A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

5 dấu hiệu cảnh báo thoái hóa khớp sớm

Khi có các dấu hiệu bất thường như: đau, cứng, sưng khớp; khớp kêu lục cục, hạn chế chuyển động… người bệnh cần cảnh giác với nguy cơ thoái hóa khớp sớm.

PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nhận định, thoái hóa khớp hiện là vấn đề y tế cộng đồng, không còn là nỗi ám ảnh của riêng người lớn tuổi (trên 60 tuổi) mà có thể xảy ra với cả người trẻ, từ độ tuổi 30. Khớp bị thoái hóa gây đau đớn, làm giảm khả năng lao động, thậm chí làm teo cơ, biến dạng khớp gây tàn phế, mất khả năng vận động.

Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở người trẻ từ độ tuổi 30 tuổi. Ảnh: Shutterstock.

Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở người trẻ từ độ tuổi 30 tuổi. Ảnh: Shutterstock.

5 dấu hiệu cảnh báo khớp "già sớm"

Theo bác sĩ Hồng Hoa, thoái hóa khớp là bệnh lý mạn tính, khởi phát và tiến triển từ từ trong thời gian dài. Ở giai đoạn đầu, các dấu hiệu của bệnh chưa biểu hiện rõ ràng nhưng người bệnh có thể nhận thấy 5 điều bất thường sau.

Đau khớp: Đau nhức là triệu chứng xuất hiện đầu tiên khi khớp bị thoái hóa. Cảm giác đau thường tăng nặng hơn khi hoạt động và giảm nhẹ khi nghỉ ngơi. Nhưng vì cơn đau chưa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, công việc hàng ngày nên hầu hết mọi người bỏ qua tín hiệu này.

Cứng khớp: Khớp bị căng cứng khi ngồi, đứng hoặc nằm quá lâu, nhất là vào buổi sáng thức dậy. Mức độ căng cứng sẽ giảm dần sau vài phút nếu khớp được nới lỏng và cử động trở lại.

Khớp phát ra âm thanh lạ: Lớp sụn giữa các đầu xương có nhiệm vụ "giảm xóc" và giữ cho khớp chuyển động trơn tru. Khi khớp bắt đầu thoái hóa cũng là lúc lớp sụn này bị mòn hoặc rách, khiến các đầu xương cọ xát vào nhau gây ra những âm thanh lạ như: lách tách, răng rắc hoặc lục cục. Giai đoạn đầu, những tiếng động này phần lớn do người bệnh cảm nhận, còn khi nghe rõ bằng tai chứng tỏ thoái hóa khớp đã chuyển sang giai đoạn nặng.

Giảm độ linh hoạt của khớp: Thời điểm chớm thoái hóa, khớp vẫn thực hiện được phần lớn các cử động, nhưng mức độ linh hoạt có xu hướng giảm sút. Cảm giác đau và căng cứng làm cho việc di chuyển khớp gặp khó khăn, đặc biệt khi thực hiện những động tác uốn cong hoặc mở rộng khớp.

Sưng khớp: Một lượng nhỏ chất lỏng (dịch nhầy) tích tụ quanh khớp bị thoái hóa gây sưng tấy, kèm theo hiện tượng đỏ và nóng phần mềm quanh khớp. Triệu chứng này phổ biến và rõ rệt hơn ở các giai đoạn tiến triển sau của bệnh khi các yếu tố gây viêm hoạt động mạnh.

Phần mềm quanh khớp bị sưng nóng khi bị thoái hóa. Ảnh: Shutterstock.

Phần mềm quanh khớp bị sưng nóng khi bị thoái hóa. Ảnh: Shutterstock.

Bác sĩ Hoa khuyến cáo, nên cảnh giác với nguy cơ thoái hóa khớp nếu nhận thấy một trong 5 dấu hiệu trên xuất hiện ở bất kỳ vị trí khớp nào trên cơ thể. Riêng đối với người trẻ, đây là những tín hiệu phản ánh hiện tượng "già trước tuổi" của hệ thống xương khớp.

Hậu quả khi điều trị chậm trễ

Những triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp ngày càng tăng nặng, khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày (cầm nắm, leo hoặc xuống cầu thang, lau dọn nhà cửa, giặt quần áo... ), không đạt được hiệu suất công việc như trước đây. Thậm chí, cơn đau dữ dội cộng với sự mất vững khớp do sụn, xương dưới sụn và hệ thống dây chằng bị suy yếu làm tăng nguy cơ té ngã, gãy xương, bác sĩ Hoa cảnh báo.

Ngoài ra, khi thoái hóa trở nên nghiêm trọng sẽ phát sinh các bệnh lý xương khớp khác, điển hình là gai xương và thoát vị đĩa đệm. Gai xương và phần đĩa đệm bị thoái vị sẽ chèn ép và tạo áp lực quá mức lên dây thần kinh gây đau buốt, tê hoặc yếu vùng chi chịu ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, người thoái hóa khớp có xu hướng hạn chế vận động nên sẽ làm gia tăng nguy cơ thừa cân, cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường... Cơn đau dữ dội khi khớp thoái hóa cũng khiến nhiều người gặp vấn đề về giấc ngủ (khó ngủ hoặc thức giấc giữa đêm). Tình trạng này kéo dài sẽ làm suy nhược thể chất lẫn tinh thần của người bệnh.

Bệnh nhân cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ teo cơ, biến dạng khớp dẫn đến giảm hoặc mất khả năng tự vận động.

Theo bác sĩ Hoa, nếu nhận thấy khớp có triệu chứng bất thường, người bệnh nên đến các chuyên khoa xương khớp để thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán như chụp X-quang, MRI, CT Scan... "Phát hiện bệnh thoái hóa khớp càng sớm, hiệu quả điều trị càng cao và hạn chế phẫu thuật thay khớp nhân tạo", bác sĩ nói.

Dinh dưỡng đúng cách cho người bệnh thoái hóa khớp

Người bị thoái hóa khớp nên duy trì lối sống khoa học, kết hợp bổ sung dưỡng chất chăm sóc khớp chuyên biệt để tăng cường sức khỏe xương khớp từ bên trong, hỗ trợ quá trình điều trị.

Vật lý trị liệu giúp tăng sức mạnh và cải thiện chức năng vận động cho khớp. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

Vật lý trị liệu giúp tăng sức mạnh và cải thiện chức năng vận động cho khớp. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

Bác sĩ Hoa cho biết, lối sống khoa học phải đảm bảo các yếu tố: ngủ đủ giấc (7-8 tiếng một ngày); tập luyện điều độ (ít nhất 30 phút một ngày) và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, chú trọng thực phẩm giàu vitamin C, D, sắt, canxi, omega-3... Đồng thời hạn chế rượu bia, đồ uống chứa caffein và bỏ hút thuốc lá.

Những dưỡng chất thiên nhiên được bác sĩ Hoa khuyên dùng gồm: Eggshell Membrane, Collagen Type 2 không biến tính, Collagen Peptide, Turmeric Root, Chondroitin Sulfate... giúp điều hòa miễn dịch, ức chế quá trình viêm, hỗ trợ giảm đau và làm chậm thoái hóa khớp.

Ngoài ra, mỗi người nên khám sức khỏe xương khớp định kỳ 6 tháng đến 1 năm để chủ động bảo dưỡng hệ cơ xương khớp chắc khỏe.

Theo vnexpress.net


Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.882
Hôm qua : 5.244
Tháng 05 : 40.288
Năm 2024 : 339.702