Kiếm tiền triệu từ lá cây rụng
Nhờ kỹ thuật thêu trên lá, nghệ nhân Quản Thị Cúc đã sáng tạo nên những bức tranh trên xương lá bồ đề, giá bán lên đến 5 triệu đồng một sản phẩm.
Ba năm trước, chị Cúc, 35 tuổi, ở quận Hoàng Mai, tình cờ tìm ra cách thêu trên lá mà không bị rách sau khi được một học viên nhờ hướng dẫn. Đến nay, ở Việt Nam chưa ai nghiên cứu phương pháp này, buộc chị phải tự mày mò, thử nghiệm.
Là nghệ nhân quốc gia với nghề thêu tay nhưng chị Cúc thừa nhận gặp khó khi thực hành trên chiếc lá mỏng manh. Chị không nhớ làm hỏng bao nhiêu sản phẩm nhưng số lá bị rách ước tính lên đến hàng kg vì chỉ cần một lần lực ở bàn tay mạnh, toàn bộ sản phẩm sẽ hỏng.
Sau ba tháng tìm ra kỹ thuật và thêm hai tháng kiên trì tập luyện, chị dần điều tiết được lực ở bàn tay, việc thêu các họa tiết lên lá thuận lợi hơn, số sản phẩm hỏng ít dần.
Theo chị Cúc, lá bồ đề chọn làm tranh phải có hình dáng đẹp, cân đối hai bên, râu thon dài. Từ lá tươi, người thợ phải rửa sạch, ngâm trong nước vôi trong 60 ngày, sau đó chải sạch, giữ lại đường xương gân và phơi khô dưới nắng mặt trời.
Các công đoạn thêu tranh trên lá bồ đề cơ bản giống thêu trên các chất liệu khác, từ tìm ý tưởng, phác họa lên lên giấy, chỉnh sửa họa tiết cho đúng ý, vẽ mẫu lên lá và bắt đầu thêu. "Nhưng thêu trên vải khó một, thì xương lá bồ đề khó cả trăm lần. Không chỉ nhẹ nhàng, khéo léo để thêu không bị rách, người thợ còn phải cần cù, chịu khó, tỉ mỉ, kết hợp với sự tư duy cao để tạo một sản phẩm hoàn chỉnh", chị Cúc nói.
Thời gian đầu, nữ nghệ nhân mất cả tháng để hoàn thiện một sản phẩm do phải sơ chế lá. Nhưng sau, chị tìm mua xương lá được xử lý sẵn tại Hợp tác xã Sinh Dược, thời gian làm giảm xuống còn vài ngày cho đến vài tuần, tùy thuộc vào độ khó của bức tranh.
Chị Cúc sáng tạo hơn 100 mẫu thêu trên lá, từ tranh thêu chữ thư pháp, hoa cỏ, linh vật, phong cảnh, các biểu tượng văn hóa, quốc kỳ... Nhưng khó và tốn nhiều công sức nhất là bức thêu tượng Phật, hổ, chim công, phượng bởi nhiều chi tiết phức tạp, hình ảnh thêu xong phải có hồn, sống động như thật.
Những tác phẩm thêu kỳ công được nữ nghệ nhân giới thiệu lên mạng xã hội khiến nhiều người trầm trồ, ngưỡng mộ, sau liên hệ đặt làm vật phẩm trưng bày hoặc quà tặng bạn bè, người thân trong những dịp đặc biệt.
Trung bình mỗi tháng, chị Cúc nhận vài chục đơn, khách phải đặt trước nhưng nhiều thời điểm làm không xuể bởi số lượng yêu cầu lớn. Giá một sản phẩm dao động từ 400.000 đồng đến 5 triệu đồng, tùy thuộc vào độ cầu kỳ, tỉ mỉ và thời gian hoàn thiện.
"Lá bồ đề không chỉ có hình dáng đẹp mà còn chứa đựng ý nghĩa lớn nên tôi muốn chúng được sống lại trong diện mạo mới. Bản thân tôi cũng rất vui khi sản phẩm được nhiều người đón nhận", chị Cúc tâm sự.
Ngoài duy trì nghề thêu tay truyền thống, đổi mới trên nhiều loại vật liệu thêu khác nhau để giữ và phát triển nghề, chị Cúc còn mở các lớp thêu tay trực tuyến có sự tham gia của gần 3.000 học viên ở trong và ngoài nước.
Với những nỗ lực không ngừng trong việc phát triển kỹ thuật thêu tay, chị Quản Thị Cúc đã nhận được danh hiệu Nghệ nhân bàn tay vàng năm 2019 và Nghệ nhân quốc gia năm 2022 về ngành thêu tay truyền thống.
Trong thời gian tới, nữ nghệ nhân trẻ nhất của ngành thêu tay truyền thống sẽ tiếp tục nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo, có tính thẩm mỹ cao và mang đậm nét văn hóa nghệ thuật.
"Tôi hy vọng có thể lưu giữ giá trị di sản văn hóa dân tộc, nhân rộng nghề thêu đến thế hệ trẻ để chúng sống mãi với thời gian", chị Cúc bộc bạch.
Một số tác phẩm thêu tay trên lá bồ đề của chị Cúc.
Quỳnh Nguyễn (vnxpress.vn)