A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng tới 5 nhóm tiện ích cốt lõi trong Đề án 06

Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) là “điểm sáng” trong hành trình CĐS của tỉnh, tạo bước đột phá phát triển KT - XH trong thời đại số.

Để thực hiện tốt Đề án 06 cần hướng tới 5 nhóm tiện ích cốt lõi, gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); phục vụ phát triển KT - XH; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Thay vì đến trực tiếp cơ quan công an để đăng ký, bấm biển số xe ô tô như trước đây, giờ đây, người dân chỉ cần mở ứng dụng VNeID, thực hiện các bước theo hướng dẫn là có thể hoàn tất các thủ tục. VNeID sẽ thông báo biển số được cấp và hướng dẫn chủ xe nộp lệ phí đăng ký xe, thanh toán lệ phí trực tiếp trên VNeID thông qua các tiện ích tích hợp. Chứng nhận đăng ký và biển số xe được gửi đến người dân qua dịch vụ bưu chính công ích. Anh Sùng Mí Sá, tổ 2, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) cho biết: “Khi nắm bắt được thông tin có thể đăng ký xe ô tô qua ứng dụng VNeID, tôi đã thực hiện ngay, rất nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian, đặc biệt là chi phí đối với những người sinh sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn”.

Công an Phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) cấp Căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi.

Với mục tiêu hình thành Kho bạc Nhà nước “3 không”: Không giao dịch bằng tiền mặt, không khách hàng giao dịch trực tiếp, không chứng từ giấy, Kho bạc Nhà nước tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị sử dụng ngân sách tham gia DVCTT, thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thu, chi ngân sách. Hiện nay, trên 99% các chứng từ giao dịch với Kho bạc Nhà nước của các đơn vị sử dụng ngân sách thông qua hình thức điện tử, kho bạc là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện mục tiêu không sử dụng tiền mặt, thanh toán tự động các dịch vụ chi thường xuyên.

Đề án 06 đặt mục tiêu cung cấp các DVCTT thiết yếu (tối thiểu 25 dịch vụ thiết yếu thuộc lĩnh vực cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động…) để người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC. Triển khai ứng dụng các tính năng của chíp điện tử trên thẻ Căn cước công dân (CCCD) đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển  KT - XH khác; tích hợp, phát triển ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, thương mại điện tử, điện, nước… lên ứng dụng VNeID, mã QR của thẻ CCCD gắn chíp điện tử; phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ VNeID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm, đồng thời xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm… từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số giao dịch theo quy định của pháp luật. Các tổ chức tài chính, ngân hàng đẩy mạnh thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, kết nối, sử dụng các ứng dụng của Hệ thống định danh và xác thực điện tử giúp tài khoản người dùng được xác thực, đúng danh tính, tạo sự minh bạch, góp phần đấu tranh, phòng, chống tội phạm, gian lận, lừa đảo trên không gian mạng.

Người dân sử dụng Căn cước công dân thay thế thẻ BHYT đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Sau 3 năm triển khai Đề án 06 và Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh về CĐS giai đoạn 2021 - 2025 đã tạo chuyển biến rõ nét trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch được giao. Tính đến tháng 8.2024, tỷ lệ giải quyết TTHC trên cổng DVCTT đúng và trước hạn đạt 97,8%; số lượng hồ sơ thanh toán trực tuyến trên cổng DVCTT đạt 90,1%. Số lượt người tham gia khám, chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ BHYT đạt 96,5%; chi trả chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt đạt 50,7% với tổng giá trị chi trả đạt trên 18 tỷ đồng; 100% trường học, cơ sở giáo dục thu học phí và các khoản thu khác qua tài khoản. Toàn tỉnh thu nhận, đăng ký trên 707.700 tài khoản định danh điện tử cho người đủ 14 tuổi trở lên, đạt 106,8% kế hoạch; đã kích hoạt trên 514.200 tài khoản định danh điện tử.

Cùng với đó, Công an tỉnh, BHXH tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tích cực rà soát, bổ sung, chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, người tham gia BHXH, BHYT, người hưởng lương hưu trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với 180/193 đơn vị hành chính cấp xã để làm sạch dữ liệu đất đai. Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương đã và đang triển khai hiệu quả 33 mô hình CĐS gắn với 5 nhóm tiện ích cốt lõi.

Giờ đây, người dân, doanh nghiệp chỉ cần máy tính, điện thoại thông minh có kết nối Internet là có thể thực hiện rất nhiều TTHC và giao dịch điện tử nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và hoạt động từ truyền thống sang hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý công dân, góp phần hạn chế tiêu cực, “tham nhũng vặt”.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 241
Hôm qua : 1.650
Tháng 09 : 241
Năm 2024 : 733.649