đột phá, tạo nên một nét đặc trưng, sự đổi mới cho vùng Cao nguyên Mèo Vạc. 


Tác giả: Minh Huệ
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.090
Hôm qua : 2.756
Tháng 04 : 73.470
Năm 2024 : 261.810