A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 78 năm Ngày hy sinh của đồng chí Phan Văn Khỏe - nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ

Ban Biên tập trân trọng giới thiệu nội dung Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 78 năm Ngày hy sinh của đồng chí Phan Văn Khỏe - nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (07/3/1946 - 07/3/2024). Đề cương do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang soạn thảo.

Công trình Nhà lưu niệm đồng chí Phan Văn Khỏe (xã Mỹ Hạnh Đông, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).

I. KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ PHAN VĂN KHỎE

Đồng chí Phan Văn Khoẻ sinh năm 1901 ở làng Mỹ Hạnh Đông, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Đồng chí là con thứ tư trong gia đình nông dân nghèo, đông con. Dòng họ Phan của đồng chí định cư khá lâu ở xóm Cống Huế, làng Mỹ Hạnh Đông. Dưới thời thực dân Pháp thống trị nước ta, đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn, người dân phải lo cái ăn, ít ai được học hành, nhưng gia đình vẫn cố gắng lo cho đồng chí được cắp sách đến trường. Bản thân đồng chí ham học hỏi, đọc nhiều sách báo và hay tìm hiểu các vấn đề đang diễn ra trong xã hội, nên đồng chí có vốn kiến thức sâu rộng hơn trình độ học vấn của mình.

Năm 1928, đồng chí là hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở làng Mỹ Hạnh Đông. Đầu năm 1930, khi chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên phát triển thành chi bộ An Nam cộng sản Đảng thì đồng chí là một trong những người đảng viên đầu tiên của quận Cai Lậy. Cuối tháng 4/1930, Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho phân công đồng chí phụ trách phong trào đấu tranh cách mạng ở quận Cai Lậy. Đầu năm 1933, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho. Cuối năm 1933, đồng chí được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Ngày 01/5/1936, đồng chí lãnh đạo cuộc đấu tranh của gần 500 đồng bào các xã vùng Mỹ Hạnh Đông kéo ra chợ Cai Lậy đòi dân sinh, dân chủ. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi và gây tiếng vang khắp tỉnh Mỹ Tho. Cuối năm 1936, đồng chí là Xứ ủy viên Nam kỳ, phụ trách phong trào cách mạng các tỉnh Trung Nam kỳ, bao gồm các tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Sa Đéc.

Năm 1940, đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ tăng cường về Mỹ Tho với chức vụ là Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Mỹ Tho, tập trung thực hiện nhiệm vụ củng cố tổ chức, phát triển lực lượng cách mạng và chuẩn bị phong trào đấu tranh mới sau khi Cao trào cách mạng 1930-1931 của nhân dân ta bị thực dân Pháp đàn áp dã man.

Đêm 22 rạng ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa nổ ra ở quận Châu Thành và quận Cai Lậy. Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho đặt tại đình Long Hưng xã Long Hưng, quận Châu Thành. Tại đây, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Mỹ Tho được thành lập. Trong 49 ngày làm chủ từ 23/11/1940 đến 12/01/1941, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho thực hiện được một số việc có ý nghĩa lịch sử, như thành lập chính quyền nhân dân cách mạng cấp tỉnh, quận, xã; thành lập Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh; thực thi một số chính sách: Xóa bỏ các thứ thuế vô lý, các khoản nợ của nông dân thiếu địa chủ, tịch thu lúa của địa chủ chia dân nghèo, giáo dục và khoan hồng người lầm đường lạc lối... Chế độ dân chủ cộng hòa trở thành hiện thực trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.

Sau khởi nghĩa, cơ sở, tổ chức Đảng bị khủng bố tan rã và nhiều đảng viên, cán bộ và quần chúng bị bắt, bị giết hại. Hệ thống tổ chức Đảng từ Xứ ủy xuống Tỉnh ủy, Quận ủy, Chi bộ đứt liên lạc. Đồng chí Phan Văn Khỏe vẫn bám địa bàn, móc nối liên lạc từ Xứ ủy đến chi bộ. Đầu năm 1941, các đồng chí Xứ ủy bầu đồng chí Phan Văn Khỏe giữ chức vụ Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, hệ thống tổ chức Đảng phục hồi. Giữa năm 1941, trên đường công tác, đồng chí bị giặc bắt, sau đó đày ra Côn Đảo.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí trở về tiếp tục công tác ở tỉnh Mỹ Tho, được Xứ ủy Nam bộ cử làm Đặc phái viên của Xứ ủy và Liên tỉnh ủy miền Trung Nam bộ. Ngày 07/3/1946, trên đường công tác, đồng chí bị giặc bắt. Chúng tra tấn đồng chí hết sức dã man. Không thể khuất phục đồng chí, ngay trong đêm đó, bọn giặc đã thủ tiêu đồng chí ở gò Bà Đội Phận - một bãi nghĩa địa hoang vắng ở phía đông chợ Cai Lậy (nay là Khu phố 1, phường 4, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang).

II. NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA ĐỒNG CHÍ PHAN VĂN KHỎE VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC

1. Đồng chí Phan Văn Khỏe với cuộc đấu tranh khôi phục, phát triển phong trào cách mạng (1932-1935) và Cao trào vận động dân chủ ở tỉnh Mỹ Tho (1936-1939)

Sau Cao trào cách mạng 1930-1931, thực dân Pháp đàn áp khốc liệt phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Tại Mỹ Tho, Tỉnh ủy bị vỡ, nhiều đồng chí bị bắt, bị cầm tù, hệ thống cơ sở Đảng bị đứt liên lạc. Tuy nhiên, sự khủng bố dã man của kẻ thù đã không làm nhân dân ta khiếp sợ. Đến đầu năm 1933, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Mỹ Tho được thành lập nhằm thực hiện nhiệm vụ lãnh, chỉ đạo phong trào cách mạng ở tỉnh nhà. Năm 1934, đồng chí Phan Văn Khỏe được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở được phục hồi và phát triển; các tổ chức quần chúng dưới các hình thức bí mật, hợp pháp, bán hợp pháp lần lượt được ra đời, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; phong trào đấu tranh của quần chúng cũng dần được hồi phục và diễn ra ngày càng sôi nổi.

Năm 1935, đồng chí Phan Văn Khỏe là Xứ ủy viên phụ trách tỉnh Mỹ Tho. Lúc bấy giờ, đồng chí thường xuyên về công tác ở quận Cai Lậy (tỉnh Mỹ Tho). Tại đây, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, ngày 1/5/1936, đồng chí trực tiếp lãnh đạo, tổ chức một cuộc biểu tình với sự tham gia của gần 500 quần chúng ở các xã Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Trung, Tân Hội, Tân Phú rầm rập tiến về chợ Cai Lậy, đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Bọn địch bị bất ngờ trước khí thế của cuộc đấu tranh, buộc phải nhận yêu sách của quần chúng và hứa trình lên Thống đốc Nam kỳ. Cuộc biểu tình giành được thắng lợi, tạo nên tiếng vang lớn và tác động mạnh đến tinh thần cách mạng của quần chúng trong toàn quận Cai Lậy và tỉnh Mỹ Tho.

Sau cuộc biểu tình, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phan Văn Khỏe và Đảng bộ tỉnh, phong trào đấu tranh cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho có sự chuyển biến rõ rệt, trở thành cao trào rộng lớn, thu hút đông đảo công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân tham gia, diễn ra sôi nổi và rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Các tổ chức quần chúng được ra đời và phát triển mạnh mẽ trên địa bàn toàn tỉnh.

Với cương vị là Xứ ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí Phan Văn Khỏe đã có công lao to lớn đối với công cuộc khôi phục, phát triển cơ sở Đảng và phong trào cách mạng (1932-1935), cũng như lãnh chỉ đạo cuộc đấu tranh của nhân dân tỉnh Mỹ Tho trong Cao trào vận động dân chủ Đông Dương (1936-1939).

2. Đồng chí Phan Văn Khỏe góp phần quan trọng trong việc Xứ ủy ban hành các nghị quyết về chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Nam kỳ

Giữa năm 1940, chiến tranh thế giới lần thứ II bước vào giai đoạn ác liệt, thực dân Pháp ở Việt Nam tăng cường đàn áp, khủng bố và thủ tiêu các quyền tự do, dân chủ. Đồng chí là người được Xứ ủy trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo thiết kế lá cờ của Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương (Quốc kỳ nước ta hiện nay). Từ ngày 21/7 - 27/7/1940, tại làng Tân Hương, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ thông qua Cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ chính thức của Mặt trận nhằm hiệu triệu, động viên, cổ vũ quần chúng trong cuộc khởi nghĩa sắp tới. Đồng thời, hội nghị thảo luận, thông qua nhiều quyết sách quan trọng đối với phong trào đấu tranh cách mạng của toàn Xứ và nhất trí bầu đồng chí Phan Văn Khỏe là Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy, được Xứ ủy chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Đến tháng 8/1940 ở Gò Đen, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và tháng 9/1940 ở làng Xuân Thới Đông, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay là xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), đồng chí tham dự liên tiếp hai hội nghị Xứ ủy Nam kỳ để thảo luận thống nhất và quyết định xây dựng hệ thống tổ chức quân sự từ Xứ ủy đến phân khu, chỉ đạo các tỉnh thành lập Ban khởi nghĩa; tiến hành công tác củng cố, phát triển cơ sở Đảng và tổ chức quần chúng; đẩy mạnh công tác vận động binh sĩ địch; phê phán khuynh hướng manh động, khủng bố cá nhân; nối lại đầu mối liên lạc giữa các cấp ủy; tổ chức huấn luyện cấp tốc các đội du kích trong toàn xứ; tiến hành công tác tuyên truyền trong quần chúng và trao quyền ra lệnh khởi nghĩa cho Ban Thường vụ Xứ ủy.

3. Đồng chí Phan Văn Khỏe chủ trì các hội nghị của Tỉnh ủy Mỹ Tho quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của Xứ ủy Nam kỳ, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở tỉnh Mỹ Tho và lãnh đạo xây dựng chính quyền cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho

Sau khi Xứ ủy ban hành các nghị quyết về chuẩn bị khởi nghĩa, đồng chí Phan Văn Khỏe triệu tập và chủ trì các cuộc hội nghị của Tỉnh ủy Mỹ Tho để quán triệt và triển khai các nghị quyết của Xứ ủy đến tận cơ sở và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), như hội nghị ngày 12/8/1940, tại làng Long Hưng, quận Châu Thành (nay là xã Long Hưng, huyện Châu Thành) thảo luận và nhất trí cần phải xúc tiến nhanh công tác đẩy mạnh việc chuẩn bị khởi nghĩa và thành lập Ban Quân sự tỉnh; hội nghị tháng 10/1940, tại làng Thạnh Phú, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đề ra các biện pháp cụ thể cho cuộc khởi nghĩa sắp tới, chỉ đạo cho các quận và cơ sở tích cực chuẩn bị khởi nghĩa với tinh thần vừa tuyên truyền, tổ chức mít tinh cổ động khởi nghĩa vừa tập hợp quần chúng, vừa bí mật tổ chức, huấn luyện quân sự, vừa phát triển lực lượng,...

Đặc biệt, đầu tháng 11/1940, đồng chí chủ trì hội nghị Tỉnh ủy ở làng Thạnh Phú, quận Châu Thành để kiểm điểm tình hình chuẩn bị và xây dựng kế hoạch khởi nghĩa, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ trong Tỉnh ủy và các quận ủy. Hội nghị chỉ rõ, đây là cuộc khởi nghĩa đồng loạt trên phạm vi cả tỉnh, mục tiêu là giành chính quyền về tay Nhân dân. Trước mắt, tập trung lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền theo từng khu vực, tạo nên thế mạnh áp đảo của Nhân dân, sẵn sàng đánh chiếm tất cả các cơ quan đầu não của địch trong các thị xã, thị trấn giành quyền làm chủ về tay Nhân dân; bắt, giáo dục, xử tội những tên ác ôn, ổn định trật tự xã hội; tịch thu tài sản, ruộng đất của địa chủ thực dân và địa chủ Việt gian chia cho dân cày nghèo.

Để hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc khởi nghĩa vũ trang, đồng chí chỉ thị thành lập Uỷ ban khởi nghĩa các cấp và ngay sau khi giành được chính quyền thì nhanh chóng chuyển Ủy ban khởi nghĩa làm nhiệm vụ chính quyền Nhân dân.

20 giờ ngày 22/11/1940, lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ được chuyển đến địa điểm liên lạc của Tỉnh ủy tại xã Trung An (nay thuộc thành phố Mỹ Tho). Bản mệnh lệnh quy định 0 giờ ngày 23 tháng 11 sẽ bắt đầu khởi nghĩa; tuy nhiên, kế hoạch khởi nghĩa ở Sài Gòn bị lộ, chính quyền thực dân tỉnh Mỹ Tho ráo riết chuẩn bị đối phó, thực hiện việc tuần tra, canh gác nghiêm ngặt. Mặc dù bị lộ, bọn địch đã bố phòng, nhưng việc chuẩn bị khởi nghĩa của Nhân dân vẫn giữ được bí mật tuyệt đối. Cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho diễn ra đúng kế hoạch, mỗi khu vực đều có đồng chí Tỉnh ủy viên trực tiếp lãnh đạo.

Từ nửa đêm 22 đến rạng ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho bùng nổ. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Khởi nghĩa, hàng chục ngàn quần chúng Nhân dân với băng cờ, khẩu hiệu, đèn đuốc sáng trời đồng loạt nổi dậy, chiếm các đồn bót, trụ sở, giải tán chính quyền địch ở cơ sở, Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố chính quyền về tay Nhân dân, hủy bỏ toàn bộ các thứ tô thuế bất hợp lý và thành lập Tòa án Nhân dân tiến hành xét xử bọn ác ôn, có nợ máu với nhân dân,... Lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được treo trên ngọn cây bàng tại đình Long Hưng (nay thuộc xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) và tấm biểu ngữ có dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” xuất hiện trước cổng đình - trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho. Tính chung, từ ngày 23 đến 30/11/1940, toàn tỉnh Mỹ Tho có 75/124 làng (xã) đã giành được quyền làm chủ, 15 làng (xã) hưởng ứng theo từng mức độ khác nhau. Hệ thống tề làng, đồn bót ở địa phương hoàn toàn tan rã, một số bị bắt, bị giải tán, số khác sợ phải chạy đi nơi khác để sinh sống.

Trong khi cuộc khởi nghĩa đang diễn ra quyết liệt, ngay ngày 23/11/1940, đồng chí Phan Văn Khỏe và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo chuyển Ủy ban khởi nghĩa các cấp thành chính quyền Nhân dân; cũng trong ngày hôm đó, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập, do đồng chí Phan Văn Khỏe, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho làm Chủ tịch. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước đã thành lập được chính quyền cách mạng của Nhân dân ở cấp tỉnh; đồng thời, thay mặt cho chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho, đồng chí đã chỉ đạo thành lập Tòa án Nhân dân tỉnh. Đây là lần đầu tiên ở Nam kỳ một tòa án Nhân dân cấp tỉnh đã được thành lập.

Dưới sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tiến hành trấn áp bọn phản động; thi hành các quyền tự do dân chủ, bãi bỏ các thứ thuế, sổ sách, khế ước, giao kèo có tính chất bóc lột Nhân dân; tuyên bố tự do tín ngưỡng, thực hiện đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, không ngược đãi hàng binh, khoan hồng đối với người lầm đường hối cải, tịch thu ruộng đất và lúa gạo của địa chủ phản động chia cho dân nghèo, nghiêm trị bọn phản động,...

4. Đồng chí Phan Văn Khỏe được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, chỉ đạo việc khôi phục tổ chức Đảng sau khởi nghĩa Nam kỳ

Cuộc khởi nghĩa tháng 11/1940 ở Nam kỳ bị thực dân Pháp khủng bố, đàn áp dã man. Đảng bộ Nam kỳ bị thiệt hại nặng nề. Hệ thống liên lạc từ Xứ ủy đến tỉnh, quận, làng bị cắt đứt.

Lúc bấy giờ, đồng chí Phan Văn Khoẻ vẫn bám địa bàn tại một số địa phương ven Đồng Tháp Mười thuộc quận Cai Lậy (tỉnh Mỹ Tho). Đồng chí đã tìm cách móc nối liên lạc với Xứ ủy và một số cơ sở Đảng trong tỉnh Mỹ Tho. Chỉ sau một thời gian ngắn, đồng chí đã bí mật tập hợp số đảng viên còn lại, củng cố lực lượng.

Trước yêu cầu của phong trào cách mạng, Xứ ủy cần phải được lập lại để thực hiện vai trò lãnh đạo. Tháng 12/1940, Xứ ủy đã có cuộc họp tại làng An Phú Tây, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) để kiểm điểm về cuộc khởi nghĩa, bàn bạc các công tác khôi phục tổ chức Đảng. Tháng 01/1941, Xứ ủy tổ chức Hội nghị mở rộng tại làng Đa Phước, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh). Hội nghị đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm về thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ; đồng thời, đề ra chủ trương mới: phân tán lực lượng, cất giấu, mua sắm, sản xuất vũ khí, chờ thời cơ khởi nghĩa lần thứ hai; cán bộ, đảng viên bám cơ sở, bám dân hoạt động chống khủng bố, khôi phục phong trào, đưa quần chúng ra sống hợp pháp, tránh tổn thất; các đồng chí bị lộ chuyển vùng hoạt động; nhiệm vụ chính là củng cố, phát triển, hoạt động bí mật, không bộc lộ lực lượng. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Xứ ủy mới gồm 11 đồng chí, do đồng chí Phan Văn Khoẻ làm Bí thư. Xứ ủy ra báo Giải phóng làm cơ quan tuyên truyền, hướng dẫn phong trào.

Tiếp đó, ngày 10/4/1941, đồng chí Phan Văn Khỏe cùng tập thể Xứ uỷ Nam kỳ ra Thông cáo gửi tới các đảng viên về việc “Chuẩn bị khởi nghĩa lần thứ hai”, đề ra nhiệm vụ tác xây dựng Đảng, phục hồi hệ thống liên lạc, tổ chức lại các ban lãnh đạo và củng cố tổ chức các ban lãnh đạo ở các tỉnh, kết nạp những quần chúng trung kiên vào Đảng,... Ngày 28/5/1941, đồng chí Phan Văn Khỏe, thay mặt Ban Thường vụ Xứ ủy ra tiếp một thông cáo mới với nội dung yêu cầu các cấp bộ Đảng tín nhiệm cơ quan lãnh đạo, tập trung khôi phục phong trào cách mạng,… Những quyết định trên đây thể hiện rõ sự sắc bén và sâu sát của Bí thư Xứ ủy Phan Văn Khỏe trong việc xác định nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt của các Đảng bộ trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Trên cơ sở tiếp thu chủ trương của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5/1941) do lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì, đồng chí Bí thư Xứ ủy Phan Văn Khỏe đã chỉ đạo các địa phương ráo riết tiến hành tập hợp, củng cố đội ngũ cán bộ, đảng viên, khôi phục cơ sở Đảng, cơ sở đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh và cơ sở quần chúng. Từ đó, một số Liên tỉnh ủy lâm thời, Tỉnh ủy lâm thời và Ban Cán sự Đảng ở Nam kỳ lần lượt được thành lập lại, như Liên Tỉnh uỷ lâm thời Hậu Giang (21/01/1941); Tỉnh ủy lâm thời Rạch Giá và Ban cán sự Đảng các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Cao Lãnh (cuối tháng 01/1941); Liên Tỉnh uỷ miền Đông và các cơ sở Đảng ở Sài Gòn, Gia Định, Tây Ninh, Thủ Dầu Một (đầu năm 1942),…

Riêng ở hai tỉnh Mỹ Tho và Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang), được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phan Văn Khỏe, từ đầu năm 1941, ở Gò Công một số chi bộ được xây dựng, như: chi bộ các làng Vĩnh Hựu, Kiểng Phước, Tăng Hòa, Tân Cương, Bình Luông Đông, Bình Luông Trung. Các chi bộ này đã bắt liên lạc với cơ sở Đảng ở một số xã thuộc huyện Chợ Gạo để cùng phối hợp hoạt động.

Như vậy, sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, mặc dù thực dân Pháp tiến hành khủng bố, nhưng đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Phan Văn Khỏe vẫn kiên cường bám trụ, tích cực chỉ đạo việc khôi phục tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Nam kỳ. Đồng chí Khỏe đã có công lớn trong việc khôi phục phong trào cách mạng ở Nam kỳ sau khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bị thực dân Pháp đàn áp dã man.

Nhờ đó, các cơ sở Đảng, từ Xứ ủy, Liên tỉnh ủy, Tỉnh ủy đến tận chi bộ được thành lập lại để tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của phong trào cách mạng ở Nam kỳ, tiến tới cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành được thắng lợi rực rỡ.

5. Đồng chí Phan Văn Khỏe, tấm gương kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản trong nhà tù thực dân

Ngày 11/7/1941, trên đường đi công tác, đồng chí Phan Văn Khỏe bị địch bắt chuyển về Cai Lậy. Địch nhận ra đồng chí là Bí thư Xứ ủy Nam kỳ nên chúng dùng mọi cực hình tra tấn dã man hòng khuất phục đồng chí. Nhưng địch thất bại, chúng kết án đồng chí tử hình, sau đó, do đồng chí kháng án, nên hạ xuống chung thân đày ra nhà tù Côn Đảo.

Tại nhà tù, đồng chí mang số tù: C.10018. Trong thời gian bị giam cầm, đồng chí nhận được tin Phan Văn Lữ, con trai cả của đồng chí cũng rơi vào tay giặc, bị tra tấn đến chết tại bót cảnh sát Catinat ở Sài Gòn; rồi lại được tin Phan Văn Nam - người em ruột cũng bị bắt đày ra Côn Đảo, đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Tuy nhiên, những nỗi đau đó đã không làm đồng chí gục ngã. Dù bị giam cấm cố và bị tra tấn cực hình nhưng đồng chí đã giữ vững khí tiết cách mạng, không ngừng đấu tranh, chống áp bức, khủng bố của kẻ địch ngay trong nhà lao. Trong tù, đồng chí góp phần cùng tổ chức Đảng chỉ đạo cứu tế tù nhân, đấu tranh chống chế độ giam cầm hà khắc của địch và tham gia nhiều khóa huấn luyện chính trị bí mật do tổ chức Đảng tổ chức với một niềm tin trở về với quê hương, với cách mạng tiếp tục cuộc khởi nghĩa mới.

***

Ngày 30/5/1998, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho đồng chí Phan Văn Khỏe, vì có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Kỷ niệm 78 năm ngày hy sinh của đồng chí Phan Văn Khỏe là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng và dân tộc; qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực thi đua học tập, lao động, công tác và chiến đấu góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc và văn minh.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 138
Hôm qua : 2.313
Tháng 10 : 10.996
Năm 2024 : 813.973