A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Giang Lý Thị Lan thảo luận về dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi)

Sáng 2.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Tại tổ 3, đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang đã tham gia một số ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ người tiêu dung (sửa đổi).

Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Giang Lý Thị Lan trong phiên họp tổ

Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Giang Lý Thị Lan trong phiên họp tổ

Phó trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan nhất trí rất cao với tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đồng thời góp ý: Đối với Điều 3 Giải thích từ ngữ, tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật quy định “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”. Đại biểu cho rằng, việc giải thích khái niệm “Người tiêu dùng” như dự thảo Luật không bao gồm tổ chức là chưa đầy đủ và chưa hợp lý. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm cụm từ “tổ chức” vào khái niệm, để đảm bảo chính xác, đầy đủ và phù hợp với thực tiễn. Cụ thể: “1. Người tiêu dùng là tổ chức, cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”.

Tại khoản 2 Điều 3 dự thảo quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ trên thị trường …”. Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa rõ việc áp dụng của Luật này đối với sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam để tiêu dùng. Đại biểu phân tích, thực tế trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế, nhất là hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa giữa nước ta với các nước trên thế giới đặc biệt là số lượng sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam để bán cho người tiêu dùng ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát về chất lượng, giá cả đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng, thực tế có không ít sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam khi đến tay người tiêu dùng thì giá cả đã tăng lên nhiều hoặc chất lượng không bảo đảm. Đây là vấn đề cần phải quy định rõ đối với các sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam để bán cho những người tiêu dùng.

Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Giang đề nghị ban soạn thảo bổ sung nội dung “nhập khẩu, tiêu thụ” vào ngay sau từ tiêu thụ cho phù hợp, cụ thể: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hoặc nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa ...”; đồng thời rà soát các quy định khác của dự thảo Luật để bổ sung quy định “nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa” vào các điều khoản có liên quan.

Tại điểm b khoản 3, Điều 7 về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, dự thảo quy định: “Áp dụng cơ chế khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật”. Phó trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan cho rằng, quy định như dự thảo là chưa đầy đủ, vì thực tiễn cho thấy trong quá trình giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng không chỉ phát sinh khiếu nại, tranh chấp mà còn phát sinh kiến nghị của người tiêu dùng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh về vấn đề có liên quan hoặc tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm nội dung quy định rõ về cơ chế khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng và bổ sung quy định đầy đủ, cụ thể về việc kiến nghị, tố cáo và giải quyết kiến nghị, tố cáo được áp dụng cơ chế phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng trong dự thảo Luật này.

Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm vào Điều 16 về Nghĩa vụ của người tiêu dùng  phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật…

Theo đại biểu, Điều 18 về xử  lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tại khoản 1 dự thảo quy định: “Cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Việc quy định như dự thảo là chưa chính xác. Vì theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành thì không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tổ chức nói chung, mà chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Vì vậy, đề nghị dự thảo luật cần sửa đổi cụ thể như sau: “Cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; cá nhân, pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Đối với Chương VI quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Phó trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan cơ bản tán thành với nhiều nội dung của chương này. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định nội dung “quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, để làm cơ sở pháp lý cho các cơ quan thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo baohagiang.vn


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.854
Hôm qua : 4.030
Tháng 05 : 10.155
Năm 2024 : 309.569