A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái

CTTBTG - 55 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969-2024), những điều Người chỉ dẫn, căn dặn trong tác phẩm vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Một trang bản thảo bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (3/2/1969)

Một trang bản thảo bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (3/2/1969)

PHÒNG, CHỐNG VÀ ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN NHƯ NGƯỜI CHỈ DẪN

Là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định rằng: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”(1); “vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng””(2) và “Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích nào khác”(3)... mà còn thường xuyên quan tâm, chú trọng việc rèn luyện đạo đức cách mạng để phòng, chống và đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân - nguyên nhân sâu sa của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải là những tấm gương mẫu mực về phẩm chất đạo đức của người cách mạng, sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; luôn luôn: 1) “Tự mình phải “hoà mà không tư”, “cả quyết sửa lỗi mình”, “vị công vong tư”, không hiếu danh, không kiêu ngạo”, “ít lòng ham muốn về vật chất”. 2) Đối người phải “với từng người thì khoan thứ”, “có lòng bày vẽ cho người”, “hay xem xét người”. 3) Làm việc phải “phục tùng đoàn thể”(4)... và đó chính là “làm người đày tớ nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân”(5). Đó cũng chính là yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên phòng, chống và đấu tranh với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng, xứng đáng với vai trò vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Và cũng vì Đảng là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc, trên mọi lĩnh vực, nên đại đa số cán bộ, đảng viên là những người “anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang”. Đó là những người “gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác. Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế”(6) như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quyét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Tuy nhiên, vì “Đảng ta không phải từ trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra”(7) và “Đảng ta là một Đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng”(8). Cho nên, vẫn còn những cán bộ, đảng viên, những tổ chức chưa thực hiện nghiêm việc rèn luyện đạo đức cách mạng để phòng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nên trong Đảng cũng vẫn còn những người thoái bộ, suy thoái, “đạo đức, phẩm chất còn thấp kém”, lối sống xa rời lý tưởng cách mạng đã được Người chỉ rõ trong tác phẩm này. Đó chính là những người: 1) “Việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. 2) “Ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”. 3) “Mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(9)...

Thực tế cho thấy, vì chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch “nội xâm”, luôn ẩn giấu trong mỗi con người; là thứ “vi trùng” mẹ, đẻ ra nhiều “virus” con, nên “rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”(10). Chủ nghĩa cá nhân không chỉ đối lập với đạo đức cách mạng, mà còn là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng; không chỉ là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, mà còn “là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội”, cho việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, cho nên “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”(11). Vì thế, để xứng đáng với vai trò tiền phong, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ phải nhận thức sâu sắc về việc kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng một Đảng Mácxít - Lêninnít, mà còn phải chú trọng phòng, chống và đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân từ sớm, từ xa để phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân với tinh thần tận tụy, không tư, không lợi.

Thực tế công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng 94 năm qua cũng cho thấy, chủ nghĩa cá nhân chính là sự biểu hiện tập trung nhất, rõ nét nhất, cụ thể nhất sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi con người, trong từng tổ chức. Chừng nào “vi trùng” chủ nghĩa cá nhân còn tiềm ẩn trong mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; trong mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, thì chừng đó còn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, còn gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm xói mòn lòng tin yêu của nhân dân với Đảng và chế độ. Vì thế, trong mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền và trong mỗi cán bộ, đảng viên, chủ nghĩa cá nhân không chỉ là nguyên nhân sâu sa của những biểu hiện mất dân chủ, bè cánh, địa phương chủ nghĩa, hẹp hòi, ích kỷ, chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết, làm suy yếu sức mạnh của từng tập thể, mà còn là những trở lực đối với sự toàn tâm, toàn ý phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của những cán bộ, đảng viên chân chính. Cho nên, nhìn từ chiều cạnh nào cũng thấy chủ nghĩa cá nhân là một trong những nguy cơ lớn đe dọa uy tín, danh dự, vị thế cầm quyền/lãnh đạo hệ thống chính trị và vai trò tiền phong của Đảng; không chỉ ảnh hưởng tới Đảng, từng cán bộ, đảng viên, mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc trên hành trình kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Từ những hệ lụy “do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm khuyết điểm” và nhìn vào thực tế những cán bộ, đảng viên vì sa vào chủ nghĩa cá nhân mà vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật đã, đang bị xử lý nghiêm minh, có thể thấy không phải ngẫu nhiên 55 năm trước đây trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” viết dịp kỷ niệm thành lập Đảng mùa Xuân năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chỉ rõ yêu cầu: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”(12) trong toàn Đảng và trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

 

QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN ĐỂ XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH

Xuyên suốt lịch sử công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, có thể thấy việc phòng, chống và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng trong toàn Đảng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm; luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng triển khai sâu rộng từ Trung ương tới địa phương. Những nhiệm kỳ gần đây, cùng với việc đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, vấn đề phòng, chống và đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân cũng như những biểu hiện suy thoái đã trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền và trong mỗi cán bộ, đảng viên.

Thực tế, việc triển khai gắn thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”” với Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””... đã góp phần ngăn chặn những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời, việc thực hiện các Quy định về nêu gương như Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”, Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương”… gắn với đẩy mạnh phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Đảng, hệ thống chính trị cũng đã góp phần thiết thực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kịp thời loại trừ những con sâu mọt ra khỏi Đảng.

Tuy nhiên, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, của lối sống “sủng vật chất”, bị cám dỗ bởi vật chất, trong Đảng vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên được trao trọng trách tại các cơ quan công quyền đã lợi dụng, lạm dụng quyền lực được ủy thác để mưu cầu lợi ích riêng cho mình và nhóm lợi ích. Những hành động vụ lợi của họ là biểu hiện cao nhất của chủ nghĩa cá nhân, của sự suy thoái về đạo đức, lối sống; là minh chứng cho những biểu hiện kinh niên của căn bệnh cá nhân chủ nghĩa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Những hành động vụ lợi của họ không màng đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, không màng đến uy tín và danh dự của Đảng, của người đảng viên cộng sản, không chỉ gây thất thoát lớn tiền của của Nhà nước và nhân dân, mà còn đe dọa vị thế tiền phong của một Đảng cầm quyền.

Vì thế, đón Xuân mới Giáp Thìn 2024 và đọc lại những trăn trở, tâm huyết, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc rèn luyện đạo đức cách mạng là việc làm vừa cần thiết vừa ý nghĩa. Từ những chỉ dẫn của Người, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ cần thấm nhuần sâu sắc hơn nữa lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, mà còn cần phải quán triệt thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng và nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên.

Trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm thì xây dựng Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt và phòng, đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân luôn là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục của Đảng cầm quyền. Vì thế, để Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là một khối đoàn kết, thống nhất trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và luôn gương mẫu về đạo đức, bảo đảm đường lối, chủ trương được chấp hành nghiêm chỉnh thì không thể sao nhãng việc phòng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân từ sớm, từ xa; không thể sao nhãng việc nhận diện và chỉ ra các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đấu tranh ngăn chặn và phòng ngừa. Đi liền với đó là mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở Đảng đều phải tiến hành tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát nghiêm túc để kịp thời phát hiện những cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm; kịp thời đưa ra biện pháp sửa chữa nghiêm túc và kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để Đảng trong sạch, vững mạnh.

Mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, cán bộ, đảng viên không chỉ phải nhận thức sâu sắc hơn nữa tác hại của chủ nghĩa cá nhân; hiểu rõ đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”, mà còn phải chú trọng thực hiện phòng, chống chủ nghĩa cá nhân đi liền với chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu trên tinh thần nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức, tính kỷ luật, tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đặc biệt, một trong những biện pháp hữu hiệu để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân chính là mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng phải luôn thấu triệt: lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của tập thể, nên “nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể” để phát huy tính tiền phong gương mẫu, nói đi đôi với làm. Đồng thời luôn đi sâu, đi sát, gần gũi với nhân dân; tôn trọng, lắng nghe nhân dân; tận tụy phụng sự nhân dân với tinh thần liêm, chính, chí công vô tư để tạo “hệ miễn dịch” với những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa./.

TS. TRẦN THỊ KIM NINH
Học viện Chính trị khu vực II
____________________

(1) (2) (7) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, H, 2011, t.5, tr.289, 290-291, 303, 301-302.

(3) (10) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.604, 602, 609.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.280-281.

(5) (6) (9) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.292, 546, 546-547, 547.


Nguồn: Tạp Chí Tuyên giáo
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.287
Hôm qua : 1.586
Tháng 12 : 41.457
Năm 2024 : 978.155