A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Giang: Đào tạo nghề gắn với đòi hỏi của thị trường và doanh nghiệp

Với hơn 60% dân số đang trong độ tuổi lao động, nên việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đang được tỉnh Hà Giang rất quan tâm.

6 tháng, giải quyết việc mới cho 15.368 lao động

Đồng bào dân tộc tại thôn Kẹp B, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang chăn nuôi trâu bò đã từ lâu đời. Trước kia, bà con đều chăn thả tự nhiên, trâu bò ốm, chết thì thịt, nên hiệu quả chăn nuôi còn thấp.

Vậy nhưng sau khi tham dự các lớp dạy nghề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Bắc Mê tổ chức, bà con đã biết nuôi trâu bò sao cho năng suất cao, biết trị bệnh cho trâu bò thay vì để trâu bò chết một cách lãng phí.

Không chỉ chăn nuôi, mà thông qua các lớp dạy nghề, một số bà con đã nắm được kiến thức cơ bản trong việc trồng và khai thác rừng trồng, trồng rau an toàn, sửa chữa máy nông nghiệp; lắp đặt điện nội thất...

Hướng dẫn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò tại thôn Kẹp B, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang
Hướng dẫn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò tại thôn Kẹp B, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang

Được biết, để đào tạo nghề đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Bắc Mê đã cho đội ngũ giáo viên xuống trực tiếp các xã, thị trấn, thôn bản, khảo sát nhu cầu nguyện vọng của người lao động; tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh hướng dẫn người lao động tham gia học nghề. Nhờ đó, các lớp dạy nghề đều thu hút được khá đông học viên tham gia.

Không chỉ riêng huyện Bắc Mê, công tác dạy nghề hiện đang được thành phố Hà Giang và 9 huyện khác trong tỉnh rất quan tâm, với tư duy: Truyền được nghề và người được dạy nghề có việc làm sẽ là yếu tố quan trọng góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương.

Theo đó, năm 2021, Hà Giang đã giải quyết việc làm mới cho 17.428 lao động. 6 tháng đầu năm 2022, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Giang đã giới thiệu 22 doanh nghiệp về cơ sở tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp; 7 doanh nghiệp tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cùng với đó, chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức 123 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, định hướng nghề nghiệp cho 9.400 người.

Kết quả, giới thiệu việc làm thành công 1.107 người (tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021); thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm và duy trì việc làm với số tiền 90 tỷ đồng, đạt 112,5% kế hoạch (tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021); toàn tỉnh giải quyết việc mới cho 15.368 lao động, đạt 89,35 % kế hoạch, tăng 36,28% so với cùng kỳ năm 2021.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường

Hướng tới mục tiêu nâng cao trình độ, tay nghề của người lao động nông thôn, miền núi nhằm bắt kịp xu thế phát triển, mấy năm trở lại đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Giang tiếp tục đầu tư nâng cấp trang thiết bị giảng dạy tương xứng với quy mô, loại hình từng cơ sở đào tạo; thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ quản lý học tập nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu đào tạo.

Đặc biệt, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Giang chủ trương không chạy theo số lượng, thành thích; thay vào đó là nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đổi mới phương pháp dạy và học, đảm bảo đào tạo phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương và theo nhu cầu của thị trường lao động để giải quyết việc làm; chuyển đổi nghề cho người lao động.

Giờ thực hành nghề lâm sinh cho người lao động tỉnh Hà Giang
Giờ thực hành nghề lâm sinh cho người lao động tỉnh Hà Giang

Cụ thể thực hiện mục tiêu tỷ lệ lao động có việc làm đạt trên 80%, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Giang tổ chức dạy các nghề xã hội có nhu cầu và phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như: Chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng, chăn nuôi gia súc gia cầm, thêu ren, khai thác chế biến khoáng sản...; Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết, liên doanh, tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cùng với việc huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp; hiện Hà Giang đang chủ động phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 25-30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề. Mỗi năm đào tạo trung bình 8.000 lao động ở các cấp trình độ.

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu: Đào tạo cho 36.000 người, trong đó sơ cấp và dưới 3 tháng 30.000 người, trung cấp 5.000 người, cao đẳng 1.000 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt tối thiểu 80%. Phấn đấu hết năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%.

Đến năm 2030, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hà Giang được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực của thị trường; góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ bằng cấp 25,5%. Đào tạo mới, đào tạo lại cho khoảng 80.000 người.

Giờ đây, chỉ với vài cú click chuột vào Trang thông tin điện tử Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang (vieclamhagiang.vn), người lao động đã có được cái nhìn toàn cảnh về học nghề, việc làm, kỹ năng thi tuyển... trong nước và ngoài nước; các thông tin tư vấn về chính sách, pháp luật lao động cho người lao động, sử dụng lao động, thủ tục, bảo hiểm…

Đây được xem là những động thái tích cực để người lao động Hà Giang có cơ hội tiếp cận gần hơn, hiểu đúng giá trị của hoạt động dạy nghề; định hướng được nghề nghiệp nên học cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm đảm bảo cuộc sống

Theo Congthuong.vn


Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.075
Hôm qua : 2.611
Tháng 07 : 64.950
Năm 2024 : 570.296