Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Tư tưởng, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một Việt Nam hùng cường tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân tộc từng bước hiện thực hóa trong công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đồng thời đề ra mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây vừa là mục tiêu cụ thể, là động lực, khát vọng phát triển đất nước trong thời gian tới.
Ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang khát vọng lớn lao: Độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Trong tư tưởng của Người, hạnh phúc của người dân đơn giản là quyền sống, từ đó phát triển một dân tộc, một quốc gia hạnh phúc; đó là một xã hội do nhân dân lao động làm chủ, bình đẳng, không có chế độ người bóc lột người. Trong quá trình xây dựng đất nước, Người rất coi trọng các chính sách kinh tế nhằm đạt tới sự ổn định và phát triển xã hội, đem lại hạnh phúc cho con người.
Ý chí, khát vọng độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, hùng cường cho dân tộc và tấm gương mẫu mực suốt đời phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là động lực, tư tưởng soi đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Hiện thực khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải xây dựng chế độ chính trị dân chủ, tiến bộ, thật sự vì dân, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội văn minh, tiến bộ với những giá trị đạo đức tốt đẹp. Muốn vậy, phải xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, có kế hoạch thực hiện cùng với sự đồng lòng của người dân.
Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra trên cơ sở nhận thức khoa học, đúng đắn lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, phù hợp với thực tiễn đất nước. Từ thực tiễn hoàn cảnh nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu và trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có cách làm, bước đi và biện pháp thích hợp. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị chỉ đạo thực tiễn và nghiên cứu lý luận về sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo con đường của chủ nghĩa xã hội, trở thành cơ sở, nền tảng tư tưởng để Đảng hoạch định đường lối, lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Đối với Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới nhiều dân tộc, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Những năm qua, nhằm khơi dậy tiềm năng phát triển của tỉnh, Đảng bộ tỉnh đã chú trọng việc phát huy tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, chú trọng phát huy các thế mạnh phát triển nông nghiệp nhằm xây dựng thương hiệu nông sản như: Mật ong bạc hà, dược liệu, cam sành, chè… đồng thời chú trọng phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo; phát huy tiềm năng về phát triển du lịch… Đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,06%/năm 2021; tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 27.127,3 tỷ đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng qua các năm, năm 2021 đạt 2.700 tỷ đồng; thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 11.701,5 tỷ đồng. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định, chủ quyền Quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại được tăng cường; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được phát huy, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đảm bảo.
Ảnh: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định rõ những mục tiêu phát triển của tỉnh, góp phần thực hiện khát vọng phát triển của đất nước
Phát huy kết quả đạt được, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu khơi dậy tiềm năng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định rõ mục tiêu phấn đấu trong những năm tiếp theo đó là “Đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước”, góp phần thực hiện mục tiêu chung của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nguyễn Yến- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ