A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Mèo Vạc: Từ bản sắc văn hóa đến sự đặc sắc của du lịch

Nằm trong Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, huyện Mèo Vạc là một trong những tuyến điểm du lịch quan trọng của Hà Giang.

Nhắc đến huyện Mèo Vạc là tới cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ với dòng sông Nho Quế, vách đá thần Mã Pì Lèng, con đường Hạnh Phúc… Cùng với đó là Lễ hội Chợ tình Khâu Vai và các Làng văn hóa du lịch cộng đồng giàu bản sắc dân tộc Mông như: thôn Pả Vi Hạ (xã Pả Vi); Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tát Ngà (xã Tát Ngà)...

Lễ hội Chợ tình Khâu Vai - điểm đến du lịch riêng có của huyện Mèo Vạc

Lễ hội Chợ tình Khâu Vai - điểm đến du lịch riêng có của huyện Mèo Vạc

Những năm qua, nhờ chú trọng bảo tồn văn hóa gắn với phát triến du lịch và triển khai các đề án phát triển thương mại - dịch vụ, kinh tế - xã hội của huyện Mèo Vạc đã có những bước phát triển rõ rệt.

Tính đến năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa của huyện Mèo Vạc đạt 647,27 tỷ đồng, tăng 1,93 lần so với năm 2015; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 144 tỷ đồng, tăng 82,41 tỷ đồng so với năm 2015; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 20 triệu USD.

Đến nay, kết cấu hạ tầng du lịch của huyện Mèo Vạc cơ bản đã được đầu tư, nâng cấp, tôn tạo; các điểm thăm quan, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí phát triển mạnh...

Với chủ trương phát triển du lịch, gắn với khai thác, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và lợi thế của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, huyện Mèo Vạc đang tiếp tục đầu tư, thu hút đầu tư nâng cấp và khai thác hiệu quả các công trình, dự án là điểm nhấn du lịch của huyện.

Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc) – một trong “tứ đại đỉnh đèo” ở Việt Nam

Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc) – một trong “tứ đại đỉnh đèo” ở Việt Nam

Trong đó phải kể đến các điểm đến đang được rất nhiều du khách quan tâm như: Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ; Chợ tình Khâu Vai; Khu du lịch đa trải nghiệm Mê cung đá; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Tả Lủng; Nhà máy chế biến thịt bò Vàng; Dự án khu đô thị mới Cao nguyên đá; Dự án khu du lịch sông Nho Quế; Dự án xây dựng khu du lịch khám phá, trải nghiệm Parastone; Dự án đầu tư khai thác hang động tại thôn Sán Tớ và hố sụt tại thôn Tìa Chí Dùa (thị trấn Mèo Vạc)...

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư khai thác hiệu quả Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán phục vụ phát triển du lịch; đầu tư dự án trồng rừng bảo tồn cảnh quan Mã Pì Lèng. Triển khai thực hiện tốt các quy hoạch vùng trồng hoa tam giác mạch tại thị trấn Mèo Vạc, Tả Lủng, Pả Vi, Pải Lủng; vùng trồng cây đào cảnh quan các trục đường (từ thị trấn Mèo Vạc đi xã Khâu Vai, Pải Lủng..), tạo điểm nhấn du lịch của huyện.

Đặc biệt, để du khách có thêm những trải nghiệm ý nghĩa khi đến với huyện Mèo Vạc, Phòng Văn hoá của huyện Mèo Vạc đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương khôi phục, duy trì, phát triển các lễ hội truyền thống của các dân tộc, theo Đề án: Tổ chức ngày hội văn hóa của dân tộc Nùng - Giáy gắn với Chợ phong lưu Khâu Vai, Chợ phong lưu xã Sơn Vĩ; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, gắn với Festival khèn Mông; Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô gắn với Lễ mừng ngô mới; Ngày hội văn hóa dân tộc Dao gắn với Lễ hội Bàn Vương...

Huyện Mèo Vạc nổi tiếng với hẻm Tu Sản hùng vỹ

Huyện Mèo Vạc nổi tiếng với hẻm Tu Sản hùng vỹ

Theo ông Nguyễn Huy Sắc - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc: Xác định du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mèo Vạc, bên cạnh việc khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên sẵn có; huyện Mèo Vạc rất chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng phục vụ du lịch như: Mật ong bạc hà, lợn đen Lũng Pù, thịt bò vàng Mèo Vạc, gạo khẩu mang, trang phục dân dân tộc Mông, Dao, Nùng, Lô Lô… Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch, dịch vụ.

Với các hộ dân có mong muốn và có đủ điều kiện để xây dựng nhà nghỉ cộng đồng phục vụ du lịch, huyện Mèo Vạc luôn khuyến khích và tạo cơ chế để thu hút đầu tư bảo tồn, phát triển nhà ở dịch vụ theo kiến trúc nhà truyền thống dân tộc Mông, Tày, Nùng, Giấy để thu hút du khách và phát triển du lịch bền vững.

Giờ đây, lên với huyện Mèo Vạc, du khách đã thoải mái và an tâm hơn rất nhiều bởi dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông... ở huyện vùng cao biên giới này đã có những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng văn minh, hiện đại.

Sự thay đổi này không chỉ mang lại thuận lợi cho đồng bào các dân tộc ở huyện Mèo Vạc, mà hơn thế còn tạo cú hích để hoạt động thương mại – dịch vụ của huyện Mèo Vạc phát triển; từ đó thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với huyện Mèo Vạc và ở lại lưu trú, thưởng thức các đặc sản độc đáo của địa phương.


Nguồn: https://congthuong.vn/
Thống kê truy cập
Hôm nay : 162
Hôm qua : 2.545
Tháng 12 : 8.594
Năm 2024 : 945.292