A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tham luận của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tại Hội thảo về chủ đề “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” và “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và chiến sĩ, ngày 13/5, Đảng ủy Công an tỉnh tổ chức Hội thảo về chủ đề “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” và “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có tham luận đăng tải kỷ yếu Hội thảo với chủ đềÝ nghĩa và giá trị thực tiễn về lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” trong việc tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Giang nói riêng”. Ban biên tập Cổng thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trân trọng đăng tải toàn bộ nội dung bài tham luận.

Toàn Cảnh Hội thảo về chủ đề “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” và “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”
Ngày 15/01/2018 tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Tôi tin tưởng và tha thiết mong rằng: Với những nỗ lực và quyết tâm cao, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, với đội ngũ cán bộ trung thành, tận tụy, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực, lực lượng Công an nhân dân sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập nhiều thành tích, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Mong các đồng chí luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí mình và thực hiện cho bằng được chân lý: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Còn Đảng thì còn mình”; “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Những lời nói tâm huyết từ trái tim của người đứng đầu Đảng đã khiến cho mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, chiến sĩ công an nói riêng, nhất là những người lãnh đạo phải suy nghĩ và hành động cho xứng đáng với mong mỏi và danh dự của người đảng viên cộng sản, bởi “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Danh dự” là phẩm chất đạo đức, lòng tự trọng của một con người, cần phải thường xuyên xây đắp, tích tụ trong suốt cuộc đời; là sự coi trọng của dư luận xã hội, dựa trên giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp. Danh dự của mỗi con người không thể đo đếm hay mua bằng vật chất và cũng không bỗng dưng hoặc trong một chốc một lát có được, mà phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện, dày công vun đắp.
Câu nói của Tổng Bí thư “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” chính là lời nhắn nhủ: Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nỗ lực hơn nữa để tu dưỡng, rèn luyện mình, làm sao để xứng đáng với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, giữ bằng được cho mình điều thiêng liêng nhất - đó là danh dự. Danh dự của người cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ, chiến sĩ công an nói riêng phải được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn đời sống và trong công tác, chiến đấu, là quá trình thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ, là sự tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không màng danh lợi, không vì tiền của mà làm ảnh hưởng, thậm chí làm mất đi, chà đạp lên danh dự của chính mình, lực lượng mình. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ, chiến sĩ công an nói riêng phải luôn giữ bản lĩnh vững vàng, liêm, chính trước những cám dỗ về lợi ích vật chất phi pháp; lấy danh dự làm mực thước để thi hành công vụ được công minh, chính trực, không tham nhũng, tiêu cực, vụ lợi, xứng đáng với danh dự, truyền thống vẻ vang của của Đảng, của lực lượng công an nhân dân, sự tin yêu của nhân dân.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư phát biểu câu nói Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất ngay tại thời điểm trước khi diễn ra đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng và Tổng Bí thư cũng không chỉ phát biểu với riêng với lực lượng công an mà còn được khẳng định trong nhiều bài viết, nhiều lần phát biểu tại nhiều hội nghị khác nhau. Điều đó càng cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của câu nói:
Tháng 11/2020, tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Phải giữ cho được tư cách, đạo đức, danh dự của người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người lãnh đạo…
Tháng 6/2021, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một lần nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một trong những việc học và làm theo Bác Hồ là phải giữ thanh liêm, giữ liêm sỉ, danh dự, trong sạch, trong sáng. Vì liêm sỉ là nền tảng của đạo làm người.
Mới đây, tháng 8/2021, phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa chia sẻ về lẽ sống của người cách mạng: Đó là phải làm sao giữ cho được, làm cho đúng theo tư cách, đạo đức, danh dự của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người lãnh đạo. Bởi một công bộc của một quốc gia liêm chính phải có đức - có tài- phải công chính vô tư….
Câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhắc lại nhiều lần mang theo thông điệp, mong muốn của người đứng đầu Đảng ta đối với cán bộ, đảng viên đó là: Chúng ta đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa để tu dưỡng, rèn luyện mình. Chặng đường trước mắt còn dài, khó khăn còn nhiều và có cả những cạm bẫy, cám dỗ. Vậy làm sao để xứng đáng với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, giữ bằng được cho mình điều thiêng liêng nhất đó là danh dự của bản thân mỗi con người.
Câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Về mặt lý luận, như chúng ta đã biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức sáng ngời về thực hành, đạo đức cách mạng “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, về lòng tự trọng, phẩm chất, danh dự của người đảng viên cộng sản kiên trung. Trong suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo công tác xây dựng Ðảng, trong đó thường xuyên xây dựng, vun đắp danh dự, uy tín của Ðảng, của mỗi cán bộ, đảng viên. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện qua nhiều tác phẩm. Trong tác phẩm Ðường cách mệnh (năm 1927) -  một trong những tác phẩm tiêu biểu, tạo tiền đề tư tưởng, lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã nêu rõ 23 điều về tư cách của một người cách mệnh phải tu dưỡng, rèn luyện suốt đời; điều đó đã trở thành chuẩn mực, làm nên uy tín, danh dự của những người cộng sản Việt Nam ở mọi thời kỳ. Cùng với đó, tư cách của Ðảng chân chính cách mạng với 12 điều cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947) - tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng, một tài liệu học tập của cán bộ để tu dưỡng tư tưởng, đạo đức và tác phong làm việc, Người nhấn mạnh: “Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Theo Hồ Chí Minh, làm tốt 12 điều đó, Ðảng thật sự vững bền, vai trò, danh dự và uy tín của Ðảng được nâng cao…
Về mặt thực tiễn, ngược dòng lịch sử, trở về chiến khu Việt Bắc nơi đầu tiên 10 lời thề danh dự của quân nhân vang lên. Vào ngày 22/12/1944, theo Chỉ thị của Hồ Chủ tịch, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ dưới cờ đỏ sao vàng đã long trọng tuyên đọc 10 lời thề danh dự. Lời thề danh dự là lời thề phấn đấu, lòng yêu nước và ý chí cách mạng, phục tùng mệnh lệnh của cấp trên, ý chí cách mạng không ngại gian nan, khổ cực. Thực hiện lời thề danh dự, trải qua 2 cuộc kháng chiến với kẻ thù hùng mạnh của thế giới là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ với vũ khí tối tân, hiện đại, mỗi cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam với danh dự và lòng tự hào dân tộc, với quyết tâm cao, đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, giành lấy cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc, đã có nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung của dân tộc, của Đảng để giữ vững lời thề danh dự mà đã hy sinh cả mạng sống của bản thân mình.
Trong thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới hiện nay, phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng ta, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, về trí tuệ, trình độ lý luận, về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực tiễn, về bản lĩnh chính trị; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, giữ trọn niềm tin của nhân dân. Từ sự nỗ lực của mỗi cán bộ, đảng viên đã góp phần vào thành tích chung của Đảng, của đất nước như lời Tổng Bí thư đã khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”[1].
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trước yêu cầu công cuộc đổi mới ngày càng gay gắt, ngày càng phức tạp và ngày càng khó khăn, do những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, trước những cám dỗ vật chất, quyền lực ngày càng tinh vi và sự chống phá không ngừng của các thế lực thù địch, phản động đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “không giữ vững được danh dự”, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vi phạm các chuẩn mực đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, lợi ích nhóm, chạy theo lợi ích kinh tế. Đặc biệt, bài học trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng với gần 100 cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp, người còn đương chức hay đã về hưu có sai phạm đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự… Đó là lời cảnh tỉnh đối với mỗi cán bộ, đảng viên, chỉ cần một giây phút đánh mất chính mình, không coi trọng danh dự, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất là sẽ đánh mất danh dự, uy tín của bản thân mình, của Đảng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân.
Để khắc phục những hạn chế đó đòi hỏi công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta phải tiếp tục được tiến hành một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa; đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng tự nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, luôn đề cao việc giữ gìn “danh dự”, lòng tự trọng của chính bản thân mình, để luôn xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng đã được xây đắp bởi biết bao xương máu, công sức của các thế hệ ông cha.
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ quốc, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn nhưng những năm qua, các cấp ủy trên địa bàn tỉnh đã luôn quan tâm triển khai thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, phát huy vai trò tiên phong, trách nhiệm, giữ gìn uy tín, danh dự của mỗi cán bộ, đảng viên. Qua đó không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, năng lựcphát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực cống hiến của mỗi cán bộ, đảng viên. Bên cạnh kết quả đạt được, còn một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chưa thực sự đề cao danh dự, vai trò nêu gương của mỗi người đảng viên, còn xảy ra tình trạng vi phạm đạo đức công vụ, pháp luật, quy định của Đảng (trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 1.064 đảng viên, trong đó có 06 cấp ủy viên cấp tỉnh).
Đối với lực lượng Công an tỉnh Hà Giang, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, của Tỉnh ủy, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, trọng tâm là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân được tích cực triển khai. Đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình về tinh thần mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, qua đó tạo được niềm tin, xây dựng hình ảnh người công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, tiêu biểu như: Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an tỉnh Hà Giang) tham mưu có hiệu quả công tác chuyên môn đồng thời huy động được các tổ chức, cá nhân ủng hộ được số tiền hàng tỷ đồng giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống; Trung úy Lưu Minh Thức, Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Yên Minh) với tinh thần “vì cuộc sống bình yên của nhân dân” đã anh dũng hy sinh trong lúc truy bắt tội phạm; Trung tá Hoàng Thị Quế, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) nêu cao trách nhiệm trong công việc và đi đầu trong các hoạt động từ thiện, đã kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ nhiều trẻ em sinh ra không may mắn, bệnh tật với số tiền huy động hàng trăm triệu đồng… Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, hiện nay còn một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chưa thực sự phát huy trách nhiệm trong công việc, chưa gắn bó với nhân dân, còn vi phạm chuẩn mực đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào lực lượng công an nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Giang nói riêng, trọng tâm là lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong thời gian tới cần quan tâm triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:
Một là, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, lời căn dặn của Tổng Bí thư “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng. Kết hợp giữa giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng với giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Chú trọng công tác phát hiện, xây dựng, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những mô hình điển hình trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, các biểu hiện xa rời quần chúng nhân dân, bệnh thành tích, tham nhũng, lãng phí.
Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng chủ động đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là nội dung sinh hoạt tư tưởng trong sinh hoạt đảng; phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, chú trọng việc bồi dưỡng, nâng cao ý thức, trách nhiệm, giữ vững danh dự, lòng tự trọng và tinh thần nỗ lực, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của mỗi cán bộ, đảng viên. Triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Ba là, thực hiện nghiêm quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu theo Quy định số 16-QĐi/TU, ngày 08/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư cấp ủy các cấp và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh. Đề cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, gương mẫu trong thực hiện các chuẩn mực đạo đức; giữ vững hình ảnh, danh dự, tác phong, lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác giáo dục lịch sử đảng, truyền thống với hình thức đa dạng, phù hợp, hiệu quả, như: Tổ chức lễ kỷ niệm, các đợt sinh hoạt chính trị, hội thảo khoa học, tọa đàm, xây dựng phim tài liệu, triển lãm ảnh, tư liệu...
Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 343-KH/TU, ngày 02/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chú trọng công tác tuyên truyền, nội dung tuyên truyền đi vào thực chất, có chiều sâu, đảm bảo tính định hướng kịp thời khi có các vấn đề có tính chất phức tạp, nhạy cảm tác động đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên. Nắm chắc, dự báo sát, định hướng, xử lý kịp thời các vấn đề tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, không để xảy ra các “điểm nóng” tại địa phương, đơn vị. 
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống của các cấp ủy đối với cán bộ, đảng viên để có giải pháp ngăn chặn từ xa, giải quyết sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy định số 109-QĐ/TW, ngày 03/01/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Trọng tâm là kiểm tra, giám sát 3 nhóm biểu hiện nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm trong thực hiện các chuẩn mực đạo đức, lối sống, nhất là hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Đảng.
BBT
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập I, tr.25.

Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.129
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.913
Năm 2024 : 513.259