A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp phát triển nào cho vùng nghèo nhất nước?

Có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng, đối ngoại, nhiều tiềm năng phát triển song Trung du và miền núi phía Bắc vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất nước. Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa đề xuất nhiều giải pháp để đưa vùng này phát triển.

Chỉ chiếm 4,3% tổng số doanh nghiệp cả nước

"Các chỉ tiêu hiện có đều cho thấy tình hình kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực thời gian qua", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM nói tại hội thảo “Nghiên cứu khả năng xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp độ vùng ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong bối cảnh chuyển đổi số”, sáng 27.10. Hội thảo trong khuôn khổ Chương trình Cái cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) tài trợ.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước. Ảnh ITN

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước. Nguồn: ITN

Có được kết quả đó là bởi Đảng và Nhà nước đã có nhiều quan tâm tới phát triển vùng, đặc biệt là Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01.7.2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.

Tuy vậy, đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất nước, dù có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng, đối ngoại và nhiều tiềm năng phát triển. Cụ thể, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong vùng xấp xỉ mức bình quân cả nước (26,1%); số doanh nghiệp đang hoạt động tính đến cuối 2021 chỉ chiếm 4,3% tổng số doanh nghiệp cả nước; thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh bằng 82,7% mức trung bình toàn quốc. Đầu tư nước ngoài vào vùng còn rất hạn chế, đến cuối năm 2021 lũy kế các dự án FDI còn hiệu lực chỉ chiếm 3,4% tổng số dự án FDI của cả nước.

Theo các chuyên gia của CIEM, một trong nguyên nhân là do bất cập của hệ thống chỉ tiêu cũ liên quan đến vùng, như: Chưa có thể chế trực tiếp sử dụng kết quả theo dõi, đánh giá một số chỉ tiêu cấp vùng một cách định kỳ phục vụ công tác điều hành; phương pháp tính toán thu thập số liệu và gộp từ số liệu cấp địa phương trong vùng lên số liệu cấp vùng còn đang hoàn thiện. Bên cạnh đó, quy hoạch định hướng phát triển cho vùng trên cơ sở tính đặc thù của các địa phương còn hạn chế; phân cấp thực hiện chưa rõ ràng. Nguồn lực (tài chính, nhân lực) để bảo đảm xây dựng, điều chỉnh và theo dõi, giám sát các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội ở các địa phương trong vùng còn khó khăn.

Mặt khác, bản thân các chỉ tiêu đánh giá phát triển vùng hiện vẫn chỉ cộng gộp từ các địa phương nên chưa đánh giá được hết đặc thù của từng địa phương. Hội đồng điều phối vùng đã được thành lập nhưng chưa có quy chế hoạt động, chưa có quy định rõ chức năng, nhiệm vụ...

Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và liên kết vùng nói riêng có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng đối với vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Tăng liên kết nội vùng, liên vùng

Ngày 10.2.2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế vùng và liên kết vùng, nhằm tạo động lực cho phát huy lợi thế so sánh của cả vùng và từng địa phương trong vùng; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trong đó có nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thống kê vùng. Thử nghiệm xây dựng và giao chỉ tiêu ở cấp vùng, lộ trình thực hiện các chỉ tiêu cấp vùng theo từng năm, gắn với các nhiệm vụ cụ thể được Hội đồng điều phối vùng trực tiếp điều hành và theo dõi.

Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thông tin, thống kê, theo dõi, đánh giá thực hiện các chỉ tiêu. Thực hiện phân cấp, đổi mới trên các lĩnh vực liên quan đến phát huy lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng; đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghiên cứu điều chỉnh chế độ thống kê và chỉ tiêu kinh tế - xã hội nhằm thích ứng với xu hướng mới như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh trong điều kiện đặc thù của vùng.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, việc thống nhất nhận thức chung về phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ không chỉ là vấn đề của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành hay của từng địa phương mà còn là vấn đề của tất cả doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là đối tác quan tâm đầu tư quy mô cấp độ vùng.

Bà Minh nhấn mạnh, thúc đẩy liên kết vùng là một hoạt động quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số. “Với việc tăng cường thu thập, chia sẻ, phân tích dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, chuyển đổi số giúp Chính phủ và cơ quan điều phối phát triển vùng có cái nhìn tổng quát và khả năng theo dõi, đánh giá cập nhật hơn về tình hình phát triển kinh tế theo vùng, thay vì chỉ theo báo cáo tổng hợp của từng địa phương riêng lẻ”, Viện trưởng CIEM khẳng định.

Theo daibieunhandan.vn


Thống kê truy cập
Hôm nay : 74
Hôm qua : 3.271
Tháng 05 : 3.345
Năm 2024 : 302.759