A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Vụ cam được giá

Khi tiết trời se lạnh, những vườn cam Vàng, cam Sành trên khắp sườn đồi của huyện Quang Bình đã chín rực. Năm nay cam được giá hơn. Những ngày này, các nhà vườn đang bước vào vụ thu hoạch chính với tâm thế vui mừng, phấn khởi, nhộn nhịp.

Sau thời gian dài chăm sóc, vườn cam Vàng của anh Nguyễn Xuân Hải, thôn Chàng Mới, xã Yên Hà đã cho thu hoạch. Năm nay, với hơn 1.000 gốc cam Vàng, sản lượng khoảng 30 tấn quả, từ đầu mùa cho đến chính vụ, cam được thương lái thu mua tại vườn với giá khá cao, từ 11 - 17 nghìn đồng/kg. Anh Hải nhận định: “Những năm gần đây, nhờ áp dụng kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng quả cam ngày càng nâng lên. Những vườn xây dựng được thương hiệu, giá bán cam tăng cao hơn, người trồng cam có thêm động lực”.

Lãnh đạo huyện Quang Bình thăm mô hình trồng cam Vàng tại thôn Chàng Mới, xã Yên Hà.
Lãnh đạo huyện Quang Bình thăm mô hình trồng cam Vàng tại thôn Chàng Mới, xã Yên Hà.

Xã Yên Hà có trên 300 ha cam, ước tính tổng sản lượng đạt 2.900 tấn. Thực hiện Nghị quyết số 58 về phát triển bền vững cây cam Sành, xã có 4 hộ được vay vốn với số tiền 378 triệu đồng. Từ nhiều năm qua, cam là cây trồng chủ lực, giảm nghèo và làm giàu cho người dân địa phương. Có những hộ trồng cam đã làm được nhà khang trang, mua sắm được phương tiện, máy móc phục vụ sinh hoạt và đời sống. Với tiềm lực và thế mạnh đó, xã đã quy hoạch vùng trồng cam trọng điểm tại 4 thôn Xuân Phú, Chàng Thẳm, Chàng Mới và Trung Thành.

Năm 2023, xã Yên Hà thực hiện thành công mô hình mẫu thâm canh một số giống cam rải vụ đối với 6 hộ tại thôn Chàng Mới. Hình thức thâm canh này từng bước khắc phục nhược điểm trong khâu sản xuất, cải tạo đất trồng theo hướng bổ sung hàm lượng dinh dưỡng, độ PH, nhằm nâng cao chất lượng quả, giảm áp lực mùa vụ, kéo dài thời gian thu hoạch. Đồng thời, hỗ trợ thúc đẩy áp dụng mô hình trồng, chăm sóc cam theo quy trình VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn.

Xã Hương Sơn giới thiệu, quảng bá sản phẩm cam tại trung tâm huyện Quang Bình.
Xã Hương Sơn giới thiệu, quảng bá sản phẩm cam tại trung tâm huyện Quang Bình.

Đến xã Hương Sơn, vùng trồng cam lớn nhất huyện Quang Bình với diện tích đạt 403 ha, các nhà vườn đang tất bật thu hoạch cam, quýt. Thời điểm này, giá bán cam Sành tại vườn đạt 10 - 15 nghìn đồng/kg. Sản phẩm cam Sành của xã được tiêu thụ khắp tỉnh, thành phố trong cả nước và được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso, Sendo. Nhiều nhà vườn, hợp tác xã, thanh niên khởi nghiệp tại địa phương đã tận dụng lợi thế của mạng xã hội facebook, tiktok, youtube để livetream bán hàng, đưa đặc sản vùng quê vươn xa hơn nữa - đồng chí Hoàng Văn Nguồn, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho hay.

Huyện Quang Bình có 1.480 ha cam, năng suất niên vụ 2023 - 2024 ước đạt 98 tạ/ha, sản lượng ước đạt 14.500 tấn. Đến nay, toàn huyện có 62 hộ được giải ngân vốn vay 7,4 tỷ đồng để phát triển bền vững cây cam Sành với diện tích thực hiện 124 ha. Ngoài ra, có 27 hộ triển khai chương trình vườn cam mẫu đạt 76 ha. Bên cạnh các hoạt động đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ cam, huyện đang tiếp tục rà soát, khoanh vùng phát triển cây có múi tại các xã, thị trấn để loại bỏ những diện tích không đảm bảo, phấn đấu diện tích sản xuất theo hướng VietGAP đạt trên 55%.

Bài, ảnh:  MỘC LAN


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 164
Hôm qua : 2.579
Tháng 05 : 70.218
Năm 2024 : 369.632