A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ông Nguyễn Ngọc Đường làm giàu từ kinh tế tổng hợp

Bằng ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu, nông dân ở các địa phương dần thay đổi tư duy, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và gặt hái được nhiều thành công. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Đường, thôn Hạ Quang, xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình được mọi người biết đến là một trong số hộ của xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đường chăm sóc đàn dê của gia đình.

Ông Đường chăm sóc đàn dê của gia đình.

Qua lời giới thiệu của lãnh đạo xã  dưới cái nắng gắt của những ngày Hè, chúng tôi tới thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Ngọc Đường, sinh năm 1967, gia đình ông là một trong những hộ tiêu biểu về sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.

Trò chuyện với chúng tôi tại gia trại của mình, ông Đường cho biết: Trước đây, gia đình ông thường sản xuất nông nghiệp theo tập quán truyền thống, cây trồng năng suất thấp nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Do đó, ông luôn trăn trở suy nghĩ, tìm hướng đi mới để vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Nghĩ là làm, năm 2015 ông với gia đình mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, nuôi 7 con trâu vỗ béo và trồng 8 ha cam. Thấy trâu sinh trưởng, phát triển tốt sau 2 năm là có thể xuất chuồng và khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây cam, ông Đường lại tích cực học hỏi và từng bước mở rộng các loại con giống, cây trồng.

Đến nay, ngoài nuôi trâu và trồng cam, mô hình kinh tế của gia đình ông đã có thêm 17 con dê, 8 con lợn thịt, 10.000 cây quế, 4.000 m2 lúa… mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu về trên 500 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển kinh tế, ông Đường cho biết: “Ban đầu tôi cũng gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm nhưng nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện của Hội Nông dân các cấp, tôi đã được tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi từ đó từng bước tìm ra cách để phát triển mô hình của mình và có được thành quả như hôm nay. Hiện nay tôi đang tập trung vào nuôi dê nhốt chuồng, bởi dê chỉ cần nuôi khoảng 4 tháng là có thể xuất chuồng. Để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao, ngoài am hiểu đặc điểm của loài dê thì việc áp dụng KHKT vào nuôi dê rất quan trọng, từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Nuôi dê không quá vất vả do sức đề kháng của dê rất cao, ít bệnh, chỉ cần chuồng trại bảo đảm vệ sinh, định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho dê. Hàng ngày cho dê ăn 3 lần, sáng, trưa, chiều và thức ăn 100% là cỏ sạch, không được ướt”.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Đường còn tạo công việc cho 3 – 4 lao động địa phương, chia sẻ kinh nghiệm, vận động các gia đình khác áp dụng tiến bộ KHKT vào cách canh tác, tận dụng lợi thế để làm giàu trên chính đồng đất quê hương.

Chị Hoàng Thị Diệp, cán bộ Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường xã Vĩ Thượng, chia sẻ: “Thời gian qua, chính quyền xã luôn khuyến khích các gia đình tăng gia sản xuất, áp dụng KHKT, tận dụng diện tích tối đa để tăng năng suất, triển khai mô hình các loại hình cây con kết hợp. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Ngọc Đường là một trong những tiêu biểu như thế. Ông Đường là tấm gương làm kinh tế giỏi, tham gia các phong trào thi đua ở xã”.

Bài, ảnh:  NGUYỄN DỊU


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 57
Hôm qua : 2.119
Tháng 05 : 67.532
Năm 2024 : 366.946