A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản Bạ phấn đấu thực hiện mục tiêu “Nông nghiệp sạch- Nông nghiệp thông minh- Nông nghiệp hàng hóa”

CTTBTG - Quản Bạ, vùng đất có khí hậu quanh năm mát mẻ, thích hợp để trồng và phát triển một số loại cây nông nghiệp đặc trưng. Những năm trở lại đây huyện đã tập trung chỉ đạo trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp hàng hóa quy mô. Phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu “Nông nghiệp sạch- Nông nghiệp thông minh- Nông nghiệp hàng hóa”.

Nhân dân tại huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao.

Năm 2023, toàn diện tích gieo trồng của huyện Quản Bạ là 16.205 ha trong đó: nhóm cây lương thực có hạt đạt trên 7.100ha, nhóm cây hạt có chứa dầu trên 2.100ha, nhóm rau, đậu các loại gần 2.400ha, nhóm cây dược liệu 2.970ha...Trước hết, xác định để thực hiện tốt mục tiêu “Nông nghiệp sạch- Nông nghiệp thông minh- Nông nghiệp hàng hóa”, thì nhận thức, tư duy, tư liệu sản xuất theo hướng manh mún, nhỏ lẻ, truyền thống của người dân cần phải thay đổi. Huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn huyện phối hợp chặt chẽ với 13xã, thị trấn tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về phát triển lĩnh vực nông nghiệp trở thành hàng hóa.

Quyết Tiến, mảnh đất được coi là vựa rau, củ lớn của huyện Quản Bạ với những loại cây trồng trái vụ cho năng suất, thu nhập cao như: Bắp cải, cải thảo, cà chua, dưa chuột được trồng tập trung ở các thôn Vĩnh Tiến, Bó Lách, Đông Tinh, Nậm Lương... Những năm trở lại đây, tận dụng tiềm năng về đất đai, khí hậu của địa phương, từ cây rau, màu trái vụ và dược liệu nhiều hộ gia đình tại xã Quyết Tiến đã có thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/ năm. Trong đó, có hộ gia đình anh Phùng Minh Thắng, thôn Vĩnh Tiến đã chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hình thức trái vụ, gối vụ. Mỗi năm trên diện tích 2ha đất ruộng của gia đình anh Phùng Minh Thắng đã cho thu hoạch khoảng 60 tấn rau, củ, quả. Cùng với đó, anh Thắng còn chủ động trong việc liên kết với công ty ngoài tỉnh trong bao tiêu, tìm đầu ra cho sản phẩm rau, củ quả của người dân tại địa phương.

Diện tích rau cải xoăn trồng theo Dự án hữu cơ tại xã Đông Hà.

Chuyển đổi diện tích đất trồng Ngô kém hiệu quả sang trồng Bông Mã Đề với hình thức phủ nilon, chăm sóc theo hướng hữu cơ để cung ứng nguồn nguyên liệu sạch xuất khẩu sang thị trường khó tính Nhật Bản. Ông Vàng Páng Sèng, thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến là một điển hình tiêu biểu trong tính tiên phong thực hiện, ông Sèng đã chuyển đổi diện tích 1ha trồng Ngô nương của gia đình, tập trung cải tạo lại đất để trồng Bông Mã Đề. Sau khi được công ty thu mua đánh giá đảm bảo về độ hữu cơ, bông Mã Đề của ông Sèng đã được xuất sang Nhật Bản và cho thu nhập ổn định. Từ đó, ông Sèng cũng vận động nhân dân trong thôn và một số hộ gia đình tại xã Tùng Vài cùng trồng loại cây này để phát triển kinh tế, tăng thu nhập gia đình.

Thực hiện mục tiêu chung của huyện Quản Bạ về phát triển lĩnh vực Nông nghiệp, với quyết tâm cao nhất trong năm 2023, xã Tùng Vài đã tuyên truyền, vận động nhân dân tại thôn Bản Thăng triển khai trồng vùng rau Cải thảo tập trung với diện tích 6haliên kết với HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Thuận trong bao tiêu sản phẩmvới giá bán tại vườn là 4.000đ/kg đối với cây Cải thảo loại 1 và 3.000đ/kg đối với cây Cải thảo loại 2. Sau thu hoạch, đánh giá năng suất, chất lượng, thấy rằng trung bình 1 cây Cải thảo tại đây sẽ có trọng lượng 1,5- 1,7 kg, với mật độ là 6 cây Cải thảo/ m2 đất.Năm 2023, trong chuyển đổi cơ cấu cây trồngxã Tùng Vài đã triển khai thực hiện trên 04 cây trồng chủ lực gắn với bao tiêu sản phẩm đó là: Cà chua, Dưa chuột, Bắp cải, Cải thảo. Qua đó, nhân dân là chủ thể trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã biết cách sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc.

Việc tạo vùng chuyên canh trong sản xuất tập trung thực tế thấy rằng đã tạo nguồn thu nhập cao cho nhân dân gấp 4- 5 so với trồng cây Ngô nương và cây Lúa Mùa. Từ tính hiệu quả đó, vùng trồng rau chuyên canh trái vụ theo hướng hữu diện tích 3,2 ha tại xã Đông Hà được bao phủ một màu xanh tốt cũng là sự phản ánh rõ nét trong phát triển lĩnh vực Nông nghiệp hữu cơ tại huyện Quản Bạ.Thay đổi tư duy đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân vùng cao, một năm phải canh tác 02 vụ Ngô và 01 vụ Lúa để đảm bảo nguồn lương thực cho gia đình. Ông Dương Đức Thắng B, thôn Nà Sài đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng chuyên canh cây rau trái vụ dưa chuột, đậu đỗ trên diện tích gần 1.000m2 đất ruộng của gia đình. Việc canh tác cây rau trái vụ theo ông Thắng B, về giá cả tương đối cao, đầu tiêu thụ ra các thị trường được đảm bảo. Đặc biệt tham gia vào Dự án trồng rau hữu cơ tại địa phương, 100% diện tích cây rau, màu của gia đình chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh và tuyệt đối không sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật.

Bên cạnh các loại rau như: Đậu đỗ, dưa chuột, rau muống, hiện vùng trồng rau chuyên canh hữu cơ tại xã Đông Hà đã đưa vào trồng các loại rau trái vụ chất lượng cao như: Cải cầu vồng, cải xoăn với giá 80.000 đồng/ kg, cây Măng tây với giá 160.000 đồng/ kg. 

Theo đánh giá thực tế của ngành chuyên môn huyện và các xã, thị trấn trong năm 2023. Một số loại cây rau màu tại huyện trồng theo hướng tập trung và liên kết trong bao tiêu sản phẩm với một số công ty, HTX trong và ngoài tỉnh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng như: cây Dưa chuột năng suất 32 tấn/ha, giá bán bình quân 5.000đ/kg, thu lãi 96 triệu đồng/ ha; Cây Cà chua năng suất 40 tấn/ha, giá bán bình quân 5.000đ/kg, thu lãi 110 triệu đồng/ha; Cây đậu cove năng suất 20 tấn/ ha, giá bán trung bình 10.000đ/kg, thu lãi 120 triệu đồng/ha.  Ngoài ra, trong năm 2023, nhân dân tại huyện đã chủ động chuyển đổi trên 1.300 ha diện tích đất trồng Ngô kém hiệu quả sang trồng cây có kinh tế giá trị cao như: cây chè Shan Tuyết, cây ăn quả ôn đới, cây Lạc hè thu... Cùng với đó, trên địa bàn huyện nhiều diện tích sản xuất Nông nghiệp tập trung đã áp dụng công nghệ thông minh vào sản xuất như hệ thống tưới tiêu phun sương tự động tại xã Lùng Tám, xã Quyết Tiến.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu “Nông nghiệp sạch- Nông nghiệp thông minh- Nông nghiệp hàng hóa” trong nhiệm kỳ 2020- 2025. Đặc biệt là phấn đấu xây dựng thương hiệu rau, củ, quả sạch của huyện Quản Bạ. Trong thời gian tới từ những giải pháp cụ thể, bài học kinh nghiệm thực tiễn cùng sự đồng thuận, nhất trí, quyết tâm cao trong toàn  Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tại huyện Quản Bạ. Tin tưởng rằng, thực hiện mục tiêu trên trong phát triển lĩnh vực Nông nghiệp của huyện Quản Bạ sẽ gặt hái được nhiều thành tựu nhất định. Qua đó, tạo vùng trồng cây Nông nghiệptập trung gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm. Tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo ATTP. Tạo mối quan hệ trao đổi hàng hóa giữa điểm cung cấp là người nông dân với doanh nghiệp trước khi đưa ra thị trường. Góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nhân dân tại địa phương.

Bài, ảnh: Hoàng Chính- Quản Bạ.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 181
Hôm qua : 2.579
Tháng 05 : 70.235
Năm 2024 : 369.649