Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn nằm trong danh sách bảo tồn Lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số năm 2022
Tết cơm mới của dân tộc Giáy tỉnh Lào Cai và của dân tộc Mường tỉnh Phú Thọ, lễ hội Mường Lập, lễ hội Mường Đòn của dân tộc Mường tỉnh Thanh Hóa, lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn tỉnh Hà Giang sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với địa phương tổ chức bảo tồn với đủ các hoạt động sưu tầm, thống kê, truyền dạy, bảo tồn.
Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, Hà Giang |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ra quyết định số 2072/QĐ-BVHTTDL do Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ký về việc bảo tồn một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số.
Mục đích của việc bảo tồn này là nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của các chủ thể văn hóa và các tổ chức, cá nhân có liên quan; khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc; giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể; xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại địa phương; đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Quyết định nêu rõ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các địa phương trong triển khai thực hiện hoạt động bảo tồn lễ hội truyền thống, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế; kết hợp tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng; góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong các lễ hội truyền thống; giới thiệu, quảng bá những giá trị của lễ hội truyền thống các dân tộc phục vụ phát triển du lịch.
Cụ thể, tại tỉnh Lào Cai, tổ chức bảo tồn, phát huy Tết cơm mới của dân tộc Giáy tại thị xã Sa Pa. Sẽ có 5 nghệ nhân và 65 học viên là người dân tộc Giáy (xã Tả Van) tham gia.
Tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, tổ chức bảo tồn, phục dựng Lễ hội Mường Lập của dân tộc Mường, do các đơn vị của Bộ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) thực hiện. Có 5 nghệ nhân và 65 học viên người Mường tham gia.
Tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang bảo tồn, phát huy Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn phục vụ phát triển du lịch. Có 8 nghệ nhân, 62 học viên là người dân tộc Pà Thẻn tham gia.
Tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, tổ chức bảo tồn, phát huy Tết cơm mới của dân tộc Mường, với 5 nghệ nhân, 65 học viên là người dân tộc Mường tham gia.
Tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, tổ chức bảo tồn, phát huy Lễ hội Mường Đòn. Có 5 nghệ nhân, 65 học viên là người dân tộc Mường tham gia.
Các hoạt động bảo tồn do Vụ Văn hóa dân tộc phối hợp với Vụ Kế hoạch, Tài chính; Văn phòng Bộ; Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương, các Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện. Dự kiến việc bảo tồn sẽ thực hiện vào quý IV/2022.
Các hoạt động bảo tồn bao gồm: khảo sát, điều tra thực tế, nghiên cứu, sưu tầm, thu thập thông tin, tư liệu; đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của các lễ hội tiêu biểu, lập danh sách nghệ nhân, học viên tham gia hoạt động bảo tồn; tổ chức truyền dạy, hướng dẫn quy trình thực hành các nghi lễ, nghi thức, trò chơi trong các lễ hội tiêu biểu; hỗ trợ nguyên liệu, vật tư, trang thiết bị, nhạc cụ, đạo cụ phục vụ hoạt động truyền dạy, bảo tồn; tổ chức thực hành, tái hiện lễ hội tiêu biểu; tổ chức ghi hình, chụp ảnh và sản xuất phim tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền.
Lê Minh tổng hợp